"Thiên đường" hàng lậu Tân Thanh: Những đồng tiền có vị mặn chát

Trong giới cửu vạn ở Tân Thanh (Lạng Sơn), có những người ngày đêm “bán sức” vì gia đình, mong muốn nuôi con ăn học để có cuộc sống tương lai tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những người vì tù túng, hay đơn giản vì cần tiền “làm vài bi” (ma túy)...

Cửu vạn đa sắc tộc

Buổi sáng buốt lạnh của miền biên viễn, khi những đợt gió thổi lồng vào người dựng cả tóc gáy, thì những người phu vác chỉ khoác một chiếc áo mỏng manh bắt đầu hành nghề “bán sức”. 

Giữa lúc nghỉ ngơi đợi hàng về để đi chuyến tiếp, tôi cùng chị D và vài người phụ nữ khác ngồi tụm lại nói chuyện.  Một chị khoảng chừng 40 tuổi tên H nhìn tôi nói giọng ái ngại: “Trước làm gì mà giờ lại lên đây làm nghề này? Tay chân thế kia thì thì vác sao nổi?”.

May chị D nhanh miệng nói: "Trước nó làm dưới công ty Sam Sung Bắc Ninh, nhưng thấy nhiều người bị ung thư không sinh nở được sợ nên nghỉ làm về đi hàng". Người phụ nữ nghe xong thì gật gù, bớt tỏ vẻ hoài nghi.

thien-duong-hang-lau-tan-thanh-nhung-dong-tien-co-vi-man-chat

Trên con đường mòn tôi nghe thấy đủ các thứ tiếng, nghe như tiếng người Dao, người Thái… Ngồi với các chị, pha lẫn tiếng Nùng, Tày, Kinh nhưng tôi nghe cũng hiểu được phần nào câu chuyện của mỗi người.

Bắt chuyện với chị tên Bàn, người Thái ở Sơn La, chị thật thà kể: "Làm nông ở quê khổ lắm mà chẳng có tiền, nên hai vợ chồng bỏ con cho ông bà nuôi rồi lên đây vác hàng thuê. Đêm nhiều hai vợ chồng cũng được khoảng 1,5-2 triệu đồng, ít cũng được 1 triệu đồng/đêm. Nói vậy thôi chứ làm cái nghề này vừa nhục, vừa vất vả, nghe chửi nhiều giờ thành quen".

Những chiếc điện thoại thi thoảng lại rung lên, đầu dây bên kia nếu là chủ hàng thì nói tiếng Kinh, còn nếu là bạn vác hàng thì nói tiếng dân tộc. Do đã thấm mệt sau 2 chuyến vác hàng, tôi ngồi nghỉ tại một quán nước để các chị đi làm tiếp. Qua nói chuyện, người phụ nữ bán nước này cũng từng có thâm niên 10 năm vác hàng nhưng giờ vác hàng công trả rẻ bèo so với trước đây, nên chị đi bán nước cho nhẹ nhàng mà thu nhập vẫn ổn.

Chị cho biết: “Khoảng năm 2008, hai vợ chồng chị đã ra cửa khẩu này vác hàng thuê rồi. Hồi đó đi đường hồi, rừng còn rậm rạp chứ đâu có đường mòn như bây giờ. Giờ không chỉ đất mòn mà ngay cả đá cũng mòn nhẵn vì dấu chân người qua lại mỗi ngày. Hồi đó mỗi vác hàng được trả 200.000 đồng nhưng tiền thời đó có giá, 200.000 đồng thời đó có khi bằng cả triệu bây giờ".

Chồng chị cũng đi hàng nhưng đi đường đồi keo, ngày nào 12h trưa cũng lên đợi lấy số rồi đi hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. “Hôm nào sớm thì 3h chiều xong, có hôm cũng 8-9h tối mới về nên cũng không giúp được gì. Hôm nay về sớm nên chồng chị mới lên đây giúp bán hàng một lúc thôi, nhưng lại phải về nghỉ sớm để lấy sức mai đi hàng tiếp” - chị nói.

Nhiều người chạy hàng cũng đã thấm mệt nên ngồi lại chỗ quán nước nghỉ và mua vài quả trứng vịt lộn ăn lấy sức. Ngay cạnh đó có 3 thanh niên nhìn mặt non choẹt, hỏi ra mới 16 tuổi ở Tân Mỹ, Văn Lãng (Lạng Sơn) ra đây đi vác hàng. “Bé thế cũng đi vác hàng, bố mẹ không nói gì à?" - tôi hỏi. Mấy cậu cười, nói đi được 1 bao thôi, không vác được 3-4 bao như các anh trong làng.

Nghĩ tôi là người mới vào nghề, chị bán nước truyền đạt kinh nghiệm: “Gặp phải Biên phòng là phải chạy lấy thân trước nhé, vì theo quy định, Biên phòng được phép bắt người, chứ hàng họ chẳng lấy đâu. Riêng Hải quan thì không bắt người nhưng thu hết hàng. Hôm nay chắc bên đó (Trung Quốc - PV) làm căng rồi, từ nãy cứ thấy cai hàng gọi đàm suốt”.

Nghe vậy nhiều cửu vạn thở dài nghĩ lại 1 đêm nữa thất thu...

Tiền công là máu và nước mắt

Ở vùng biên xô bồ này, dù chẳng nói ra, nhưng trong thâm tâm mỗi người, ai cũng tự nhủ rằng đồng tiền kiếm được không đơn giản chỉ là công sức mà còn có cả máu và nước mắt, thậm chí họ phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình.

Trong lúc tôi ngồi nghỉ, thì người chị tôi quen tên D vẫn chạy hàng liên tục. Thấy nói Biên phòng đuổi, đang lo lắng thì chị hớt hải chạy lại nói Biên phòng Trung Quốc làm, 3- 4 người bỏ hàng chạy về đất Việt Nam sẩy chân lăn xuống dưới tà luy, ngã vào đống đất đá phía dưới phải cõng về rồi.

Tận mắt chứng kiến những chuyến đi hàng, tôi không khỏi rùng mình bàng hoàng và xót xa cho những kiếp phu vạn nơi đây. Liều mình, liều sức, liều mạng, nghe chửi bới thậm tệ, thậm chí bị đánh đập, còng lưng “bán sức” xuyên đêm chỉ để kiếm ít tiền từ giới buôn lậu.

Biên phòng Trung Quốc kiểm soát chặt nên cánh cửu vạn và "chim lợn" chạy tán loạn, hàng vứt khắp nơi phía nước bạn. Lúc này đội quân cửu vạn tập trung quay về phía đất Việt Nam nghỉ ngơi lấy sức. Mãi đến 3h sáng, “chim lợn” các bên nhận thấy tình hình an toàn mới lệnh cho cửu vạn tiếp tục làm việc.

5h sáng, đội quân cửu vạn vác nốt những bao hàng cuối cùng trước khi kết thúc một đêm dài để về nghỉ ngơi chờ những chuyến hàng ngầm tiếp theo.

Chuyến hàng thứ ba này, do quá mỏi nên có lúc tôi phải đứng dựa bao hàng vào thành đất phía bên trong tà luy.  Đến khoảng 5h sáng thì trời bắt đầu tỏ, hàng vẫn về liên tục nhưng nhiều người thấm mệt nên cũng bỏ về, đội quân cửu vạn thưa dần.

Nhiều phu vạn còn dư sức thì tranh thủ chạy được thêm vài chuyến vì giờ đường thoáng, không "chống" hàng, khoảng 15 phút là đã được 1 chuyến rồi quay về. Đến 6h sáng hàng ít dần, chủ hàng cũng cho dừng chở hàng để nghỉ đêm mai "chạy" tiếp.

Trời sáng, đường mòn lại trở về im ắng như vốn có. Khói bếp buổi sáng hòa vào làn sương bảng lảng dưới chân đồi. Và đâu đó, số phận những người cửu vạn tại vùng biên giới này vẫn mong manh như làn khói bếp xóm cửu... 

Cai hàng là những đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy

"Tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn các cửa khẩu có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, nhất là dịp cuối năm. Về phương thức, thủ đoạn địa bàn hoạt động của các đối tượng buôn lậu không có nhiều thay đổi, chủ yếu vẫn là lợi dụng đêm tối, địa hình đồi núi hiểm trở để mang vác hàng hóa Trung Quốc theo các đường mòn biên giới vào Việt Nam.

Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng hóa tiêu dùng, các mặt hàng có thuế cao, quần áo, mỹ phẩm, bánh kẹo, các loại hàng cấm như ma túy, pháo nổ, tiền giả... Nhập khẩu thực phẩm, gia cầm thịt, gia cầm giống, nông sản, gỗ quý thì có số lượng nhỏ lẻ diễn ra ở các lối mòn đường tắt qua biên giới.

Những cai hàng chủ yếu là các đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy tham gia bảo kê cho việc buôn bán, vận chuyển hàng lậu. Các chủ đầu nậu bao gồm người địa phương và người từ các tỉnh khác thường không trực tiếp tham gia buôn lậu mà thường thuê, khoán gọn cho các đối tượng lao động tự do…".

 Ông Mai Văn Xuyên - Phó đội trưởng Đội kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn cho biết. 

Theo DanViet