Thoa dấm ăn, gạo nếp chữa "giời leo", không tốn một xu nhưng cẩn thận mắc biến chứng khủng khiếp này

Hiện không ít người truyền miệng nhau chữa zona thần kinh (dân gian gọi là “giời leo”) bằng cách khá kinh dị: bôi dấm ăn lên vết thương.

Cứ ngứa, đau rát là thoa, đắp

Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi đến thời điểm thời tiết giao mùa thu đông là chị Hồng Ngọc (Hà Nội) lại mọc nốt zona thần kinh. Có lần vết thương mọc trên mặt, có lần mọc ở đùi, cánh tay.

Cảm giác ngứa, rát, đau khi bị zona khiến chị cực kỳ khó chịu. Trong một lần gặp gỡ café, đám “bà tám” của chị đã mách bôi dấm ăn lên vết zona sẽ dịu ngay cảm giác đau, ngứa. Một vài hôm sau, vết thương sẽ khô và lành trở lại.

Thoa dấm ăn, gạo nếp chữa “giời leo”, không tốn một xu nhưng cẩn thận mắc biến chứng khủng khiếp này

Bệnh zona tuy lành tính nhưng nếu không điều trị đúng cách thì sẽ gây hậu quả khôn lường. Ảnh minh họa

Chị Ngọc về thực hiện như lời đám bạn mách. “Quả thực vết thương có lành lại, không bị ngứa nhưng tôi khá lo lắng, sợ ngộ nhỡ mua phải dấm hóa chất, lại bị nhiễm trùng thêm”, chị Ngọc bày tỏ.

Mặc dù sợ hãi nhưng cứ mỗi lần bị zona, chị Ngọc lại bôi dấm ăn vì suy nghĩ đỡ mất công đi khám “vết thương con con”. Thấy mình khỏi bệnh, chị còn mách cho nhiều người khác sử dụng “bí kíp dấm ăn” này.

Chị Ngân Anh (Đông Anh, Hà Nội) lại chữa zona bằng cách nhá gạo nếp rồi đắp lên vết thương đang bỏng rát, chảy nước. “Thấy người lớn tuổi trong làng mách đắp gạo nếp lên sẽ giảm sưng đau, chóng khỏi, lại không tốn một xu nên tôi cũng làm theo”, chị Ngân Anh lý giải.

Chớ tự chữa khiến bệnh lành tính trở nặng!

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Phó viện trưởng viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh, phụ trách phòng khám da liễu Đồng Diều cho biết bệnh zona do vi rút Varicella Roster gây nên.

Thoa dấm ăn, gạo nếp chữa “giời leo”, không tốn một xu nhưng cẩn thận mắc biến chứng khủng khiếp này

Bác sĩ Lương Trường Sơn, chuyên gia ngành da liễu tại TP.HCM. Ảnh: NVCC

Nhiễm vi rút tiên phát gây bệnh thủy đậu. Sự tái hoạt động sau này của vi rút Varicella Roster tiềm ẩn trong các hạch rễ lưng, tạo nên một phát ban ngoài da khu trú gọi là zona mà dân gian hay gọi là bệnh “giời leo”.

Triệu chứng điển hình của bệnh là cảm giác ngứa, đau nhói, thậm chí đau đến dữ dội. Sau đó, các phát ban hồng, sẩn sẽ tiến triển thành các cụm mụn nước trong 3 – 5 ngày, rồi hóa mũ, loét và đóng vảy. Sau khi lành, vết thương thường để lại sẹo vĩnh viễn trên da của người bệnh.

Đây là bệnh lành tính, tuy nhiên có thể xảy ra nhiều biến chứng nặng nề. “Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh zona là đau dây thần kinh. Trong một nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành của đau dây thần kinh sau khi khỏi zona là 8% sau 30 ngày khỏi và 4.5% sau 60 ngày khỏi bệnh.

Ngoài ra, sau zona còn có thể xảy ra biến chứng viêm não, viêm tủy, liệt dây thần kinh sọ não, dây thần kinh ngoại biên và hội chứng liệt nhẹ nửa người. Hoại tử võng mạc cấp tính do vi rút Varicella Roster có thể xuất hiện, mặc dù hiếm gặp nhưng người dân không nên chủ quan”, Bác sĩ Lương Trường Sơn nói.

Để đề phòng các biến chứng nặng nề, bác sĩ Trường Sơn khuyến cáo người dân chớ tự ý chữa zona theo lời truyền miệng. Đặc biệt là những người bệnh bị zona ở mắt cần phải được điều trị hết sức cẩn trọng để tránh biến chứng các bệnh lý giác mạc, viêm mống mắt…

“Zona có thể xảy ra ở bất cứ người nào đã từng bị thủy đậu nhưng cũng có thể gặp khi tuổi đời càng tăng, người suy giảm hệ miễn dịch. Khi xuất hiện trên da những nốt ngứa, đau nhói, ban hồng, có mụn nước, người bệnh hãy nghĩ tới bệnh zona và tới các phòng khám da liễu để được khám và điều trị đầy đủ. Ba loại thuốc đầu tay để điều trị zona đó là Acyclorir, Valacyclovir, Famciclovir.

Thuốc Acyclovir có tác dụng rút ngắn thời gian bài xuất vi rút, làm ngưng hình thành tổn thương mới, đẩy nhanh tốc độ liền sẹo, giảm cơn đau cấp tính. Vết thương cần được giữ sạch sẽ, khô ráo, nếu cần có thể đắp một miếng bông gạc mỏng để tránh tiếp xúc với bụi, vi khuẩn hoặc bị quần áo cọ xát gây trợt loét”, Bác sĩ Trường Sơn nhấn mạnh.

Thu Hà

Theo emdep