Thủ đoạn tinh vi của “Trùm” đa cấp và đồng phạm sử dụng để lừa đảo 36.000 người, chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng

Với những lời quảng cáo có cánh, không cần kinh doanh, chỉ cần nộp tiền và thu lợi nhuận cao, Quang và đồng phạm đã khiến 36.000 người “sập bẫy”, lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 700 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, do nắm bắt được tâm lý hám lợi, mong kiếm tiền nhanh chóng, không cần kinh doanh, chỉ cần nộp tiền và thu lợi nhuận cao, năm 2014, Lê Văn Quang (SN 1973, quê quán Hải Dương, trú tại Khu đô thị Royal City, quận Thanh Xuân, Hà Nội) thành lập ra hệ thống các công ty gọi là Thăng Long Group và Quang làm Chủ tịch HĐQT.

Các đồng phạm của Quang gồm: Phạm Ngọc Tuân (SN 1985, Giám đốc Công ty TNHH nhượng quyền thương mại Thăng Long), Vũ Đình Hùng (SN 1983, Tổng Giám đốc Công ty nhượng quyền Thăng Long), Đỗ Văn (tức "Michael Do", Giám đốc Công nghệ thông tin Thăng Long).

Huỳnh Trọng Nghĩa (SN 1988, Giám đốc truyền thông Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Hồng Thái (SN 1980, Giám đốc đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Nguyễn Thành Nam (SN 1982, Phó Giám đốc phụ trách đào tạo Công ty nhượng quyền Thăng Long), Hoàng Hải Yến (SN 1980, Giám đốc tài chính Công ty nhượng quyền Thăng Long).

Những người này được Quang giao nhiệm vụ xây dựng các hình ảnh quảng cáo, mục đích để mọi người tin tưởng rằng, Thăng Long Group là tập đoàn mạnh trong nhiều lĩnh vực. Nhóm của Quang đã xin giấy phép kinh doanh đa cấp cho Công ty nhượng quyền Thăng Long từ Bộ Công thương nhằm tạo "lớp vỏ bọc" hợp pháp thu hút người nộp tiền.

thu-doan-tinh-vi-cua-trum-da-cap-va-dong-pham-su-dung-de-lua-dao-36-000-nguoi-chiem-doat-hon-700-ty-dong

Các bị cáo tại phiên tòa chiều 4/8. Ảnh: C.Lê

Thủ đoạn của nhóm tội phạm trên sử dụng là đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn để thu hút bị hại: Mua gói sản phẩm trị giá 31 triệu đồng, trong tương lai sẽ được nhận 146 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 155 triệu đồng được nhận 730 triệu đồng (gấp 4,7 lần); mua gói 46 triệu đồng được nhận 153 triệu đồng (gấp 3,3 lần)...

Đồng thời, nhóm bị cáo tổ chức các hội nghị vinh danh để thúc đẩy tâm lý muốn tham gia.

Gói sản phẩm mà Tập đoàn Thăng Long bán là sản phẩm làm đẹp da, thực phẩm chức năng, thực phẩm chức năng giải rượu, giải độc gan…

Liên quan tới vụ án trên, cơ quan chức năng xác định có 36.000 người bị hại, tin và nộp tiền cho các bị can. Tổng số tiền các bị can đã thu của người bị hại là hơn 736 tỷ đồng.

Các bị can đã chi phí thực tế cho hoạt động mua hàng gần 30 tỷ đồng; còn lại là các khoản chi phí bất hợp pháp cho nhà đầu tư để lôi kéo người khác tiếp tục nộp tiền... Tổng thiệt hại của vụ án là hơn 706 tỷ đồng.

Hiện đã có hàng nghìn người bị hại trình báo và yêu cầu các bị can bồi thường số tiền bị chiếm đoạt.

Theo đó, VKSND Tối cao truy tố các bị can nêu trên ra TAND TP. Hà Nội để xét xử về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại Khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999.

thu-doan-tinh-vi-cua-trum-da-cap-va-dong-pham-su-dung-de-lua-dao-36-000-nguoi-chiem-doat-hon-700-ty-dong

Rất đông người bị hại có mặt theo dõi phiên xét xử. Ảnh: C.Lê

Theo một nạn nhân (quê Sơn La) chia sẻ, năm 2014, do biết gia đình có người nghiện rượu, nên một người quen tìm tới tận nhà giới thiệu về Tập đoàn Thăng Long có bán sản phẩm "thuốc cai rượu", bổ gan, chống lão hóa.

Nếu gia đình nộp 46 triệu thì sẽ được hưởng gói điều trị trong 10 năm, đồng thời được tham gia là thành viên, nếu rủ rê thêm người khác sẽ được hưởng hoa hồng và mức lãi suất tổng giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng.

Tin lời, người này đã bán nhiều tài sản, lẫn đi vay mượn thêm tiền để có đủ tiền đóng cho Tập đoàn Thăng Long. Giấc mộng làm giàu chưa thấy đâu, thì chỉ vài tháng sau, người này nghe tin Tập đoàn phá sản.

Hàng nghìn nạn nhân khác cũng bị nhóm của Quang lừa đảo với chiêu trò tương tự.

Theo ghi nhận trực tiếp của PV Báo Gia đình & Xã hội tại phiên tòa chiều 4/8, các bị hại có mặt và ngồi chật kín phòng xét xử. Trong cuối giờ chiều nay, TAND TP. Hà Nội sẽ tuyên án đối với các bị cáo nêu trên.

Chi Lê

Theo GiaDinh