Thủ Thiêm: Truy tìm sự thật thu hồi "lố" hơn 170 ha và nguyên nhân gây ra nỗi khổ của dân

Cho đến nay, câu hỏi “Đất của người dân ở Thủ Thiêm có bị UBND TP.HCM và Quận 2 nhân danh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm giải tỏa lố hay không?” vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Đó cũng là một trong ít nguyên nhân khiến bức xúc và khiếu kiện dai dẳng hàng chục năm trời cùng nghi vấn "những thế lực đen tối" trục lợi ở đây chưa bao giờ dứt. Theo tài liệu mà PV Báo Người Tiêu Dùng thu thập được hiện có thì dư luận hoàn toàn đủ cơ sở để nghi ngờ những điều đấy… Đã đến lúc chúng ta truy tìm về sự thật đã bị che giấu suốt 20 năm qua.

Ra quyết định thu hồi 657 ha nhưng thu đến 803 ha!

Theo quyết định 367/TTg ngày 4/6/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐT Thủ Thiêm) thì khu này có diện tích 930 ha bao gồm KĐT Thủ Thiêm 770 ha (bao gồm 133 ha mặt nước sông Sài Gòn) và 160 ha tái định cư.

Trước đó tờ trình xin Chính phủ phê duyệt quy hoạch KĐT Thủ Thiêm của UBND TP.HCM do Phó Chủ tịch Võ Viết Thanh ký cũng ghi rõ như trên. Công văn số 190/CP-NN ngày 22/2/2002 của Chính phủ vẫn tái khẳng định như vậy.

Từ những văn bản trên, ngày 10/05/2002, UBND TP.HCM ra Quyết định 1997 thu hồi 621 ha thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để xây dựng Khu trung tâm KĐT Thủ Thiêm. Quyết định 6566 của UBND TP.HCM 3 năm sau đó, ra ngày 27/12/2005 cũng nêu rõ khu trung tâm KĐT Thủ Thiêm có tổng diện tích 657 ha.

Căn cứ vào hai quyết định trên, UBND Quận 2 và Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng quận này đã tiến hành bồi thường, giải tỏa trắng 3 phường An Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm để thu hồi đất. Tuy nhiên, theo bản đồ hành chính Quận 2 và Nghị định 03/CP về việc thành lập Quận 2 thì 3 phường bị giải tỏa trắng đã lên tới 689 ha, thừa hơn 30 ha so với Quyết định thu hồi đất 1997 hay Quyết định 6566 của UBND TP.HCM.

Thủ Thiêm: Truy tìm sự thật thu hồi

Khu Đô thị mới Thủ Thiêm bị thu hồi “lố” hơn 170 ha gây ra nhiều bức xúc

Nhưng không hiểu vì lý do gì, giải tỏa lố để làm việc khác hay nhân tiện “làm luôn” mà phường Bình Khánh bị thu hồi hơn 99 ha, phường Bình An thêm 15 ha nữa là tổng cộng 114 ha !?

Như vậy, nếu so với bản đồ hành chính và Nghị định 03/CP về diện tích của các phường trong Quận 2 thì “nhân danh” giải tỏa, thu hồi đất để xây khu trung tâm KĐT Thủ Thiêm lên tới hơn 803 ha, “lố” ít nhất 173 ha!

Cho đến nay, số đất này “biến mất hay có sự nhầm lẫn nào đó vẫn trong vòng bí ẩn, chưa bao giờ được giải đáp rõ ràng minh bạch dù cử tri Q.2 và người dân bị giải tỏa để xây khu trung tâm KĐT Thủ Thiêm nhiều lần đòi hỏi. Trong khi đó, các dự án phân lô bán nền tại chính khu KĐT Thủ Thiêm được ngang nhiên giao đất sau khi có quyết định 367 của Thủ tướng, một vi phạm rõ ràng từ hàng chục năm nay lại chìm trong im lặng!

Gần 170 ha được giao cho các chủ đầu tư làm dự án “ăn theo” KĐT Thủ Thiêm

Kết quả thanh tra năm 2008 mà Thanh tra TP.HCM công bố đã điểm mặt hàng chục nhiều dự án với tổng diện tích lên đến 169 ha "ăn theo" dự án KĐT Thủ Thiêm.

Theo đó trên địa bàn 3 phường (Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông) có 64 dự án khu dân cư, khu du lịch, văn phòng làm việc... với tổng diện tích 169 ha giao cho các nhà đầu tư. Đặc biệt có đến 42 dự án có quyết định giao đất của UBND TP.HCM sau khi có Quyết định 367 của Thủ tướng.

Theo nhiều chuyên gia, đây là nguyên nhân chính “cắt” diện tích đất của dự án KĐT Thủ Thiêm bị thu hẹp lại, không đủ diện tích ban đầu như phê duyệt của Thủ tướng. Đó còn là lý do khiến các khu tái định cư bị dạt những nơi “xấu nhất” của Quận 2. Thậm chí có lúc người ta còn định đưa dân ở đây về quận 12 tái định cư như thừa nhận của cựu Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh. Ông Thanh nói “Khi nghe có bộ phận người dân Thủ Thiêm được đưa về định cư quận 12, tôi liền nói với lãnh đạo thành phố: "Dứt khoát không thể chấp nhận. Nếu là tôi, tôi cũng chống các anh".

Theo tài liệu chúng tôi hiện có, trong số những doanh nghiệp được giao đất mang danh nghĩa “chỉnh trang đô thị” nhưng thực chất là phân lô bán nền có cả những công ty lấn chiếm sông Sài Gòn hay kênh rạch, mương thoát nước… ở khu đô thị này nhưng hơn 10 năm trôi qua, hầu hết không bị xử lý hay trả lại nguyên trạng. Họ được giao cả vào phần đất vốn được quy hoạch là công viên cây xanh, khu công cộng!?

Đó là Công ty Khởi Thành, Him Lam, Trường Thịnh, Bình Minh hay khu nhà ở của cán bộ - công nhân viên huyện Cần Giờ... Rồi hàng loạt Công ty địa ốc lấn chiếm, san lấp sông Sài Gòn để bán nền, xây dựng công trình riêng với hàng chục ngàn mét vuông như Tân Hoàng Uy, Công ty Phát triển nhà Thủ Đức, Công ty Cơ khí 78 và Công ty Sài Gòn 5… Tại sao họ được giao dễ dàng như thế, vi phạm không bị xử lý hoặc để “chìm xuống”?

Thủ Thiêm: Truy tìm sự thật thu hồi
Nhóm PV Báo Người Tiêu Dùng đi gặp rất nhều người dân Thủ Thiêm, để lắng nghe tiếng nói từ trái tim những người gần 20 năm sống trong đau khổ - Ảnh: Tường Minh

Trong khi đó hàng ngàn người dân Thủ Thiêm bị thu hồi với những cơ sở pháp lý không rõ ràng, rất nhiều người khiếu kiện triền miên hàng chục năm ròng, chịu bao thống khổ nhưng vẫn không được giải quyết thỏa đáng vì lý do hết sức nực cười “thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5000”!?

Từ thực trạng trên, không khó để dư luận nghi ngờ về động cơ của việc thu hồi “lố” và giao đất trái thẩm quyền. Có lẽ cần phải một cuộc đại phẫu hoặc thanh tra toàn diện thì may ra mới có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận và xử lý nghiêm minh những người sai phạm.

Việc hơn 170 ha đất có bị thu hồi lố hay không sẽ trắng đen rõ ràng. Nếu có đã rơi vào tay ai, còn không vì sao lại chênh lệch với các số liệu chính thức như vậy. Không chỉ người dân Thủ Thiêm mà dư luận cả nước đang chờ mong cuộc “đại phẫu” đó để trả lại vẻ đẹp và yên bình cho KĐT Thủ Thiêm. Đó không chỉ là là đòi hỏi chính đáng của nhân dân mà còn là “nhiệm vụ” phải làm của chính quyền TP HCM.

Theo NTD

------------------------

Xem thêm:

Người dân Thủ Thiêm bật khóc, ngất xỉu ngay tại hội trường tiếp xúc cử tri

Nhiều người dân Thủ Thiêm bật khóc, ngất xỉu ngay tại hội trường tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội TPHCM.

Ngày 9/5, tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đã tiếp xúc cử tri quận 2. Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri bức xúc về việc giá đất đền bù cho các hộ dân giải tỏa trong dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm với giá không hợp lý.

Hội nghị bắt đầu lúc 14h và kết thúc lúc 20h30, hơn 50 ý kiến cử tri đã gửi tới Chủ tịch HĐND TPHCM và các đại biểu Quốc hội. Có thể nói đây là buổi tiếp xúc cử tri kéo dài và nhiều ý kiến nhất tại TPHCM từ trước tới nay.

Buổi tiếp xúc nóng ngay khi cử tri bắt đầu nêu ý kiến. Đây đa phần là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Bà Lê Thị Bạch Tuyết khẳng định vấn đề đền bù có vấn đề. Dẫn chứng là bà gọi lên Sala để hỏi giá thì được báo là 350 triệu đồng/m2. Trong khi trước đó, Nhà nước đền bù cho gia đình với mức giá 18 triệu đồng/m2.

Nhiều cử tri cho biết, cuộc sống gia đình hoàn toàn bị đảo lộn, 10 năm qua bỏ hết mọi thứ để đi kiện từ các cấp của thành phố Trung ương đến. Bà Nguyễn Ngọc Thanh, đường Lương Định Của vừa khóc vừa kể căn nhà hai mặt tiền của bà gần chợ An Khánh, bị ép tháo dỡ và chỉ được bồi thường 94 triệu đồng.

Khi đó muốn mua căn hộ tái định cư phải đóng thêm đến 800 triệu đồng; không có tiền nên gia đình phải sống tạm bợ hết sức khổ sở. Vì bức xúc, có người dân cho rằng họ không bị cưỡng chế mà là bị “cưỡng chiếm”. Ông Ngô Hùng Phong kể lại câu chuyện đẫm nước mắt là trước khi mất, bố ông còn thắc mắc “Nhà tôi đâu?”.

Trong khi đó, ông Trần Kim Long cho biết lúc trước ông làm ở Đường sắt Việt Nam hay vắng nhà thường xuyên do đặc thù công việc. Năm 2007 ông bị giải tỏa nhà một cách mà theo ông là hoàn toàn bất ngờ và ông đã ngược xuôi kiện cáo cả chục năm qua: “Khi tôi về thì nghe nói nhà tôi bị giải tỏa rồi. Tôi mới đi kiện, tôi khẳng định là chưa nhận bất cứ văn bản nào của Quận 2. 10 năm qua tôi gửi thư rất nhiều với tâm trạng vợ chết, nuôi con nhỏ, ở nhà trọ…giờ đã về hưu rồi, không còn điều kiện nữa”.

Người dân Thủ Thiêm bật khóc, ngất xỉu ngay tại hội trường tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

 Nhiều người đã bật khóc vì bức xúc cho hoàn cảnh của mình cũng như nhiều hộ dân khác. Ảnh: Dân Trí

Nhiều người đã bật khóc vì bức xúc cho hoàn cảnh của mình cũng như nhiều hộ dân khác, nay được trình bày trước đại biểu Quốc hội. Do buổi tiếp xúc cử tri kéo dài 6 tiếng đồng hồ, một số cử tri lớn tuổi, sức khỏe không đảm bảo đã bị ngất xỉu ngay tại hội trường. Ngay sau đó, ban chủ trì buổi tiếp xúc cử tri yêu cầu mọi người giãn ra để xức dầu cho cử tri bị ngất. 

Sau hơn 50 ý kiến cử tri, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2 đã thay mặt chính quyền địa phương trả lời một số nội dung cử tri phản ánh. Tuy nhiên, không khí hội trường lúc hơn 20h trở nên căng thẳng vì cử tri không đồng tình với trả lời của lãnh đạo quận.

Kết luận buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM cho biết toàn bộ ý kiến của nhân dân sẽ được tổng hợp để báo cáo Bí thư Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy để có chỉ đạo toàn diện. Hiện nay Thanh tra Chính phủ đang làm việc, kiểm tra lại hồ sơ qua các thời kỳ và sẽ có kết luận sau. Bà Tâm đề nghị Quận 2 phải rà soát lại hồ sơ mà người dân phản ảnh, người dân chịu khó, chính quyền phải kiên trì, sai cái gì sửa cái đó, ai sai phải chịu trách nhiệm.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, đại biểu Quốc hội nói: “Nghe cô bác nói mình xót lắm bởi vì chính quyền giải quyết việc lớn mà người dân chưa đồng thuận. Và còn khiếu nại, còn ý kiến với tổ đại biểu là còn tin chúng tôi và mình làm chưa có đạt yêu cầu là ray rứt lắm. Nhưng không phải ray rức rồi thôi mà phải tiếp tục theo dõi, làm, giám sát…Khi nào còn 1 ý kiến thì chúng tôi cũng còn đeo bám để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm”.

Người dân Thủ Thiêm bật khóc, ngất xỉu ngay tại hội trường tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội

Người dân Thủ Thiêm bật khóc, ngất xỉu ngay tại hội trường tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Lao Động

Buổi tiếp xúc cử tri kéo dài kỷ lục từ 14h đến gần 21h cho thấy sức nóng của vấn đề Thủ Thiêm, một vấn đề đã kéo dài nhức nhối trong nhiều năm qua. Đã đến lúc, các cấp chính quyền từ Trung ương đến TPHCM cần phải nhìn thẳng vào sự thật để mang lại những điều tốt đẹp nhất cho nhân dân.

Làm sao để mục đích tốt đẹp của dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm phải được thực hiện đúng như quy hoạch ban đầu và hợp lòng dân. Trách nhiệm của chính quyền, cá nhân liên quan đến quy hoạch này ra sao cần phải được thanh tra làm rõ.

Hòa Lê (T/h)

Theo VietQ