Thủ tướng: Chậm nhất tháng 6/2022 phải có vaccine COVID-19 sản xuất trong nước

Chúng ta quyết tâm phải sản xuất bằng được vaccine COVID-19, chậm nhất là tháng 6/2022. Cũng có thể sớm hơn vì chúng ta đã có nhiều tiền đề quan trọng- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chiều 24/6.

Chiều 24/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới thăm và làm việc tại Công ty TNHH Một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Sau khi thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vaccine, tìm hiểu về dây chuyền đóng ống, đóng gói vaccine, Thủ tướng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành và các đơn vị nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất vaccine. 

thu-tuong-cham-nhat-thang-6-2022-phai-co-vaccine-covid-19-san-xuat-trong-nuoc

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm thăm các phòng thí nghiệm, kho lưu trữ vaccine Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 24/6. Ảnh: Trần Minh

Thủ tướng nhắc lại yêu cầu cần tổ chức thực hiện nhanh nhất, hiệu quả nhất chiến lược vaccine, bao gồm việc tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể; thúc đẩy nhanh hơn việc tiếp nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước; triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vaccine.

3 tiền đề quan trọng để sản xuất vaccine trong nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bên cạnh những khó khăn, chúng ta có những tiền đề hết sức quan trọng để thực hiện quyết tâm này.

Trước hết, Việt Nam có truyền thống trong nghiên cứu, sản xuất các loại vaccine, trong đó Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương là cơ sở nghiên cứu lớn nhất, có truyền thống nhất. 

thu-tuong-cham-nhat-thang-6-2022-phai-co-vaccine-covid-19-san-xuat-trong-nuoc

"Chúng ta quyết tâm phải sản xuất bằng được vaccine COVID-19, chậm nhất là tháng 6/2022. Cũng có thể sớm hơn vì chúng ta đã có nhiều tiền đề quan trọng"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. Ảnh: VGP

Hiện Việt Nam đã sản xuất, chủ động 11/12 loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chấm dứt, thanh toán được nhiều loại dịch bênh nguy hiểm như bại liệt, uốn ván sơ sinh… Thủ tướng yêu cầu, phải kế thừa các truyền thống, nền tảng đã có được, ổn định, đổi mới và phát triển trên cơ sở thực tiễn của đất nước.

Tiền đề thứ hai, các cơ sở của Việt Nam đã và đang nghiên cứu, thử nghiệm một số loại vaccine COVID-19, sản xuất thành công nhiều loại sản phẩm, vật tư… phòng chống dịch.

Tiền đề thứ ba là truyền thống của người Việt Nam, càng gặp khó khăn, thách thức càng quyết tâm, đoàn kết và thống nhất, lấy khó khăn, thách thức làm động lực để phấn đấu, vươn lên, trưởng thành và phát triển.

Bộ Y tế, các cơ quan tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine trong nước

Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và đại diện các công ty, đơn vị đã báo cáo về việc chuyển giao, nghiên cứu và sản xuất các loại sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế nói chung, trong đó có vaccine và các sản phẩm phòng chống COVID-19. 

thu-tuong-cham-nhat-thang-6-2022-phai-co-vaccine-covid-19-san-xuat-trong-nuoc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo tại cuộc làm việc. Ảnh: Trần Minh

Định hướng nghiên cứu thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngành y tế sẽ tập trung vào 4 nội dung: Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine COVID-19; phát triển mạnh kỹ thuật chuẩn đoán để giảm gánh nặng cho nhân viên y tế; phát triển các sản phẩm, trang thiết bị y tế khác; nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm phục vụ cho trạng thái bình thường mới, ví dụ như mũ cho công nhân sử dụng khi làm việc không cần khẩu trang…

Hiện nay, một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, tìm kiếm công nghệ sản xuất vaccine trong nước và quốc tế, cố gắng cuối năm 2021, chậm nhất đầu năm 2022 sẽ có 1 nhà máy sản xuất vaccine quy mô lớn đi vào hoạt động.

Bộ Y tế đang thúc đẩy Công ty Vabiotech tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Nga theo 2 giai đoạn. 

Giai đoạn 1, dự kiến sẽ nhập bán thành phẩm, tận dụng hạ tầng của Vabiotech để đóng ống, đóng gói vaccine Sputnik V, test thử tại Việt Nam từ tháng 6 và dự kiến sẽ nhập chính thức đóng ống, đóng gói từ tháng 7 năm nay. 

Giai đoạn 2 sẽ lên kế hoạch xây dựng nhà máy mới để mở rộng công suất đóng gói lên 100 đến 150 triệu liều/năm. Đồng thời, tiếp tục đàm phán với đối tác cho việc chuyển giao công nghệ và xây dựng nhà máy sản xuất gia công toàn phần vaccine Sputnik V tại Việt Nam.

Bộ Y tế, các cơ quan cũng tạo điều kiện tối đa cho thử nghiệm vaccine trong nước, nếu đạt kết quả thử nghiệm tốt, trong tình trạng khan hiếm vaccine, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan có thẩm quyền để thông qua việc cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp.

Huy động hợp tác công – tư trong chuyển giao, nghiên cứu, sản xuất vaccine

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng hoan nghênh Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp, cơ sở nghiên cứu đều khẳng định quyết tâm rất cao trong sản xuất vaccine và các sinh phẩm, vật tư phục vụ phòng chống dịch bệnh trước mắt và lâu dài, thực hiện mục tiêu miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19 và nhiều loại dịch bệnh khác trong tương lai.

"Phải tập trung cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine nói chung và trước mắt là vaccine COVID-19 càng sớm càng tốt, chậm nhất là tháng 6/2022 phải có vaccine COVID-19 sản xuất trong nước", Thủ tướng nêu rõ.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án về chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, trong đó có vaccine COVID-19, báo cáo Chính phủ theo thủ tục rút gọn.

Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Tư pháp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp, hiệu quả, kịp thời cho việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine.

Thủ tướng cũng đồng ý dành một phần nguồn ngân sách của nhà nước trong điều kiện cho phép để làm "vốn mồi" cho hợp tác công tư, huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác để chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, trong đó có Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 hiện đã có gần 8 nghìn tỷ đồng.

Thủ tướng yêu cầu kế thừa truyền thống, thành quả đã đạt được, tiếp tục đào tạo, phát huy, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ của ngành vaccine Việt Nam bởi nguồn lực con người có tính chất quyết định, đây là vấn đề chiến lược, lâu dài.

Về cơ sở vật chất, đất đai phục vụ chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan xem xét, xử lý theo quy định hiện hành, trong đó có quy định về ưu đãi với các lĩnh vực công nghệ cao, nếu vượt quá quy định hiện hành thì trình các cấp có thẩm quyền.

Bộ Y tế ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vaccine để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện.

Theo GiaDinh