Thực hư việc dùng đũa hơ nóng chữa lẹo mắt

Lẹo mắt là tình trạng viêm tuyến bã ở bờ mi, quanh chân lông mi. Chắp là tình trạng viêm ở tuyến sụn mi. Để chữa lẹo, chắp, nhiều người thường áp dụng các phương pháp dân gian như: Chườm nóng bằng gấu quần, đũa cả hay đắp bằng lá trầu không. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, nếu thực hiện không cẩn thận, các biện pháp trên có thể gây bỏng, nhiễm trùng ảnh hưởng đến mắt.


Các chuyên gia khuyến cáo, không nên tự ý chữa lẹo mắt bằng các phương pháo dân gian để tránh gây bỏng hoặc nhiễm trùng mi mắt. Ảnh minh họa

Rước họa cho mắt vì đắp “vô tội vạ” chất bẩn

Là người có “tiền sử” bị mọc lẹo mắt trong nhiều năm liền, chị Phạm Thị Phượng (ở Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, sở dĩ lẹo mắt “đeo bám” chị lâu đến thế là do sai lầm trong phương pháp điều trị. Chị kể: “Hồi tôi 8 tuổi, tôi bị lẹo mắt lần đầu. Tôi nhớ lần ấy, mẹ tôi hơ nóng chiếc đũa cả đảo cơm rồi chườm vào chỗ bị lẹo. Quả nhiên, vết sưng xẹp dần rồi lặn hẳn.

Nhưng sau đó không lâu, lẹo lại tái phát. Lần này, thay vì đũa cả, mẹ tôi tiếp tục hơ nóng gấu quần rồi chườm vào mi mắt cho tôi. Tuy nhiên, lẹo không lặn đi mà còn sưng và có mủ. Vì vướng mắt nên tôi lấy tay dụi và làm vỡ mủ vàng. Hậu quả là mi mắt của tôi bị nhiễm trùng, cứ dai dẳng đến 10 ngày chưa khỏi”.

Chị Phượng cho biết thêm, lớn lên, chị vẫn hay bị mọc lẹo, hầu như năm nào cũng bị “luân phiên” giữa hai mắt. Trong những lần đó, chị không đến khám bác sĩ mà tự chữa ở nhà. Hết dùng hơ nóng các vật dụng để chườm trực tiếp vào mi mắt, chị Phượng lại đắp lá trầu không hoặc lá lốt giã nhỏ đắp trực tiếp lên chỗ bị sưng. Cứ như thế, lúc thì 3 - 5 ngày lẹo lặn, lúc thì kéo dài cả 1 - 2 tuần.

Vì nghĩ lẹo mắt đơn giản nên tôi mới chủ quan như thế. Nếu biết cứ dai dẳng như thế này thì tôi đã đến bác sĩ ngay từ sớm để tránh phải phiền phức. Vừa ngứa ngáy khó chịu, vừa mất thẩm mỹ”, chị Phượng thở dài.

Chia sẻ về các bệnh viêm nhiễm mi mắt, ThS.BS Nguyễn Duy Bích, Khoa Mắt (Bệnh viện E Trung ương) cho biết: Mi mắt là bộ phận che chắn và bảo vệ nhãn cầu, thế nhưng bản thân chúng lại bị nhiều tác nhân gây bệnh tấn công. Vì vậy, các bệnh nhiễm trùng và viêm tại chỗ của mi mắt cũng rất đa dạng. Chắp hoặc lẹo mắt là những biểu hiện của viêm mi mắt mạn tính.

Trong số chúng ta, hầu như ai cũng đã từng bị lên chắp, lên lẹo ở mắt. Tỷ lệ mắc nhóm bệnh này không hề nhỏ. Tuy nhiên, nhiều người thường chủ quan xem thường khi bị mọc chắp hoặc lẹo. Mặc dù, không gây mù lòa, không gây chết người thế nhưng, những khó chịu mà chúng gây ra cho bệnh nhân lại không thể xem thường. Hơn nữa, nhiều người còn tự mua thuốc hoặc mách bảo nhau các biện pháp chữa trị theo dân gian khiến bệnh tình càng thêm trầm trọng”, BS Bích nhấn mạnh.

Theo BS Bích, có nhiều yếu tố khiến mắt bị lên chắp hoặc mọc lẹo như vệ sinh mắt không đảm bảo hay bội nhiễm các vi khuẩn gây bệnh trong các vật dụng hàng ngày như khăn mặt, khăn mùi xoa. Cũng có thể là các yếu tố môi trường: Bụi, ô nhiễm, sử dụng máy điều hòa, hay các yếu tố bất lợi tại mắt sẵn có như khô mắt, đái tháo đường, vẩy nến…

Cẩn trọng nguy cơ bỏng và nhiễm trùng

BS Bích cho hay, khi bị mọc lẹo, trong dân gian thường dùng các vật dụng (đũa cả, gấu quần…) hơ nóng để chườm vào mi mắt. Thực chất, mục đích của việc làm này có cơ sở khoa học là nhằm tăng tuần hoàn tại khối viêm, giải phóng chất bã. Tuy nhiên, cách làm này chỉ có thể áp dụng trong 1-2 ngày đầu khi mới bị.

Nếu để lâu mà dùng cách này thì càng làm cho khối viêm sưng tấy thêm, nguy cơ nhiễm trùng mắt rất cao. Ngoài ra, khi lựa chọn điều trị bằng cách này, nên lưu ý vì vật dụng nóng có thể gây bỏng mi mắt, tổn thương tới cấu trúc của lớp mi này.

Bên cạnh đó, BS Bích cũng cho biết, nhiều người dùng lá trầu không đắp vào chỗ bị chắp, lẹo là do các thành phần chính trong lá trầu không có hoạt tính kháng sinh mạnh, ức chế nhiều chủng vi khuẩn như tụ cầu khuẩn, phế cầu khuẩn, liên cầu khuẩn…và có tác dụng kháng nấm mạnh đối với nhiều chủng loại nấm. Do đó, đắp lá trầu có thể làm mi mắt dễ chịu tạm thời nhưng cũng có thể gây dị ứng vì thành phần lá trầu không còn có nhiều hoạt chất khác.

Theo BS Bích, phương pháp điều trị viêm mi mắt bao gồm: Vệ sinh cá nhân, chủ yếu là rửa tay, dùng khăn lau loại một lần, massage nhiều lần trong ngày lên bờ mi có dùng găng tay và gạc chườm nóng, hoặc dùng gel đặc trị đánh lên bờ mi bằng tăm bông. Ngoài ra, điều trị bằng kháng sinh tại chỗ hoặc đường toàn thân đôi khi rất hữu ích.

Các kháng sinh được khuyên dùng thuộc nhóm Tetracycline và Oxytetracycline như mỡ tetracycline, mỡ posicycline và nhóm Sunfamide như Bacitracine.

BS Bích tư vấn, khi thấy mắt bị lộm cộm hay khó chịu, hoặc cảm giác có tình trạng viêm hoặc nhiễm khuẩn mi mắt, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa để được điều trị kịp thời. Nếu không xử lý ngay tình trạng viêm nhiễm ở mi mắt, sẽ có nguy cơ gây hại đến mắt.

Không nên chữa chắp, lẹo bằng cách tự ý nặn mủ, tra thuốc không theo hướng dẫn, vì những phương pháp này dễ làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp, những tổn thương này đều tồn tại dai dẳng, khó chữa trị.

Không đưa tay dụi, chà mắt vì điều này có thể gây kích ứng mắt và nhiễm khuẩn lây lan. Bảo vệ mắt khỏi khói bụi và ô nhiễm không khí bằng cách đeo kính an toàn mỗi khi đi đường, đặc biệt khi làm việc nhà như dọn dẹp nhà cửa hay cắt cỏ. Tránh đến những nơi bụi bẩn hoặc nơi bị ô nhiễm không khí nặng.

Không trang điểm vùng mắt khi đang bị lẹo

Các chuyên gia khuyến cáo, khi bị chắp hoặc lẹo mắt, tốt nhất không được trang điểm mắt cho đến khi chiếc mụn lẹo ở mi mắt đã lành hẳn. Sử dụng thuốc mỡ điều trị lẹo mi mắt theo chỉ định của bác sĩ. Luôn rửa tay trước khi tra thuốc mỡ cho mắt hay tra thuốc nhỏ mắt. Các thuốc này phải được giữ gìn sạch sẽ, lọ thuốc mới sử dụng (không dùng thuốc dùng dở và để lâu), không để thuốc chạm vào mắt, mi mắt. Nếu phải tra thuốc mỡ kháng sinh cho mắt thì nên thoa một lớp mỏng trên mụn lẹo ở mi mắt trước khi đi ngủ.

Theo Mai Thùy (GĐXH)