Tia UV vẫn có thể xuyên qua cửa kính gây hại cho da, cần chống nắng ngay cả khi trong ôtô

BS. Đặng Bích Diệp – Khoa Nghiên cứu và Ứng dụng tế bào gốc, BV Da liễu Trung ương cho biết, tia UV vẫn có khả năng xuyên qua cửa kính ôtô gây hại cho da khi lái xe dưới trời nắng gắt. Vì vậy, người dân vẫn cần thực hiện các biện pháp chống nắng ngay cả khi ngồi trong ôtô.

Cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương vừa đưa ra cảnh báo trong hôm nay (07/6), chỉ số cảnh báo tia tử ngoại (UV) có giá trị từ 6-8 tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh ứng với mức ảnh hưởng nguy cơ gây hại cao với cơ thể con người khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng.

Đối với các lái xe – nhất là đối tượng thường xuyên phải di chuyển đường dài có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi phải chạy dưới trời nắng nóng. Bước vào mùa hè thời tiết nắng nóng, nền nhiệt có thể lên tới ngưỡng 39-40 độ C. Việc phải lái xe trong điều kiện nắng gắt khiến nhiều tài xế dễ cáu gắt, mệt mỏi, căng thẳng và mất tập trung.

Bên cạnh đó còn có thể mắc các vấn đề về da như cháy nắng, bỏng nắng nếu không có biện pháp che chắn vùng da hở.

BS. Đặng Bích Diệp cho biết, không phải đóng kín cửa ôtô đã là chống nắng tốt. Phần cửa trước ôtô có thể chống nắng được nhưng với 2 cửa bên thì tia UV vẫn có thể xuyên qua. Nếu lái xe dưới nắng gắt trong thời gian kéo dài dễ gây tăng sắc tố da, nám má, da lão hóa sớm, nguy cơ cháy nắng, bỏng nắng thậm chí là nguy cơ ung thư da .

tia-uv-van-co-the-xuyen-qua-cua-kinh-gay-hai-cho-da-can-chong-nang-ngay-ca-khi-trong-oto

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn nếu phải lái xe dưới nắng nóng kéo dài. Ảnh minh họa.

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Chi – Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, nhóm người lao động nhiều dưới nắng nóng có sức chịu đựng tốt, có thể chịu đựng thời tiết nắng nóng, khắc nghiệt. Song, nhiều người lao động phải làm việc ngoài trời, trong điều kiện nắng nóng vượt quá sức chịu đựng của cơ thể vẫn có thể khiến họ bị hôn mê, đột quỵ.

Các bác sĩ cũng cho biết, trên thực tế, nhiều người thường có thói quen mở điều hòa ôtô ở nhiệt độ thấp mà không biết rằng tình trạng sốc nhiệt ở ôtô nguy hiểm hơn nhiều so với sốc nhiệt khi từ phòng điều hòa ra ngoài trời vì không gian bên trong xe vốn dĩ có thêm khá nhiều CO2 và mọi người thường có thói quen để điều hòa chiếu thẳng vào người khi ngồi trên ôtô.

Sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn còn dẫn đến bị sốc nhiệt với biểu hiện đau đầu, chóng mặt hoặc choáng váng, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu hoặc đột quỵ. Nguy cơ này càng cao với những ai có tiền sử tăng huyết áp, bệnh tim mạch.

Hôm nay, cảnh báo tia UV nguy cơ gây hại cao khi tiếp xúc trực tiếp ánh nắng

Chuyên gia cấp cứu khuyến cáo người dân cần biết bảo vệ cơ thể, nếu thời tiết quá nóng, quá nắng không thể làm việc thì phải nghỉ ngơi, tạm dừng công việc. Đặc biệt là những người lao động có điều kiện làm việc đặc thù như cầu thủ bóng đá, công nhân lò cao, người nông dân,…

Người dân cần lưu ý tránh ra đường, lái xe thời gian cao điểm 12-16h nắng nóng, đồng thời chú ý bù đủ nước. Trong mùa nóng, lượng nước cơ thể mất đi nhiều qua nước tiểu, mồ hôi, đường thở, nếu bổ sung không đủ nước sẽ gây hại cho sức khỏe. Cần có các phương tiện hỗ trợ khi ra ngoài hoặc làm việc để tránh tác động của nhiệt và tia tử ngoại.

BS. Diệp khuyến cáo, cần thực hiện các biện pháp chống nắng như ở ngoài trời ngay cả khi bạn ngồi trong ôtô. Chẳng hạn các biện pháp chống nắng vật lý như mặc quần, áo dài, che chắn vùng da hở. Bôi kem chống nắng kỹ lưỡng cho vùng da hở như mặt, cổ tay tiếp xúc với vô lăng....

Để tránh nguy cơ sốc nhiệt, trước khi khởi động xe, phải tắt chế độ điều hòa A/C, tắt quạt. Còn khi khởi động xe, bật quạt thông gió, mở cửa kính để thổi bớt khí nóng ra ngoài khoang hành khách, đóng cửa kính rồi mới bật điều hòa. Sau đó, người dùng có thể tăng dần mức độ lạnh và tốc độ quạt gió để cơ thể thích nghi dần.

Trong trường hợp muốn dừng xe hay tắt máy thì phải tắt điều hòa A/C trước, tắt quạt rồi hãy mở cửa và bước ra ngoài. Nhiều lái xe kinh nghiệm còn tăng nhiệt độ lên khi sắp tới điểm đến để cơ thể thích nghi dần trước khi bước ra bên ngoài có nền nhiệt độ cao để tránh sốc nhiệt.

Theo Sức khỏe & Đời sống