Tiết lộ danh tính nữ giám đốc 24 tuổi vừa ‘tiếp quản’ 2 tòa lâu đài trắng của Khải Silk

Công ty đứng ra tiếp quản quyền khai thác 2 tòa lâu đài của đại gia Khải Silk chỉ vừa mới thành lập hơn 3 tháng và bà chủ có tuổi đời rất trẻ: 24 tuổi.

Mới đây, thông tin một công ty có tên Chloe Hospitality tiếp quản 2 tòa lâu đài trắng của ông chủ lụa Khải Silk gây xôn xao dư luận.

Được biết, sau khi đổi chủ, 2 tòa lâu đài cũng sẽ được “thay tên đổi họ” phục vụ cho mục đích kinh doanh của công ty mới.

Theo kế hoạch, Chloe Gallery sẽ cung cấp nhiều loại hình dịch vụ: ẩm thực, tiệc cưới, sinh nhật, sự kiện của giới kinh doanh, từ hội nghị, chiêu đãi, yến tiệc, du thuyền trên sông... đến trình diễn sản phẩm. Dự án bắt đầu mở cửa đón khách sau giai đoạn chỉnh trang và đến cuối tháng 12/2018, sẽ hoàn chỉnh toàn bộ diện mạo mới.

tiet-lo-danh-tinh-nu-giam-doc-24-tuoi-vua-tiep-quan-2-toa-lau-dai-trang-cua-khai-silk

 Tòa lâu đài trắng có giá trị 15 triệu đô.

Theo tìm hiểu của PV trên Cổng Thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Công ty TNHH Chloe Hospitality thành lập ngày 6/9/2018, tức mới chỉ cách đây hơn 3 tháng, có trụ sở tại số 6 Phan Văn Chương, Phường Tân Phú, Quận 7 (Tp. HCM). Đây cũng chính là địa chỉ của tòa lâu đài Tajmasago.

Đáng chú ý, người đại diện pháp luật của công ty này còn khá trẻ, sinh năm 1994, có tên là Đào Ngọc Bảo Phương.

Khách sạn TajmaSago và nhà hàng Cham Charm vốn gắn liền với doanh nhân Hoàng Khải (tức Khải Silk), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Khaisilk, với lối thiết kế dạng lâu đài lộng lẫy mang hơi hướng Ấn Độ.

Cả 2 đều nổi tiếng bởi sự xa hoa, vương giả, và từng là những “đứa con cưng” của ông Khải Silk. Giá trị 2 tòa lâu đài này ước chừng lên tới 30 triệu USD.

Cuối năm 2017, Khải Silk dính scandal chấn động khi toàn bộ lụa là mà ông chủ này kinh doanh theo quảng cáo là “lụa Việt cao cấp” lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Hành vi làm giả xuất xứ, nguồn gốc của hàng dệt may Trung Quốc để đưa vào thị trường Việt Nam và gắn mác nhãn hàng trong nước đã gây sự bất bình trong dư luận.

Ngay sau đó, cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hà Nội đã vào cuộc để làm rõ sự việc.

Đánh giá của giới luật sư, hành vi làm giả hàng hóa, xuất xứ nguồn gốc, gây ngộ nhận cho người tiêu dùng của doanh nhân Khải Silk có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến 15 năm tù.

Cũng từ thời điểm đó, ông Hoàng Khải không còn là người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Khải Đức - hạt nhân chính trong hệ sinh thái Khaisilk, phụ trách mảng kinh doanh lụa và sau này là hệ thống nhà hàng cao cấp.

Từ đó đến nay, vị doanh nhân này hoàn toàn biến mất khỏi giới truyền thông cho đến thời điểm chuyển nhượng, rao bán loạt tài sản, bao gồm cả một chiếc xe sang mới đây.

Theo VietQ