Tiêu hủy gần chục tấn hàng hóa giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng

Gần 8 tấn hàng hóa gồm mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy... không rõ nguồn gốc vừa bị lực lượng chức năng tỉnh Hưng Yên tiêu hủy.

Ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên cho biết, đơn vị vừa tiến hành tiêu hủy gần 8 tấn hàng hóa gồm: mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, phụ tùng xe máy giả nhãn hiệu Honda, thuốc bảo vệ thực vật, giày thể thao giả nhãn hiệu Adidas, kẹo trẻ em...

Theo ông Giao, những mặt hàng trên đều có giá rất rẻ. Trong đó, có trên 1.000 đôi giầy với giá 10 nghìn đồng/đôi, 236 bộ trang điểm nhãn hiệu Channel giá 25 nghìn đồng/bộ, 1 tấn kẹo trẻ em giá 15 nghìn đồng/kg...

Theo điều tra của lực lượng chức năng, toàn bộ số hàng hóa trên đều là hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng cấm đã được Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Hưng Yên thu hồi từ đầu tháng 4 tới nay. Tổng giá trị toàn bộ mặt hàng thu hồi lần này lên tới gần 400 triệu đồng. 

Tiêu hủy gần chục tấn hàng hóa giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng

Hưng Yên tiêu hủy gần 8 tấn hàng hóa không rõ nguồn gốc.  

Chi cục Quản lý thị trường Hưng Yên phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định của pháp luật tại Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghiệp và môi trường Việt Nam (đóng trên địa bàn xã Tân Quang, huyện Văn Lâm) theo hình thức đốt, phá hỏng, cán nát, cắt bỏ toàn bộ bao bì làm mất tác dụng sử dụng của hàng hóa, sau đó tiến hành chôn lấp để bảo đảm vệ sinh môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Giao cho biết thêm, tuy là tỉnh nhỏ, song lại nằm trong tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh, nơi có mật độ dân cư đông, nên tình trạng buôn bán hàng cấm, vận chuyển hàng lậu ở Hưng Yên xảy ra trên nhiều lĩnh vực với thủ đoạn hoạt động tinh vi nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Trong đó, tập trung nhiều vào nhóm hành vi: Trốn thuế; in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước. Ngoài ra còn có hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, chủ yếu là mỹ phẩm, nước giải khát, bánh kẹo, hàng điện tử.

Theo ông Giao, việc sản xuất hàng giả tại địa bàn tỉnh diễn ra với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là sản xuất thủ công, pha chế, đóng gói lại, thay đổi bao bì, nhãn mác đưa ra thị trường nhằm lừa dối người tiêu dùng để bán kiếm lời. Ông Giao nêu khó khăn hiện nay, một số doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, hạ thấp giá thành đầu vào nhập nguyên liệu nước ngoài để lắp ráp trong nước khiến cho khó kiểm soát và thất thoát thuế.

Từ nay đến cuối năm, Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra toàn diện trên địa bàn tỉnh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm, bảo đảm chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng trong các dịp lễ, Tết.

Theo VietQ