Tiêu hủy trên 2 triệu con tôm giống không qua kiểm dịch

Mới đây Phòng Cảnh sát về Môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu đã phối hợp các đơn vị liên quan bắt và tiêu hủy hơn 2 triệu con tôm giống không qua kiểm dịch.

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Công an TX Giá Rai bắt quả tang 2 xe ô tô tải đang vận chuyển hơn 2 triệu con tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật vào địa bàn TX Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu.

Thực hiện quy định về công tác quản lý, xử lý tài sản tịch thu theo thủ tục hành chính, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu đã tiến hành tiêu huỷ tang vật theo quy định.

Tương tự, trước đó Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết, đơn vị đã ra quyết định xử phạt và tổ chức tiêu hủy 5.280.000 con tôm giống không qua kiểm dịch.

tieu-huy-tren-2-trieu-con-tom-giong-khong-qua-kiem-dich

Bạc Liêu tiêu hủy 2 triệu con tôm giống chưa qua kiểm dịch. Ảnh: Đại đoàn kết 

Liên quan tới tôm giống chưa qua kiểm dịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu cho biết, theo Nghị định số 04 của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 18/2/2020. Điểm mới của nghị định này là bên cạnh việc phạt tiền, sẽ tịch thu và tiêu hủy bắt buộc đối với số lô tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch, thay vì buộc kiểm dịch lại như các quy định trước đây. Tuy nhiên, vấn đề khó trong công tác kiểm tra tôm giống chưa kiểm dịch nhập tỉnh là sau khi có một xe vi phạm bị xử lý, thì các đối tượng thông tin cho nhau để các xe còn lại tạm dừng di chuyển, hay rẽ sang tuyến đường khác, hoặc chuyển hàng sang các phương tiện không dùng chuyên chở tôm giống hòng qua mặt lực lượng kiểm tra.

Cũng theo lực lượng chức năng, tôm giống chưa qua kiểm dịch thường mang các mầm bệnh nguy hiểm và gây thiệt hại lớn cho người nuôi. Trong khi đó, ngành chức năng địa phương chưa có các thiết bị để xét nghiệm chất lượng tôm nhập tỉnh. Do vậy, mạnh tay xử lý, buộc tiêu hủy tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch nhập vào tỉnh là việc làm cần thiết, nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi tôm. Tỉnh sẽ cương quyết xử phạt hành chính mỗi trường hợp từ 6 - 8 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả là tiêu hủy toàn bộ số tôm giống không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng tôm giống, giảm thiệt hại và rủi ro cho người nuôi tôm.

Theo Tổng cục Thủy sản, mỗi năm nước ta mất hàng ngàn tỷ đồng vì dịch bệnh thủy sản. Nguyên nhân lớn nhất, theo các nhà khoa học là nằm ở khâu con giống vì có tới 70% tôm giống được sản xuất nhờ đánh bắt tôm bố mẹ ngoài tự nhiên nên khó kiểm soát chất lượng, dịch bệnh của tôm bố mẹ.

Ngoài ra các cơ sở sản xuất tôm giống chưa áp dụng công nghệ sản xuất tôm hiện đại, cũng chưa chú ý tới an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh như các nước trên thế giới nên tỷ lệ sản xuất tôm giống chỉ đạt 20-25% so với tỷ lệ ươm giống thành công của thế giới.

Xác định được vấn đề chất lượng giống là một trong những yếu tố đầu vào quyết đinh thành công nghề nuôi tôm và để hạn chế tình trạng tôm giống kém chất lượng, giá rẻ gây thiệt hại lớn cho người nuôi cần phải tập trung kiểm soát chặt chất lượng tôm giống, rà soát điều kiện sản xất từ chất lượng tôm bố mẹ, nguồn nước, chế phẩm, quy trình quản lý trại giống. Xử lý nghiêm những hành vi, vi phạm về kinh doanh, vận chuyển tôm giống kém chất lượng.

 

Theo VietQ