Tìm giải pháp chống dịch tại hai bệnh viện tâm thần có hơn 300 ca bệnh

Ngay trong tuần này, Bộ Y tế cũng đề nghị Cục y tế dự phòng, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai phải bố trí tiêm vaccine cho các bệnh nhân tại 2 bệnh viện này.

Đây là yêu cầu của Tổ công tác đặc biệt hỗ trợ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 và Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà phòng chống dịch COVID-19 đưa ra sau buổi họp trực tuyến sáng nay. 

223 bệnh nhân COVID-19 tại 5 ổ dịch trong một bệnh viện

Theo báo cáo, tính từ ổ dịch đầu tiên được phát hiện tại Khoa B1 vào ngày 26/8, đến nay Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đóng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai) có 5 ổ dịch tại 5 khoa, với tổng số ca mắc đến hết ngày 8/9 là 223 ca (trong đó có 1 ca tử vong ngày 4/9) và 6 nhân viên y tế.

Bệnh viện đã phối hợp với CDC tỉnh Đồng Nai tổ chức khử khuẩn từng phòng bệnh nhân và toàn bộ các khoa; đồng thời ban hành Quyết định thiết lập cách ly y tế toàn bộ 5 khoa, các khoa còn lại tạm thời an toàn.

tim-giai-phap-chong-dich-tai-hai-benh-vien-tam-than-co-hon-300-ca-benh

Bệnh viện đã bố trí cho tất cả các bệnh nhân dương tính (F0) vào các phòng cách ly riêng tại từng khoa và tách khỏi các ca F1 để theo dõi, chăm sóc và điều trị. Tất cả các bệnh nhân là F1 đều cách ly tại khoa và tất cả nhân viên của 5 khoa được cách ly tại khoa ở 1 khu riêng biệt với các phòng bệnh nhân để đảm bảo duy trì hoạt động khám chữa bệnh.

Bệnh viện tiếp tục phối hợp với CDC tỉnh Đồng Nai đã làm xét nghiệm RT-PCR lần 3 cho toàn bộ nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân. Bệnh viện đã có Khoa điều trị người bệnh tâm thần mắc COVID-19 tầng 2 với 20 giường; Hỗ trợ vaccine để tiêm cho bệnh nhân tâm thần đang điều trị nội trú tại Bệnh viện.

Trước mắt, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ và cấp một số mặt hàng hiện mua sắm rất khó khăn do hạn chế đi lại như: Quần áo phòng hộ cấp I, II, III; khẩu trang N95; dung dịch sát khuẩn; găng tay; Monitor, máy X-quang di động, điện tim….; Cho phép Bệnh viện thành lập Trung tâm thu dung điều trị bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 tại Bệnh viện và điều động đội đi hỗ trợ bệnh viện trên TP Hồ Chí Minh về, đào tạo và hỗ trợ thêm cán bộ y tế…

Phải phát huy 4 tại chỗ

Tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hoà (đơn vị thuộc Bộ Y tế đóng tại địa bàn tỉnh Đồng Nai), sau 14 ngày thực hiện giãn cách tuyệt đối trong đơn vị đã khu trú được dịch, các khoa chưa có dịch an toàn; 90 bệnh nhân nhiễm trong đó 1 bệnh nhân nặng chuyển Bệnh viện Đồng Nai vẫn đang thở máy không xâm nhập HFNC, bệnh nhân vẫn ổn định. 4 nhân viên y tế đã phục hồi gần như hoàn toàn, 85 bệnh nhân còn lại đã hết sốt chỉ có 2-3 bệnh nhân thở Oxy ngắt quãng.

Các ý kiến tại cuộc họp đánh giá, tình hình dịch COVID-19 tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương 2 đã cơ bản được khống chế, trong khi tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 vẫn diễn biến phức tạp hơn. 

Do đối tượng bệnh nhân đặc biệt và đặc thù nên Tổ công tác đề nghị 2 viện phải phát huy 4 tại chỗ, Bộ Y tế cùng với Sở Y tế Đồng Nai sẽ điều phối và cùng với Trung tâm Hồi sức tích cực- Bệnh viện Phổi Trung ương tại Đồng Nai hỗ trợ về chuyên môn cho 2 bệnh viện.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt, đề nghị Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 vẽ sơ đồ, phân màu nguy cơ trong bệnh viện; xây dựng kế hoạch chi tiết ứng phó với tình huống từ 200-500 bệnh nhân.

Cùng đó, thiết lập Trung tâm điều trị bệnh nhân tâm thần mắc COVID-19 với 3 tầng điều trị, trong đó Bộ Y tế cũng sẽ có những hướng dẫn về sàng lọc bệnh nhân để phân tầng, chuyển tuyến và điều trị hiệu quả.

Việc điều trị cho bệnh nhân vừa kết hợp điều trị bệnh truyền nhiễm với điều trị bệnh tâm thần, Cục quản lý Khám chữa bệnh đang phối hợp với Viện Sức khoẻ tâm thần Trung ương xây dựng hướng dẫn điều trị bệnh COVID-19 đối với bệnh nhân tâm thần.

Theo GiaDinh