Tìm thấy kháng thể có thể 'vô hiệu hóa hoàn toàn' virus gây COVID-19

Các nhà khoa học của Trường đại học Y Pittsburgh (Mỹ) đã phân lập được phân tử sinh học nhỏ nhất cho đến nay có thể vô hiệu hóa hoàn toàn và rõ rệt virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

tim-thay-khang-the-co-the-vo-hieu-hoa-hoan-toan-virus-gay-covid-19

Loại kháng thể "nhỏ mà có võ" được các nhà khoa học Mỹ phát hiện làm dấy lên hi vọng trong bối cảnh chưa có vắc xin hiệu quả và an toàn tiêm chủng đại trà - Ảnh chụp màn hình Đại học Y Pittsburgh

Thành phần kháng thể này có kích thước nhỏ hơn kháng thể thông thường gấp 10 lần và đã được sử dụng để tạo ra một loại thuốc có tên Ab8. Các nhà khoa học kỳ vọng loại thuốc được bào chế từ kháng thể "nhỏ mà có võ" này sẽ sớm được sử dụng như một liệu pháp phòng chống SARS-CoV-2.

Báo cáo đăng trên tạp chí Cell ngày 14-9 cho biết Ab8 có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa và điều trị nhiễm SARS-CoV-2 ở chuột.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy những con chuột được cho sử dụng Ab8 ở nhiều mức độ khác nhau có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 thấp hơn những con không dùng. Lượng virus trong cơ thể chuột vẫn giảm hơn 10 lần khi dùng Ab8 ở liều thấp nhất.

Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khoa học cho biết khi dùng Ab8 nồng độ thấp, virus bị chặn đứng và không thể xâm nhập tế bào của chuột, giúp chúng không bị nhiễm bệnh, theo đài Fox News.

Kích thước siêu nhỏ của kháng thể không chỉ làm tăng khả năng khuếch tán trong các mô để vô hiệu hóa virus tốt hơn, mà còn cho phép các nhà khoa học tính đến khả năng sử dụng thuốc bằng nhiều cách như hít qua mũi hoặc chích dưới da.

Quan trọng hơn, loại thuốc này không liên kết với các tế bào của con người - một dấu hiệu tốt cho thấy nó sẽ không có tác dụng phụ tiêu cực.

“Ab8 không chỉ có tiềm năng như một liệu pháp điều trị COVID-19 mà còn có thể được sử dụng để giúp mọi người không bị nhiễm SARS-CoV-2”, đồng tác giả nghiên cứu John Mellors khẳng định trong báo cáo.

Xianglei Liu, một đồng tác giả khác, lạc quan cho rằng Ab8 sẽ trở thành "cứu tinh" cho mọi người trong đại dịch.

“Các kháng thể có kích thước lớn hơn đã hoạt động, chống lại các bệnh truyền nhiễm khác và được dung nạp tốt. Do đó chúng tôi hy vọng Ab8 có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân mắc COVID-19, thậm chí bảo vệ cả những người chưa từng bị nhiễm virus và tạo ra miễn dịch".

Bảo Duy

Theo Tuổi trẻ

-----

Xem thêm:

Gần 1 triệu người trên thế giới chết vì COVID-19, Việt Nam không ca mắc mới trong cộng đồng 12 ngày liên tiếp

Thế giới ghi nhận hơn 29 triệu người nhiễm, khoảng 928.000 người chết do COVID-19. Đại dịch chưa có dấu hiệu chững lại. Tại Việt Nam, 12 ngày qua không có ca nhiễm cộng đồng.

Bản tin sáng 14/9 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, 12 giờ qua Việt Nam không có ca mắc mới. Đến hôm nay cũng là12 ngày Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 ở cộng đồng.

Tính đến sáng nay, Việt Nam có tổng cộng 691 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 25/7 đến nay là 551 ca. Đã có 918 ca khỏi bệnh trên tổng số 1.063 ca phát hiện tại Việt Nam. 

Theo Bộ Y tế, đến nay, dịch COVID-19 đã lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu tại trên 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 29,1 triệu người mắc và hơn 927.000 người tử vong, tăng lần lượt hơn 230.000 và 3.700 ca sau 24 giờ, theo thống kê của trang cập nhật dữ liệu thời gian thực Worldometers. 

gan-1-trieu-nguoi-tren-the-gioi-chet-vi-covid-19-viet-nam-khong-ca-mac-moi-trong-cong-dong-12-ngay-lien-tiep

Nguồn: Getty Images

Đã có hơn 21 triệu người khỏi bệnh. Như vậy, toàn thế giới đang có hơn 7,2 triệu người đang điều trị COVID-19.

Vùng dịch lớn nhất thế giới hiện là Mỹ ghi nhận 6.706.522 ca nhiễm và 198.474 người chết, tăng lần lượt 33.986 và 462 ca so với một ngày trước đó.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới và lớn nhất châu Á, báo cáo thêm 95.215 ca nhiễm và 1.140 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì COVID-19 lên lần lượt 4.845.033 và 79.754.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 351 người chết vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 131.625. Số người nhiễm SARS-CoV-2 tại quốc gia ở khu vực Nam Mỹ này tăng 14.597 trong 24 giờ qua, lên 4.330.455.

Nga, vùng dịch lớn thứ tư thế giới, báo cáo thêm 94 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 18.578. Số ca nhiễm tăng 5.449, lên 1.062.811.

Tại Đông Nam Á, Philippines là vùng dịch lớn nhất khu vực với 261.216 ca nhiễm và 4.371 ca tử vong, tăng lần lượt 3.372 và 79 ca.

Indonesia, vùng dịch lớn thứ hai khu vực, ghi nhận 218.382 ca nhiễm, tăng 3.636 so với hôm trước, trong đó 8.723 người chết, tăng 73 ca.

Hiện tình hình dịch trên thế giới vẫn chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt tại một số nước sau khi thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch đã bùng phát dịch trở lại, dự báo trong thời gian tới số ca bệnh còn tiếp tục gia tăng.

 

Ở Việt Nam, nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn luôn hiện hữu. Vì vậy, cần có giải pháp phù hợp chung sống an toàn, nhất là trong giai đoạn hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắcxin sử dụng rộng rãi trong cộng đồng

Hiện có hơn 33.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly).

T.Nguyên

Theo GiaDinh