TP HCM lên phương án 7.000 và 10.000 ca bệnh Covid-19

Dự kiến ngày 30-6, TP HCM sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định có tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội hay không

Tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 vào tối 25-6, dựa trên ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc nên ngưng các chợ truyền thống, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu nên có tính toán đối với chợ truyền thống và chợ đầu mối.

Phân tích nguyên nhân xét nghiệm chậm

Theo ông Nguyễn Thành Phong, TP có thể nghiên cứu mô hình quận 8 đang áp dụng là tại chợ truyền thống cho luân phiên tiểu thương bán hàng theo ngày. Riêng với chợ đầu mối, Chủ tịch UBND TP giao Sở Công Thương TP HCM làm việc với UBND quận 8, Hóc Môn, TP Thủ Đức, yêu cầu các hộ kinh doanh phải ký cam kết bộ tiêu chí an toàn, nếu vi phạm sẽ tạm ngừng kinh doanh.

Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC), phân tích hiện tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng rất thấp so với giai đoạn đầu.

Trong những ngày đầu phát hiện ca bệnh tại chuỗi điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, số người mắc có triệu chứng lên đến 68%, nhưng đến nay số người không có triệu chứng lại là 68%. Trong đó, người có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp, chiếm 1,3%.

Do đó, thời điểm này, biện pháp truy vết vẫn phải tiếp tục nhưng trong giai đoạn sắp đến phải tính tới phương án "sống chung với lũ", phải bảo vệ những đối tượng nguy cơ, bệnh nền.

BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết ngành y tế TP đang lên kế hoạch 7.000 và 10.000 ca bệnh Covid-19. Trong đó, sẽ phân bổ bệnh nhân theo từng bệnh viện (BV) với 3 nhóm gồm: bệnh nhẹ không có triệu chứng, bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nhân nặng.

Đối những trường hợp nhẹ không có triệu chứng thì tập trung lại một nơi như khu cách ly, BV dã chiến. Đối với bệnh nhân nặng sẽ chuyển về các BV: Bệnh nhiệt đới, Chợ Rẫy, Trưng Vương, Phạm Ngọc Thạch.

tp-hcm-len-phuong-an-7-000-va-10-000-ca-benh-covid-19

Tiêm vắc-xin cho người dân ở Nhà Thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP HCM) trong ngày 25-6. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Xem xét các trường hợp đủ điều kiện thì cách ly tại nhà

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các trường hợp F1 cách ly tại các khu cách ly tập trung đang tăng cao. Ở khu cách ly ký túc xá ĐHQG TP HCM, tình hình rất khó khăn.

Mặc dù khu cách ly có khoảng 2.000 người nhưng nhân sự y tế tại đây đã "vắt kiệt sức". Bộ Y tế đã ký quyết định cho thí điểm cách ly tại nhà, TP nên áp dụng đối với trường hợp có đủ điều kiện để giảm bớt tần suất, mật độ trong các khu cách ly tập trung.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết ngày 30-6, TP sẽ đánh giá lại tình hình dịch bệnh để quyết định có tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội hay không. Trong những ngày còn lại, yêu cầu các sở ngành và quận huyện phải đánh giá lại việc triển khai những giải pháp đã đưa ra trong Chỉ thị 10, đề ra những giải pháp quyết liệt hơn nữa.

Về việc xét nghiệm chậm, Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành y tế phân tích nguyên nhân chậm. Nếu năng lực chậm thì cần có biện pháp tăng cường về đội ngũ và thiết bị. Bất kể vì lý do gì, chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến việc chống dịch của TP.

Kết luận, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhận định tình hình dịch bệnh từ ngày 27-5 đến nay đã xuất hiện các chuỗi bất chợt, khó lường nên không được chủ quan. Thời gian qua, TP áp dụng Chỉ thị 10 đã có những kết quả nhất định nhưng tình hình diễn biến còn phức tạp nên cần áp dụng biện pháp cao hơn.

Về việc test nhanh, hiện nay kết quả còn chậm, nếu để xảy ra tình trạng dương tính trong khi chờ kết quả thì sẽ lây lan khó kiểm soát. Khi test biết ngay kết quả nếu có là xử lý, thông báo kết quả; chưa có thì thông báo kết quả chậm, chỗ này cần đánh giá kỹ. Về tiêm vắc-xin, cần kiểm soát dòng người, khoảng cách thời gian bao nhiêu lượt người cho 1 giai đoạn tiêm, không để tập trung đông người như tại điểm tiêm ở Nhà Thi đấu Phú Thọ, quận 11.

Trong khu tiêm bảo đảm giãn cách nhưng khâu tiếp nhận lại tập trung đông người. Do đó, cần rút kinh nghiệm không để tái lập ở những điểm tiêm khác. 

Cuối tuần này hoàn tất tiêm hơn 800.000 liều

Tại buổi họp cung cấp thông tin về tiến độ tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 do Sở Y tế cùng Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM tổ chức trưa 25-6, BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết sau khi tiếp nhận 836.000 liều vắc-xin do Bộ Y tế chuyển vào, TP đã gấp rút lên kế hoạch triển khai chỉ trong 2 ngày.

"Trong những ngày đầu còn nhiều thiếu sót, sự phối hợp giữa người tiêm và đơn vị tổ chức tiêm còn chưa đồng bộ" - BS Bỉnh nhìn nhận.

Từ ngày 19 đến 25-6, đã có hơn 404.000 người được tiêm. Với tiến độ này thì cơ bản sẽ hoàn thành mục tiêu hơn 800.000 liều vào cuối tuần này. Trong 5 ngày qua, TP ghi nhận 1.109 trường hợp phản ứng sau tiêm.

Theo NLD

-----

Xem thêm:

+Vì sao TP.HCM có số ca kỷ lục trong một ngày?

+TP HCM ghi nhận 538 trường hợp nghi nhiễm SARS-Cov-2 trong khu cách ly

+Bữa tiệc thôi nôi khiến hơn trăm người ở Bình Dương mắc COVID-19

-----