TP.HCM phạt các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm 17 tỷ đồng

Chiều 4/1, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm 2018. Nhiều sai phạm của các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn đã được công bố.

Báo cáo tại buổi tổng kết, ông Dương Phát Chiếu, Phó phòng Thanh tra Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết các sai phạm điển hình bao gồm các cơ sở sản xuất-kinh doanh chế biến thực phẩm chưa có nhận thức và ý thức chấp hành các qui định về pháp luật an toàn thực phẩm; điều kiện vệ sinh nơi sản xuất xuống cấp, chưa cập nhật đầy đủ các hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm, vi phạm về qui định khám sức khoẻ cho người lao động tham gia vào quá trình kinh doanh chế biến.

Cụ thể trong năm 2018, các đoàn thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm của thành phố đã thực hiện thanh kiểm tra 41.032 cơ sở, phát hiện 11.912 trường hợp, (chiếm 27,8%) vi phạm qui định về an toàn thực phẩm. Đã có 2.780 cơ sở vi phạm bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 16.991.884.000 đồng.

tp-hcm-phat-cac-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham-17-ty-dong
Thực phẩm chức năng của một công ty sai phạm bị Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phát hiện 

Các cơ sở vi phạm nghiêm trọng điển hình như Cty TNHH Hotel Student (sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo an toàn thực phẩm) với số tiền phạt 114.500.000 đồng, yêu cầu cơ sở ngưng hoạt động và buộc tiêu huỷ : 404,1 kg nguyên liệu, 669,6 kg hàng hoá sản phẩm không nhãn mác, 808,3 kg bán thành phẩm chưa ép vỉ và 214,320 viên thực phẩm chức năng đã được ép vỉ cùng 13 loại sản phẩm được chứa đựng trong hơn 220 thùng sản phẩm thành phẩm.

Ngoài ra, đoàn kiểm tra xử lý xử phạt hộ kinh doanh của ông Nguyễn Văn Hải; hộ ông Nguyễn Văn Quảng và hộ kinh doanh bà Ngọc Châu, buộc tiêu huỷ 30.038 kg sản phẩm động vật không đảm bảo an toàn thực phẩm; Công ty TNHH Suất ăn công nghiệp Song Hiếu (tại khu phố 7, Tân Chánh Hiệp, Q.12) bị xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 66 triệu đồng, tiêu huỷ toàn bộ sản phẩm là: cải bắp, nấm, đậu que .không nguồn gốc xuất xứ; kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính với ông Trần Minh Điền và bà Võ Mộng Cầm đã sử dụng hoá chất chế biến bắp chuối với tổng số tiền phạt 68 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 5 tháng với mỗi cơ sở, tiêu huỷ 165 kg bắp chuối, 45 kg hàn the và bột tẩy trắng.

Về lĩnh vực sản xuất nước đóng bình, nước tinh khiết, quá trình thanh kiểm tra cũng phát hiện còn tồn tại một số cơ sở sử dụng nước giếng súc vỏ bình hoặc thậm chí dùng để dùng làm nguyên liệu sản xuất nước đóng bình mà chưa hề kiểm nghiệm định kỳ nguồn nước. Do công đoạn rửa vệ sinh bình chưa đúng nên dẫn tới sản phẩm nhiễm vi sinh khá cao.

Về bếp ăn tập thể, việc ghi chép 3 bước tại cơ sở có bếp ăn tập thể chưa cập nhật đúng qui định theo hướng dẫn thực hiện kiểm tra 3 bước và lưu mẫu thức ăn đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cũng ghi nhận nhiều cơ sở tìm cách đối phó với việc thanh kiểm tra, chưa chấp hành đầy đủ các qui định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa đầy đủ và bất chấp lợi nhuận mà nhiều cơ sở sản xuất chế biến các mặt hàng không đảm bảo, an toàn cho sức khoẻ người dân.

Phát biểu tại buổi tổng kết, PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định, thanh tra chính là công cụ hữu hiệu nhằm ngăn chặn thực phẩm bẩn. Hiện thành phố dẫn đầu cả nước về số cơ sở bị kiểm tra và mức xử phạt.

Hiện số thành viên tập trung cho công tác thanh tra thực phẩm khoảng 300 người, các đội an toàn thực phẩm phối hợp với các quận huyện khi gặp những trường hợp cần xử lý. Mô hình thanh kiểm tra liên ngành cũng phát huy được tác dụng khi đã phát hiện và xử lý nhiều cơ sở vi phạm.

tp-hcm-phat-cac-co-so-vi-pham-an-toan-thuc-pham-17-ty-dong
Phát động chiến dịch đảm bảo an toàn thức ăn đường phố là một trong những nét mới trong quản lý an toàn thực phẩm tại TP.HCM

Bà Lan đánh giá cao vai trò của các quận huyện trong công tác thanh kiểm tra. Thời gian tới sẽ quyết liệt triển khai tập huấn chuyên môn cho lực lượng chuyên ngành ở quận huyện. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là số lượng nhân viên của các nhân viên thanh tra ở quận huyện. Chủ tịch quận huyện có thể xử phạt các sai phạm an toàn thực phẩm sau khi đã bị đoàn thanh tra liên ngành ở tại quận huyện mình quản lý.

Do nhu cầu của người dân vẫn còn tập trung ở các chợ truyền thống, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng cần phải làm mọi cách để đảm bảo an toàn cho người dân bằng cách tuyên truyền giám khác hoạt động kinh doanh. Nên dẹp bỏ chợ tạm bày bán thực phẩm không có nguồn gốc.

Hệ thống trường học dù đã có kế hoạch liên tịch với ngành giáo dục, tuy nhiên vẫn cần sự quan tâm nhiều hơn nữa để quản lý thực phẩm trong nhà trường đạt tiêu chuẩn chuỗi thực phẩm an toàn.

Thức ăn đường phố cũng là mô hình cần được quan tâm hỗ trợ. Trong năm 2018 và tiếp tục trong năm 2019 thành phố sẽ tiếp tục cùng các quận huyện chung tay xây dựng chuỗi thức ăn đường phố an toàn.

Phát biểu trong lễ phát động đảm bảo an toàn thực phẩm đường phố tại khu ẩm thực Vĩnh Khánh (quận 4) diễn ra tối cùng ngày, trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Phạm Khánh Phong Lan cho rằng thức ăn đường phố là đặc thù, là nét văn hoá của một thành phố du lịch. Thức ăn đường phố vừa ngon vừa tiện lợi, tuy nhiên nguy cơ mất an toàn thực phẩm là rất cao, chính vì thế việc đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm mà các hộ kinh doanh phải đảm bảo..

TP.HCM đã tổ chức tập huấn cho hàng chục nghìn hộ. Đảm bảo 10 tiêu chí thức ăn đường phố. Ban An toàn thực phẩm kêu gọi khuyến khích các quận huyện phát triển các tuyến phố ẩm thực. Việc tập trung các cơ sở sẽ giúp công tác trang bị dụng cụ như tạp dề, găng tay, kẹp gắp thức ăn.

“Hãy làm thức ăn cho khách như làm thức ăn cho nhà mình. Không dùng tay trực tiếp bốc thức ăn, thớt thái đồ ăn chín sống riêng, vệ sinh chén đũa, thực phẩm phải đảm bảo nguồn gốc”, bà Phong Lan nói.

Theo Sức khỏe đời sống