Tp. Hồ Chí Minh: Kiến ba khoang tái xuất hiện “tấn công” dân cư

Trong hai tuần gần đây, bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận nhiều ca viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang “tấn công” với nhiều mức độ tổn thương khác nhau.

Chiều 1-7, BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Da Liễu TP.HCM cho biết, trong vòng 2 tuần trở lại đây, BV Da Liễu TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang “tấn công”.

Điển hình là trường hợp bệnh nhân Trần Bảo Tr. (21 tuổi, ngụ Quận 3, TP.HCM) đến BV trong tình trạng xuất hiện chùm mụn nước, hồng ban ở vùng mặt, ngứa rát và ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Bệnh nhân Tr. cho biết: “Cách đây 3 ngày, tôi đang ở trong chung cư thì cảm giác kiến bò ở vùng mặt liền dùng tay gạt và gãi ngứa.

Thấy một con kiến ba khoang rơi xuống nền nhà tôi liền dùng tay đập. Ngày hôm sau, trên vùng mặt bị mẩn đỏ, đến hôm sau tiếp thì xuất hiện nhiều nốt mụn nước ở cằm, gò má, mắt, quá lo lắng nên tôi đi khám.

BS cho biết tôi bị viêm da tiếp xúc dị ứng do dịch tiết của kiến ba khoang, phải điều trị bằng thuốc bôi trong vòng 1 tuần. May nắn tôi bị tổn thương khá nhẹ nên sau điều trị sẽ không để lại sẹo, tuy nhiên sắc tố da ở những vị trí tổn thương có thể không đều màu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ”.

Theo BS.CKII Vũ Thị Phương Thảo, trong vòng khoảng 2 tuần trở lại đây các BS tại BV Da Liễu đã tiếp nhận khám và điều trị cho nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh lý viêm da tiếp xúc dị ứng do côn trùng (đặc biệt là kiến ba khoang). Cụ thể, mỗi ngày, mỗi BS phụ trách tại các phòng khám tiếp nhận từ 2-3 trường hợp.

tp-ho-chi-minh-kien-ba-khoang-tai-xuat-hien-tan-cong-dan-cu

Bác sĩ BV Da Liễu TP.HCM đang thăm khám cho bệnh nhân bị tổn thương do kiến ba khoang

Các bệnh nhân đến BV với các triệu chứng: xuất hiện các vết xẩm, mảng hồng ban ở trên da, có những chùm mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ trên bề mặt da.

Những tổn thương trên rất dễ lan rộng ra các vùng da khác, đặc biệt là khi bệnh nhân lỡ vô tình quẹt vào những vị trí bị tổn thương và tiếp xúc vùng da khác.

Hầu hết các trường hợp bệnh nhân đều cho biết trước đó có vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang. “Đối với những trường hợp trên, BS sẽ kê thuốc để điều trị tình trạng dị ứng cho bệnh nhân, thuốc thoa tại chỗ để làm dịu vết thương và hạn chế sự lan rộng ra.

Thông thường, từ 1 tuần - 10 ngày các tổn thương sẽ khỏi, ít để lại sẹo.

Tuy nhiên đối với một số trường hợp cơ địa lâu lành, hoặc tổn thương lan rộng do tác động cơ học (cào, gãi trầy xước) khiến tổn thương qua lớp hàng rào bảo vệ da sẽ khiến tổn thương lâu lành hơn và khả năng cao để lại sẹo”.

tp-ho-chi-minh-kien-ba-khoang-tai-xuat-hien-tan-cong-dan-cu

Tổn thương da do kiến Ba khoang trên chân một bệnh nhân tại TP.HCM

BS Thảo khuyến cáo: Khi bi kiến ba khoang “tấn công”, nếu tổn thương chỉ khu trú tại chỗ chỉ cần bôi thuốc, nếu tổn thương lan rộng cần đến BS chuyên khoa để được thăm khám.

Đặc biệt, để tổn thương không lan rộng, người dân không nên rờ đụng vào các vị trí bị tổn thương và tiếp xúc với vùng da khác; không nặn nốt mụn nước, mụn rộp để tránh tình trạng dịch tiết lan rộng và để lại vết thương hở dễ nhiễm trùng hơn.

Thu Thương

Theo SKĐS

----

Xem thêm:

+Độc tố mạnh gấp 12-15 lần rắn hổ mang, cần làm gì khi bị kiến ba khoang cắn?

+Kiến ba khoang 'tung hoành' khắp nơi, cách phòng tránh thế nào?

+Kiến ba khoang hoành hành, nhiều người nhầm với zona: Làm sao phân biệt để không gây biến chứng?

-----