'Trảm' hàng giả, nhái trên mạng: Không làm cho có phong trào rồi thôi!

Trong thời gian tới có thể các doanh nghiệp, cá nhân muốn bán hàng qua mạng phải cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng sản phẩm như quảng bá.

Trong cuộc trao đổi với Zing.vn về tình trạng hàng giả, nhái, kém chất lượng bày bán tràn lan trên mạng… ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, câu chuyện hàng giả, nhái, kém chất lượng không phải của riêng thương mại điện tử (TMĐT), mà là câu chuyện của thị trường, cũng không phải đến nay mới biết, nhưng để xử lý cần có biện pháp kiên quyết.

Ông Hải cho biết, thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế đã có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với các lực lượng thuộc Hải quan, Quản lý thị trường để triệt tận gốc những loại hàng hóa kém chất lượng bán tràn lan trên mạng này. "Chống hàng giả là phải kiên định, làm tận gốc và có trình tự, bài bản thì mới hiệu quả chứ không làm mấy hôm cho có phong trào rồi lại thôi", vị này nhấn mạnh.

Cũng bàn về vấn nạn trên, Tiến sĩ Bạch Thành Lê, Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav cho rằng, việc để xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng trên các trang TMĐT thuộc trách nhiệm và chính sách các sàn. Ông Lê cho hay, các sàn phải có cơ chế kiểm tra, xác thực những người đăng bán hàng hóa trên trang của mình. Hiện, các trang TMĐT mới có cơ chế đánh giá phản hồi theo kiểu chất lượng bao nhiêu ngôi sao, càng nhiều sao, giao dịch càng lâu thì được đánh giá là tốt, ranking cao chứ chưa có kiểm soát về chất lượng hàng hóa.

Chủ quản các trang TMĐT cần có bộ máy, con người kiểm tra một cách nghiêm túc, xem những hàng đó có đúng như đăng bán không, có bị hàng giả, nhái hay không. Cơ quan quản lý cần tham gia quản lý những mặt hàng bán trên TMĐT giống như việc bán ở các cửa hàng truyền thống.

Trước diễn biến đó, trao đổi với Báo Lao Động, ông Trần Hùng – Cục phó Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, xử lý việc bán hàng trên mạng. Theo đó, các doanh nghiệp bán hàng trên mạng phải cam kết bán hàng chính hãng, đảm bảo chất lượng. 

Đồng thời, phối hợp với Cục QLTT, Cục Xuất nhập khẩu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hoá nhập khẩu vào VN cũng như hàng hoá sản xuất trong nước và sẽ xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, nếu cần thiết sẽ đề nghị xử lý hình sự. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan khác đồng loạt ra quân xử lý.

'Trảm' hàng giả, nhái trên mạng: Không làm cho có phong trào rồi thôi!

 Hàng hiệu giá "bèo" được bày bán rộng rãi trên các trang thương mại điện tử. Ảnh: Zing.vn

Ông Hùng cho biết, hiện khó khăn nhất là quản lý việc bán hàng trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook, còn các trang bán hàng thương mại đã được cấp phép nếu vi phạm quy định của pháp luật thì xử lý và nếu cần thiết sẽ rút giấy phép đăng ký kinh doanh.

"Về nguyên tắc, khi mở chợ thì ban quản lý phải kiểm soát và quản lý được các đối tượng kinh doanh của mình và trong đó có quy định cấm bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, nếu vi phạm các chủ hàng sẽ phải chịu trách nhiệm về những sản phẩm vi phạm, ban quản lý chợ cũng phải chịu trách nhiệm. Do đó, các trang thương mại điện tử phải có trách nhiệm quản lý những hàng hoá được rao bán trên trang của mình", ông Hùng nói.

Báo Lao Động cũng dẫn lời lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường cho hay, một vấn đề mới phát sinh là một số đối tượng nhỏ lẻ, buôn bán trên mạng xã hội với nick ảo và giao dịch qua điện thoại, khi xảy ra vấn đề rất khó xử lý.

Do đó, cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của từng đơn vị. Các cơ quan truyền thông cũng tăng cường tuyên truyền cho người dân biết và hiểu rõ về tác hại của hàng giả, hàng nhái... để không mua bán, tiếp tay cho các đối tượng làm ăn gian dối.

Theo VietQ