Tranh luận gay gắt: Nên bỏ Tết Âm lịch, chọn Tết Tây?

Nhiều ý kiến phản đối nhưng cũng nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm chọn Tết Dương lịch, bỏ Tết Âm lịch cho phù hợp phát triển

Trước để xuất nghỉ Tết dương lịch 1 ngày, nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày của Bộ LĐ-TB-XH, hầu hết các chuyên gia được hỏi ủng hộ phương án rút ngày nghỉ Tết Âm lịch còn 1 ngày, thậm chí có ý kiến chọn lấy Tết Dương lịch làm Tết chính cho phù hợp với xu hướng phát triển. Quan điểm trên dẫn tới cuộc tranh luận gay gắt giữa hai luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ của độc giả.

tranh-luan-gay-gat-nen-bo-tet-am-lich-chon-tet-tay

Sau Tết doanh nghiệp lại rầm rộ tuyển lao động. Ảnh minh họa

Người lao động băn khoăn

Trước tranh cãi nghỉ Tết thế nào, độc giả 24H chia sẻ: "Nghỉ Tết là nghỉ nguyên lương, nên đa phần người ăn lương cứng muốn càng dài càng hay.

Tuy nhiên, với người ăn lương theo năng suất lao động thì muốn vừa phải".

Vị độc giả cho rằng, quyền lợi chính là điểm xung đột chính dẫn tới những tranh cãi về việc nên nghỉ Tết dài hay ngắn.

Theo vị độc giả, cần có một cơ quan độc lập tính toán cân bằng ngày nghỉ cho phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay.

Vị độc giả cũng khẳng định ngay, lấy lý do xa quê để yêu cầu nghỉ dài là không hợp lý.

"Không ai bắt ai đi làm xa, mình đi làm là vì mình, được cái này thì mất cái khác. Trông chờ được tạo điều kiện, hỗ trợ thì được, chứ đòi hỏi là không lọt tai", độc giả 24h thẳng thắn.

"Một điều chắc chắn là năm nay đa phần không có thưởng Tết. Có chăng một khoản hỗ trợ gọi là với người lao động. Vậy nên nghỉ nhiều cũng chưa biết làm gì, đi đâu. Rồi dịch bệnh cũng chưa thể chắc chắn điều gì. Vậy theo tôi cứ đúng luật lao động mà xếp lịch nghỉ Tết thôi", độc giả Pep lo lắng.

Đồng quan điểm, độc giả Tuan cũng kiến nghị năm nay nghỉ ít thôi dịch Covid-19 doanh nghiệp, người lao động nghỉ nhiều rồi, kinh tế cũng rất khó khăn.

"Quy định hàng năm Tết cổ truyền chỉ nghỉ nhiều vào năm chẵn và nghỉ 1 ngày (mùng 1) thôi vào năm lẻ...đi làm ăn xa quê dành dụm được ít tiền tết đến là tiêu tan", vị độc giả này chia sẻ.

Doanh nghiệp khóc

Đứng từ góc độ doanh nghiệp, độc giả Nói vu vơ tâm sự: "Tôi chỉ muốn không có Tết, thậm chí không có luôn ngày nghỉ cuối tuần nhé".

Trong khi đó, một số khác thì cho rằng luật chỉ quy định cứng, ngày nghỉ để doanh nghiệp và người lao động tự thỏa thuận.

"Luật là luật. Còn để cho doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận với nhau việc nghỉ mấy ngày", độc giả Binh Nguyen Thanh nêu quan điểm.

Độc giả Trung LBQ cũng cho rằng, chỉ công chức và doanh nghiệp nhà nước là thích nghỉ Tết dài ngày, doanh nghiệp tư nhân chỉ mong nghỉ ngắn ngày.

"Nếu hỏi doanh nghiệp tư nhân thì nghỉ Tết như thế là dài", độc giả này nói.

Nên chọn Tết Dương lịch hay Tết Âm lịch?

Với ý kiến nên chọn Tết Dương lịch làm Tết chính cho phù hợp với phát triển, độc giả Bui Hien cho rằng, đó là đề xuất hợp lý, vừa tiện sản xuất, kinh doanh vừa thúc đẩy phát triển thương mại toàn cầu.

Theo độc giả này, nghỉ Tết từ Noel cho đến Tết Dương lịch. Bỏ Tết Âm lịch đồng thời cắt đứt các hủ tục ăn theo Tết như: Bói toán, cờ bạc, xem ngày, coi tướng... vừa gây lãng phí, tốn kém, vừa mất thời gian.

Tương tự, độc giả Phạm Thanh Huyền cũng ủng hộ phương án này. Độc giả Truc Kim thì khẳng định, Tết Dương lịch vui vẻ vô tư hơn, Tết ta nhiều cái hay nhưng cũng nhiều thủ tục, kiêng kỵ, khúm núm, xin xỏ, đút lót, nịnh hót, tai nạn, no dồn đói góp…

Vì điều này, độc giả kiến nghị nên ăn theo Tết tây để “Chủ động Hội nhập quốc tế”.

Cũng ủng hộ quan điểm trên, độc giả Phan Van Chinh đề nghị lấy ý kiến xã hội để quyết định.

Trước những ý kiến trên, rất nhiều độc giả đã bày tỏ không ủng hộ việc bỏ Tết Âm lịch và đưa ra những lý giải.

"Đừng viện lý do nghỉ nhiều ảnh hưởng đến sản xuất. Nghỉ Tết là truyền thống, là đạo lý đã được pháp luật quy định. Các nước người ta còn nghỉ nhiều hơn Việt Nam rất nhiều: nghỉ tết, nghỉ hè, nghỉ đông ... nhưng người ta vẫn giàu có", độc giả TVDau nói.

Dẫn chứng từTrung Quốc, Singapore, độc giả Sáng Trần khẳng định họ vẫn giữ được Tết truyền thống nhưng kinh tế, xã hội các nước này vẫn rất phát triển.

Tương tự, độc giả Nguyễn Sỹ Tư nhấn mạnh, có thể không nghỉ Tết Dương lịch nhưng Tết cổ truyền Âm lịch thì cần lưu giữ.

Nên chọn Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán nghỉ 1 ngày?

Riêng độc giả Nguyễn Đăng Phận ủng hộ phương án 1 của Bộ LĐ-TB-XH là phù hợp, theo phương án này người lao động sẽ được nghỉ: "hai ngày trước Tết và ba ngày sau Tết, không quá ngắn cũng không quá dài. Người lao động dễ sắp xếp để về quê. Tàu xe đi lại cũng đỡ áp lực".

Độc giả này cho rằng, việc nghỉ Tết Âm lịch vừa có ý nghĩa văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam ta từ ngàn xưa; vừa kích cầu cho du lịch, dịch vụ và phát triển sản xuất.

"Đây là nguyện vọng chung của toàn dân, cần được quan tâm, gìn giữ", độc giả này gửi gắm.

Độc giả Viet Nguyen thì đặt câu hỏi: "Cả năm người ta mới có dịp đoàn tụ bên người thân mà không nghỉ dài ngày thì người ta đi đứng kiểu gì?".

Từ câu hỏi này, vị độc giả cho rằng ý kiến rút ngắn thời gian nghỉ Tết là không phù hợp.

Thái Bình

Theo Đất Việt

----

Xem thêm:

Đề xuất 2 phương án nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021

Hai phương án nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu 2021 mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất đều có số ngày nghỉ là 7.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về quy định ngày nghỉ lễ, Tết năm 2021 đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Trong đó, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất hai phương án nghỉ Tết Âm lịch Tân Sửu 2021.

Phương án 1: Công chức, viên chức, người lao động nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục. Do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết Nguyên đán (tức ngày 13-14 tháng 2-2021 dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức, người lao động sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán (tức ngày 15-16 tháng 2-2021 dương lịch).

Phương án 2Công chức, viên chức, người lao động nghỉ Tết Nguyên đán 7 ngày liên tục. Do ngày mùng 2 và mùng 3 Tết Nguyên đán (tức ngày 13-14 tháng 2-2021 dương lịch) trùng vào thứ Bảy và Chủ nhật là ngày nghỉ hằng tuần, công chức, viên chức, người lao động sẽ nghỉ bù vào ngày mùng 5 và mùng 6 Tết Nguyên đán (tức ngày 16-17 tháng 2-2021 dương lịch).

Như vậy, cả hai phương án nghỉ tết đều có số ngày nghỉ là 7 ngày, chỉ khác nhau về số lượng ngày nghỉ trước hoặc sau Tết.

Với các phương án này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Thủ tướng Chính phủ chọn phương án 1, vì vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật, vừa hài hòa, phù hợp.

Cạnh đó, số ngày nghỉ trước Tết là 2 ngày không quá ngắn, thời gian nghỉ trên giúp người lao động chủ động thời gian đi lại, giao thông vận tải hành khách cũng đỡ bị áp lực vào thời gian trước Tết.

Bộ LĐ-TB-XH cũng đề xuất dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9-2021 theo 2 phương án. Phương án 1, công chức, viên chức, người lao động được nghỉ bốn ngày từ thứ Năm (2-9) đến ngày Chủ nhật (5-9).

Phương án 2, được nghỉ 2 ngày từ ngày thứ Tư (1-9) đến ngày thứ Năm (2-9), đi làm vào ngày thứ Sáu (3-9) và tiếp tục nghỉ 2 ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

Với hai phương án này, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất Thủ tướng Chính phủ chọn phương án 1 vì giúp công chức, viên chức, người lao động được nghỉ liên tục 4 ngày, thuận tiện cho việc kỷ niệm, chào mừng ngày Quốc khánh, chuẩn bị vào năm học mới, đi du lịch… và một số hoạt động khác.

Đối với các cơ quan, tổ chức không thực hiện lịch nghỉ cố định hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần thì căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Đối với tết Dương lịch, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ 3 ngày từ ngày 1-1-2021 đến ngày 3-1-2021, trong đó có 2 ngày nghỉ cuối tuần.

Theo NLD