Trở nặng sau 2 ngày mắc COVID-19, người phụ nữ 36 tuổi hồi phục ngoạn mục dù phải lọc máu tới 6 lần

Có tiền sử khoẻ mạnh, nữ công nhân V.T.L (36 tuổi ở Hữu Lũng, Lạng Sơn) không ngờ trở nặng khi vừa xác định dương tính SARS-CoV-2.

 Chị L biết mình dương tính hôm 10/5. Hai ngày sau, chị được chuyển từ Bắc Giang đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương do vẫn sốt cao, ho nhiều, khó thở tăng dần.

Tại Khoa Cấp cứu, các bác sĩ đánh giá chức năng phổi của bệnh nhân suy giảm nghiêm trọng. Việc tự hít thở qua mặt nạ oxy không đảm bảo an toàn cho các chức năng sống của bệnh nhân. Các bác sĩ bắt buộc phải can thiệp đặt ống thở và cài đặt thở máy cho bệnh nhân. 

Sau can thiệp bệnh nhân được chuyển đến đơn vị chăm sóc tích cực Khoa Hồi sức tích cực hôm 18/5.

Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy, SARS-CoV-2 tấn công nữ công nhân trẻ, làm phổi tổn thương nghiêm trọng, suy giảm hệ miễn dịch của người bệnh. 

Ngay lập tức bệnh nhân được chỉ định truyền thuốc tăng cường miễn dịch Imunoglobulin đường tĩnh mạch. Điều này sẽ giúp cơ thể người bệnh sinh kháng thể IgG chống lại virus, tạo miễn dịch thụ động với SARS-CoV-2.

Sau 2 ngày hồi sức tích cực, chăm sóc toàn diện, thở máy xâm nhập, và sau truyền tĩnh mạch 15 lọ thuốc Immunoglobin, nữ bệnh nhân vẫn còn sốt cao, tình trạng vẫn nguy kịch, tổn thương phổi nặng nề. Bệnh nhân được lọc máu liên thụ hấp phụ độc tố với màng lọc đặc biệt, cải thiện chức năng phổi.

tro-nang-sau-2-ngay-mac-covid-19-nguoi-phu-nu-36-tuoi-hoi-phuc-ngoan-muc-du-phai-loc-mau-toi-6-lan

Chị V.T.L khoẻ mạnh, được ra viện sau hơn 1 tháng điều trị COVID-19 diễn biến nặng.

 Sau 3 lần lọc máu liên tiếp và 14 ngày thở máy chế độ đặc biệt với bệnh nhân suy hô hấp cấp tiến triển, đến ngày 22/5, bệnh nhân đã bắt đầu có tiến triển khá hơn nhưng rất chậm. 

Bệnh nhân được chỉ định mở khí quản, chăm sóc hô hấp chuyên sâu, phối hợp thuốc bổ trợ cơ thể, truyền máu và chế phẩm máu, tiếp tục lọc máu hấp phụ độc tố bằng màng lọc đặc biệt thêm 3 lần nữa.

Kết quả sau 6 lần lọc máu, kết hợp nhiều điều trị tối ưu nhất bệnh nhân có tiến triển khá hơn, chức năng phổi tốt lên nhiều. Đến ngày 13/6, sau gần 30 ngày chăm sóc toàn diện, tích cực, bệnh nhân được rút ống mở khí quản, tự thở oxy kính. 

Bác sĩ tiếp tục điều trị bổ trợ, điều dưỡng tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân, thường xuyên động viên và chia sẻ về tinh thần.

Đến ngày hôm nay, 22/6, bệnh nhân khỏe mạnh hoàn toàn, xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính 6 lần liên tiếp và được xuất viện chiều cùng ngày.

TS Vũ Đình Phú, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, nhận định trong đợt dịch lần thứ tư này có nhiều ca bệnh dưới 40 tuổi không có bệnh nền nhưng diễn biến nặng và nguy kịch. 

Việc điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân cần tổng hợp các phác đồ: hồi sức tích cực, theo dõi sát sao, chăm sóc toàn diện, miễn dịch thụ động, bổ trợ nâng cao thể trạng. Những trường hợp bệnh diễn biến nặng kịch phát như trường hợp ca bệnh này, thì nguy cơ tử vong luôn thường trực..

Được biết, chị V.T.L là bệnh nhân nguy kịch thứ 13 được điều trị khỏi ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Cùng với ca bệnh này, còn có 8 bệnh nhân nữa cũng được xuất viện trong ngày hôm nay.

Tiểu ban Điều trị chiều 22/6 cho biết hiện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có khoảng gần 180 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị. Trong số này có 21 ca nặng phải thở oxy, 19 ca nguy kịch phải thở máy, 3 ca nguy kịch phải chạy ECMO.

Theo GiaDinh