Trời đang nồm ẩm, ăn phải thực phẩm có độc tố này nguy hại gấp nhiều lần

Thời tiết nồm ẩm, ướt át như những ngày này dễ làm cho thực phẩm bị hỏng do vi khuẩn, nấm mốc mà bằng mắt thường, bạn khó nhận diện được.

Thực phẩm bị mốc rửa vẫn độc

Những ngày trời nồm, độ ẩm không khí cao gần như nhà nào cũng trong tình trạng sàn nhà và tường “đổ mồ hôi”. Không những vậy, thực phẩm, đồ dùng bị mốc, các loại đồ dùng như thớt gỗ, đũa ăn cơm nhiều khi sờ thấy nhớt… ThS.BS Nguyễn Văn Tiến, Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, việc bảo quản thực phẩm không đúng cách trong thời tiết nồm ẩm dễ sinh ra các loại nấm mốc làm giảm chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm và gây độc. Nấm mốc bám vào các đồ dùng khi sử dụng cũng gây gại cho sức khỏe.

Có khoảng gần 40% số loài nấm mốc được biết đến có thể sản sinh ra độc tố ít nhiều đều nguy hiểm cho sức khỏe con người. Loại ít độc hoặc một liều lượng nhỏ độc tố nấm có thể gây ngộ độc nhẹ khiến người ăn phải bị nôn mửa, tiêu chảy, choáng váng…

troi-dang-nom-am-an-phai-thuc-pham-co-doc-to-nay-nguy-hai-gap-nhieu-lan

Ăn phải thực phẩm nấm mốc rất nguy hại

Một trong các độc tố vi nấm nguy hiểm là Alfatoxin do nấm Aspergillus flavus và Aspergllus parasiticus sản sinh ra trong các loại lương thực, thực phẩm bị nấm mốc. Nấm mốc từ các loại hạt có dầu như lạc, đậu nành, hạt điều, các loại lương thực như gạo, ngô, sắn…. ẩm mốc. Ngoài tác hại gây độc cấp tính, độc tố vi nấm này còn tích lũy trong cơ thể và sẽ là nguyên nhân gây bệnh ung thư.

Điều nguy hại là, độc tố Aflatoxin rất khó bị phân hủy bởi nhiệt độ cao hay hóa chất. Người ta đã thấy lạc rang ở nhiệt độ 1500C, các bào tử nấm đều bị diệt nhưng độc tố của chúng không bị phá hủy hoàn toàn nên ăn vào vẫn nguy hiểm. Chúng có thể tích lũy trong cơ thể người và động vật gây độc.

“Nhiều người vì tiếc mà thấy thực phẩm chớm mốc vẫn dùng. Hoặc đãi, rửa các lương thực, thực phẩm đã bị mốc để sử dụng trở lại là không nên vì như thế chỉ trôi đi nấm bên ngoài còn độc tố vẫn còn lại bên trong” – BS Tiến cho hay.

Bảo quản thực phẩm, đồ dùng ngày nồm

Để tránh bị ảnh hưởng sức khỏe do ăn phải những thực phẩm nấm mốc, mọi người cần lưu ý trong việc bảo quản:

+ Thời tiết nồm ẩm dễ làm thực phẩm nhanh hỏng, ôi thiu nên ăn phải có thể bị ngộ độc, tiêu chảy vì nhiễm khuẩn. Bởi vậy cần chú ý không để đồ ăn qua đêm bên ngoài, hãy bảo quản trong tủ lạnh. Thực phẩm đã nấu chín chỉ nên để trong tủ lạnh từ 1 - 2 ngày. Tốt nhất chế biến lượng vừa phải, sử dụng hết thực phẩm sau khi đã được nấu chín vì chỉ một chút hơi ẩm cũng dễ xuất hiện các loại mốc.

+ Với nhà không có tủ lạnh, thực phẩm mua về nên bảo quản ở nơi thoáng mát, hoặc có thể cho vào túi nilon rồi ngâm vào chậu nước lạnh.

+ Bát đũa, dao thớt… thời tiết nồm ẩm dễ bị vi khuẩn nên khi dùng xong cần rửa sạch luôn, treo lên để nhanh khô. Đũa thì trải đều ra cho nhanh khô, không nên dồn đống khiến rửa từ sáng mà đến chiều ăn thấy đũa vẫn còn ẩm, ướt. Trước khi dùng nếu thấy thớt, đũa vẫn còn ẩm thì nên tráng lại bằng nước nóng hoặc hơ qua lửa sấy khô diệt vi khuẩn, nấm mốc.

Trong những ngày này khi độ ẩm lên cao, tới 90% trở lên, các chuyên gia khuyến cáo để tránh tình trạng nhà nhơm nhớp nước, mọi người cần chú ý đóng cửa kín để hạn chế hơi ẩm từ ngoài môi trường xộc vào nhà. Tuy nhiên, khi độ ẩm quá cao việc này có thể gây ngột ngạt vì thiếu oxy nên thi thoảng, mọi người vẫn cần hé cửa cho thoáng.

Bên cạnh đó, mọi người lưu ý khi lau nhà tránh dùng khăn ướt mà dùng khăn khô lau, không bật quạt. Nếu có điều kiện thì có thể làm khô không khí trong nhà bằng cách mở điều hòa ở chế độ khô, máy hút ẩm, quạt sưởi nóng...

Theo GiaDinh