Trung Quốc ồ ạt đầu tư ngành gỗ, chiêu né thương chiến Mỹ - Trung?

Diễn biến những tháng đầu năm 2019 cho thấy, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành chế biến, xuất khẩu đồ gỗ tăng mạnh, trong đó chủ yếu dòng vốn đến từ Trung Quốc. Điều này có thể mở ra cơ hội cho ngành gỗ nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro.

Trung Quốc “bỗng nhiên” dẫn đầu

Theo báo cáo nghiên cứu: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Cơ hội và rủi ro cho ngành gỗ Việt Nam” được thực hiện bởi Tổ chức Forest Trends, Hiệp hội Gỗ Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM và Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương,Việt Nam đã trở thành địa điểm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI mới trong ngành gỗ, đặc biệt từ Trung Quốc.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ trong 5 tháng đầu 2019, tương đương với 73% tổng số dự án năm 2018; quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành trong cả năm 2018. Trong số quốc gia đầu tư, Trung Quốc đứng đầu bảng, với 21 dự án, tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ.

trung-quoc-o-at-dau-tu-nganh-go-chieu-ne-thuong-chien-my-trung

  Việc doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào ngành gỗ Việt có thể là một chiêu né  thương chiến Mỹ - Trung. (ảnh: internet)

Ông Tô Xuân Phúc - Tổ chức Forest Trends cho biết: Nhìn chung quy mô vốn đầu tư của các dự án FDI trong ngành gỗ nhỏ, khoảng 4-5 triệu USD/mỗi dự án.

Liên quan tới vấn đề này, ông Huỳnh Văn Hạnh-Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) nêu quan điểm: Về dịch chuyển đầu tư của Trung Quốc từ tác động cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, cơ hội chia đều cho các nước xung quanh như Ấn Độ và các nước trong khu vực ASEAN.

“Rõ ràng có sự dịch chuyển nhưng doanh nghiệp (DN) cần tỉnh táo để xem đâu là cơ hội có thể mở rộng, đâu là sự rủi ro. Ở đây không sợ DN lớn của Trung Quốc dịch chuyển vì điều đó khá khó khăn khi DN sở hữu cả chuỗi sản xuất, dịch chuyển chi phí sẽ lớn. DN có thể lựa chọn phương án điều chỉnh, cân đối sản xuất để vẫn có thể có lãi. Dịch chuyển chỉ có thể là các DN nhỏ, quy mô đầu tư không lớn. Việt Nam dù hoan nghênh DN đầu tư nhưng phải đầu tư nghiêm túc. DN cần hết sức tỉnh táo để tránh tiếp tay gian lận cho DN FDI đầu tư, tránh bị vạ lây” - ông Hạnh nói.

Cũng theo ông Tô Xuân Phúc, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung làm phát sinh một số rủi ro mới trong đầu tư và trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu. Các dự án đầu tư FDI, đặc biệt là các dự án có nguồn vốn từ Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam trong thời gian vừa qua có thể là chiến lược của các công ty của Trung Quốc trong việc né thuế xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Nếu điều này đúng đây sẽ là rủi ro lớn cho ngành gỗ Việt Nam.

Rủi ro trong các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ được hình thành khi các sản phẩm từ Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam, qua sơ chế, hoặc không sơ chế, sau đó lấy chứng nhận xuất xứ từ Việt Nam để xuất vào Mỹ nhằm né thuế. Hiện các cơ quan chức năng của Mỹ đang mở cuộc điều tra về 5 công ty của Mỹ nhập khẩu mặt hàng ván ép từ Trung Quốc với xuất xứ từ Việt Nam.

Cần đánh giá rủi ro dự án FDI

Ông Tô Xuân Phúc thông tin thêm, báo cáo chưa có thống kê đối với các nhà máy của Việt Nam được mua bằng vốn của Trung Quốc dưới dạng cổ phần. Tuy nhiên, có thể xảy ra tình trạng các nhà máy của Việt Nam có vốn đầu tư của Trung Quốc dưới dạng cổ phần tạo ra các sản phẩm có xuất xứ tại Việt Nam và xuất khẩu đi Mỹ.

5 tháng đầu năm 2019,có 49 dự án FDI mới đầu tư vào ngành gỗ, tương đương với 73% tổng số dự án năm 2018; quy mô vốn FDI của 5 tháng đầu 2019 lớn hơn 1,2 lần tổng số vốn đầu tư FDI vào ngành trong cả năm 2018. Trung Quốc đứng đầu bảng, với 21 dự án, tương đương 43% tổng số dự án FDI đầu tư vào ngành gỗ. 

“Tóm lại, có một số tín hiệu cho thấy đầu tư FDI đặc biệt với nguồn vốn Trung Quốc vào trong ngành gỗ Việt Nam cho thấy một số khía cạnh bất bình thường. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những đánh giá về vai trò và mục đích của các dự án đầu tư này” - ông Phúc nói.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bày tỏ quan điểm: “Quan trọng nhất là chính sách quản lý và các hoạt động đầu tư hợp tác của DN phải thận trọng, lưu ý. Cơ quan quản lý luôn ủng hộ DN làm ăn chân chính, bài bản, tận dụng cơ hội. Tuy nhiên, sẽ có nhưng DN làm ăn không chân chính. Chúng tôi mong muốn DN nâng cao ý thức, hiệp hội tăng cường phối hợp để tận dụng hiệu quả cơ hội mở ra”.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị, các cơ quan quản lý cần có đánh giá tổng thể về các loại hình rủi ro trong cả các dự án đầu tư FDI và trong các sản phẩm xuất khẩu.

Đánh giá rủi ro trong các dự án FDI cần bao gồm đánh giá cả về dự án mở rộng, các dự án mua cổ phần, sát nhập doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần có các đánh giá tình trạng thực tế về các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt các DN của Trung Quốc thuê máy móc, thiết bị, nhà xưởng và nhân công của Việt Nam để sản xuất các sản phẩm phục vụ xuất khẩu…

Xác định và giảm thiểu rủi ro về gian lận thương mại, lợi dụng xuất xứ hàng hóa của Việt Nam trong xuất khẩu cũng là vấn đề cấp bách cần giải quyết của ngành. Các cơ quan quản lý cần phối hợp với các hiệp hội gỗ rà soát toàn bộ các dòng sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ có tính biến động lớn; đồng thời rà soát toàn bộ các dòng sản phẩm có biến động lớn nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Chủ động trao đổi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan Mỹ trong việc xác định rủi ro về gian lận thương mại trong các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ giúp cho việc xây dựng thế chủ động của Việt Nam nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro.

Theo DanViet