Tử tù muốn hiến tạng: Luật không cấm nhưng...

Mới đây, tử tù Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê ở An Giang) đã bày tỏ mong muốn hiến tạng cho y học. TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, trong Luật không có quy định cấm việc tử tù hiến mô, tạng. Nhưng còn rất nhiều điều phải bàn đến.

Ngày 9/7, TAND TP HCM xét xử và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê tỉnh An Giang) trong vụ án thảm sát gia đình 5 người ở TP HCM mức án tử hình về tội "'Giết người", 8 năm tù về tội "Cướp tài sản"; tổng hợp hình phạt chung là án tử hình.

Trước đó, sau khi bị đại diện VKS đề nghị án tử hình, Tình xin lỗi cha mẹ vì chưa thể báo hiếu và xin được hiến tạng cho y học sau khi thi hành án.

Liên quan tới việc tử tù Nguyễn Hữu Tình mong muốn hiến tạng cho y học, trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội chiều 10/7, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, trong luật không có quy định cấm việc tử tù hiến mô, tạng.

Pháp luật chỉ quy định, người từ đủ mười tám tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống, sau khi chết và hiến xác.

Tử tù Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê ở An Giang) mong muốn hiến tạng cho y học

Tử tù Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê ở An Giang) mong muốn hiến tạng cho y học

Theo TS Quang, vấn đề "tử tù muốn hiến xác" đã được mang ra bàn ngay khi luật đang trong quá trình soạn thảo. Thời điểm đó, việc thi hành án tử hình là xử bắn chứ chưa phải tiêm thuốc độc. Bên cạnh đó, thời điểm làm luật cũng không có nước nào lấy bộ phận cơ thể người từ tử tù. Việc lấy mô tạng từ tử tù pháp luật không cấm nhưng mô, tạng phải đảm bảo chất lượng.

"Khi thuốc độc tiêm vào cơ thể, vào các mạch máu thì cơ thể nhiễm độc, các bộ phận không thể sử dụng được"- TS Quang nói.

Vậy có thể lấy mô, tạng của tử tủ trước khi thi hành án được hay không, TS.Quang cho biết, việc thi hành án phải đảm bảo thể chất, tinh thần của tử tù, đảm bảo các thủ tục, quy trình trước khi thi hành án...

"Không ai lấy các bộ phận cơ thể người trước, bởi lẽ phải để tử tù được lành lặn trước tử hình. Hơn nữa, có những bộ phận chỉ lấy sau khi người hiến đã phải trong trạng thái chết não" - TS Quang khẳng định.

Đây không phải là trường hợp duy nhất có ý muốn hiến tạng cho y học sau khi chết. 

Trước đó, năm 2016, tử tù Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước cũng bày tỏ nguyện vọng muốn được hiến xác cho y học sau khi chết, người nhà của bị cáo cũng tỏ rõ quan điểm đồng tình với nguyện vọng này. 

Trước Nguyễn Hải Dương, tử tù Nguyễn Văn Kỳ - bị cáo bị TAND TP.Hà Nội kết án về tội Giết người, Cướp tài sản trong vụ thảm sát tại Thạch Thất cũng có mong muốn xin được hiến xác cho khoa học.

Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29.11.2006 quy định rõ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết: “Chỉ cơ sở y tế” mới được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết được thực hiện trong các trường hợp: Có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết hoặc có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và đã được công bố là chết não theo quy định tại khoản 5, Điều 27 của Luật này.

Võ Thu

Theo GiaDinh