Tưởng đau bụng chuyển dạ đẻ, mẹ bầu 9 tháng sốc khi biết thai đã chết lưu

Khi được thông báo, thai phụ và gia đình vô cùng bàng hoàng vì trước đó 1 tháng, thai phụ vẫn đi siêu âm và không thấy có điều gì bất thường.

Mới đây, thai phụ B.T.N (25 tuổi, trú tại huyện Đông Triều, Quảng Ninh) được gia đình đưa đến viện do đau bụng, ra máu âm đạo khi đang mang thai con thứ 3 được 9 tháng.

Sau khi thăm khám, BS Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Sản (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí) cho biết, thai đã chết lưu khi được 38 tuần 3 ngày.

Khi được thông báo, thai phụ và gia đình vô cùng bàng hoàng vì trước đó 1 tháng, thai phụ vẫn đi siêu âm và không thấy có điều gì bất thường.

tuong-dau-bung-chuyen-da-de-me-bau-9-thang-soc-khi-biet-thai-da-chet-luu

Thai lưu là một biến cố đáng buồn đối với bất kỳ một bà mẹ nào

Theo BS Hường, dù thai đã đủ tháng nhưng thai nhi chậm phát triển, khi lấy ra chỉ nặng 1,7 kg. Thai bị suy dinh dưỡng ngay từ trong bụng mẹ có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bị chết lưu.

Tại sao có hiện tượng lưu thai?

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thai chết lưu được định nghĩa là thai chết trước khi bị tống xuất hoàn toàn ra khỏi người mẹ có trọng lượng trên 500 gram hoặc tuổi thai từ 22 tuần trở lên.

Thai lưu là một biến cố đáng buồn đối với bất kỳ một bà mẹ nào. Tình trạng này diễn ra khi thai không phát triển được thành thai nhi trưởng thành dẫn đến tử vong trong bụng mẹ và lưu lại trong tử cung.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lưu thai bao gồm xuất phát từ người mẹ và từ thai nhi. Theo TS Lê Minh Châu, Chuyên Sản phụ khoa (Bệnh viện Đa khoa Medlatec), về phía người mẹ, nếu mẹ bầu bị bất thường nhiễm sắc thể; bị nhiễm virus Rubella; mắc bệnh lý tiền sản giật; bị dạng tử cung bẩm sinh… sẽ tăng nguy cơ gây hại cho thai nhi, dẫn đến tình trạng lưu thai.

Bên cạnh đó, mẹ mang bầu khi tuổi đã cao; mang đa thai; mẹ bầu hút thuốc lá, sử dụng nhiều rượu bia, các chất kích thích; chế độ ăn nghèo nàn, không đủ chất dinh dưỡng để cung cấp cho thai nhi cũng khiến thai chậm phát triển, thậm chí không phát triển được dẫn đến tử vong.

Trong khi đó, về phía thai nhi, TS Châu cho biết, nếu em bé bị dị dạng bẩm sinh như: Phù rau thai, não úng thủy, vô sọ… nhưng không được chẩn đoán kịp thời, có thể dẫn đến tình trạng tử vong trong bụng mẹ.

Hơn nữa, trong trường hợp đa thai, sự phát triển không đồng đều của các thai có thể làm một trong các thai nhi bị chậm phát triển và chết lưu. Một số nguyên nhân từ phần phụ như nước ối, bánh nhau hoặc dây rốn, tử cung bất thường cũng dẫn đến tình trạng thai lưu.

Dấu hiệu nhận biết tình trạng thai lưu

Theo TS.BS Nguyễn Hữu Trung, Bộ môn Phụ sản (Đại học Y dược TP.HCM), nếu thai nhỏ, người mẹ thường rất khó nhận biết thai lưu. Một số thai phụ vẫn thấy triệu chứng nghén như bình thường.

tuong-dau-bung-chuyen-da-de-me-bau-9-thang-soc-khi-biet-thai-da-chet-luu

Tuân thủ siêu âm thai định kỳ để theo dõi sự phát triển của thai nhi. Ảnh minh họa

Khi thai lưu một thời gian, thông thường người mẹ sẽ có triệu chứng như ra huyết, đau bụng vùng dưới rốn. Qua thăm khám, bác sĩ sẽ thấy tử cung nhỏ dần không tương xứng với tuổi thai. Khi đó, nếu thai phụ được siêu âm sẽ thấy không có hoạt động tim thai.

Đối với thai lớn hơn, thường là trên 20 tuần, dấu hiệu điển hình để nhận biết thai còn hoạt động hay không là dựa vào cử động của thai nhi. Theo các bác sĩ, thông thường, chuyển động của em bé sẽ tăng dần trong suốt thai kỳ. Do đó, nếu số lần đạp của bé bị giảm đi hoặc người mẹ không cảm nhận được cử động của con trong bụng, rất có thể em bé đang gặp bất thường về sức khỏe, thậm chí có nguy cơ bị lưu.

Bên cạnh đó, mẹ bầu bị ra dịch nhiều bất thường ở âm đạo cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo mẹ bị nhiễm trùng tử cung, nguy cơ em bé bị chết lưu. Thai phụ có thể sẽ gặp tình trạng từ đau bụng nhẹ đến nặng, chóng mặt, sốt cao, đau lưng dữ dội...

Nếu để thai lưu quá lâu trong bụng (khoảng 3-4 tuần) có thể gây ra tình trạng rối loạn đông máu, nguy hiểm cho tính mạng người mẹ.

Do đó, để có một thai kỳ khỏe mạnh, tránh gặp những sự cố đáng tiếc, các chuyên gia khuyến cáo, thai phụ cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ để theo dõi tiến trình phát triển của thai nhi. Nếu thấy có dấu hiệu bất thường như thai cử động yếu, ra dịch, máu, đau bụng bất thường, cần lập tức đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và xử lý kịp thời.

Theo GiaDinh