Tuyển sinh đại học: Đã giảm nhiều sai sót, thuận lợi cho trường và thí sinh

Công tác tuyển sinh ĐH,CĐ trong 5 năm qua ngày càng tốt hơn và sự chủ động thích ứng, vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020 còn là ví dụ điển hình cho chuyển đổi số.

Tại Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ sư phạm năm 2021 vừa qua, lãnh đạo nhiều trường đại học nhận định, công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi cho nhà trường và thí sinh.

tuyen-sinh-dai-hoc-da-giam-nhieu-sai-sot-thuan-loi-cho-truong-va-thi-sinh
Các thông tin tuyển sinh đại học ngày càng công khai, minh bạch tạo thuận lợi cho thí sinh
Đổi mới vì quyền lợi thí sinh

Báo cáo tổng kết tuyển sinh năm 2020 của Vụ GDĐH cho biết, cả nước có 900.066 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó có 643.271 thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học và cao đẳng sư phạm, chiếm 71,47% số thí sinh đăng ký dự thi.

Đáng chú ý, có 467.791 thí sinh trúng tuyển, nhập học tất cả các ngành chiếm 86,41% tổng chỉ tiêu, tăng 8,71% so với năm 2019. Cũng trong năm 2020 có 35.936 thí sinh trúng tuyển, nhập học các ngành đào tạo giáo viên, chiếm 61,58% tổng chỉ tiêu, cao hơn năm 2019.

Nhìn chung, tuy dịch bệnh ảnh hưởng nhưng công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đã được kịp thời điều chỉnh và thực hiện thành công. Nhờ hoàn thiện văn bản, triệt để ứng dụng công nghệ thông tin, công tác tuyển sinh đã đảm bảo quyền tự chủ của cơ sở đào tạo theo đúng luật định; phần mềm tuyển sinh ổn định, hiệu quả; cung cấp minh bạch thông tin và kết quả tuyển sinh,…

Đặc biệt, thí sinh được đăng ký xét tuyển nhiều nguyện vọng, giảm các chi phí, tăng cơ hội trúng tuyển. Đối với các cơ sở GDĐH, giảm số thí sinh ảo nhờ xét tuyển và lọc ảo chung; giảm chi phí tổ chức thi; chủ động đa dạng phương thức xét tuyển; đồng thời đảm bảo trách nhiệm trong tư vấn và giải trình trước xã hội.

Báo cáo cũng nhìn nhận những hạn chế, khó khăn do khách quan, chủ quan; đề xuất các nhiệm vụ đang và sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đối với Bộ GDĐT, Sở GDĐT, các cơ sở GDĐH, trường cao đẳng.

Báo cáo tổng kết cũng đề cập đến 05 điểm mới chính trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐSP năm 2021. Trước tiên là việc thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển sinh ĐH, CĐ SP, giáo dục mầm non bằng một trong hai hình thức, bằng phiếu hoặc trực tuyến (tại những nơi có điều kiện).

Thứ hai, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định bằng phương thức trực tuyến (năm 2020 điều chỉnh nguyện vọng 1 lần). Thay đổi này có lợi cho thí sinh và phù hợp với thực tiễn; giúp thí sinh suy nghĩ kỹ khi lựa chọn trường học, ngành học; các cơ sở GDĐH lựa chọn được các thí sinh phù hợp.

Điểm mới thứ ba là quy định cụ thể hơn về việc các địa phương khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ đặt hàng nguồn nhân lực.

Sử dụng phiếu kết quả thi THPT để xác nhận nhập học là điểm mới thứ tư. Thứ năm là thống nhất cơ chế phối hợp, hỗ trợ trong quá trình đăng ký xét tuyển, đăng ký nguyện vọng, xét tuyển/lọc ảo, thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh.

Đa số các cơ sở GDĐH thống nhất với các đề xuất này và mong muốn Bộ GDĐT tiếp tục đơn vị quản lý cơ sở dữ liệu, lọc ảo, đảm bảo sự thống nhất cho công tác tuyển sinh.

Bên cạnh đó, các cơ sở GDĐH mong muốn các trường THPT tích cực hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh trong đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng, tránh việc thí sinh điền sai thông tin dẫn đến hệ lụy xét tuyển sau này.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội bày tỏ sự ủng hộ đối với những điều chỉnh tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thí sinh cũng như việc đảm bảo tính ổn định trong công tác tuyển sinh.

Do phần lớn các cơ sở đào tạo đại học đều dành 50% chỉ tiêu tuyển sinh bằng phương thức xét kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên GS Nguyễn Hữu Tú cho rằng kỳ thi này cần thực hiện nghiêm túc, khách quan, công bằng hơn nữa khâu ra đề thi, coi thi và chấm thi; nhất là khâu ra đề cần đảm bảo yếu tố phân hóa. Theo đó, các trường phải có trách nhiệm tham gia để Kỳ thi diễn ra thành công. "Trường ĐH Y Hà Nội sẵn sàng chung tay vào cuộc", GS khẳng định.

PGS. TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân nhận định, thành công của công tác tuyển sinh đạt được là nhờ Thông tư vừa ổn định vừa được cập nhật mới hằng năm. "Chúng ta vừa ổn định, vừa điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn hơn. Bởi theo xu thế, các trường sẽ ngày càng chủ động trong tuyển sinh, với nhiều phương thức khác nhau và sẽ được hoàn thiện từng bước. Vì thế, Quy chế tuyển sinh cũng cần được cập nhật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khách quan",  PGS Bùi Đức Triệu trao đổi.

Bên cạnh đó, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội Nguyễn Thị Nhung đề nghị Bộ GDĐT xem xét, tính toán đến phương án xác nhận trúng tuyển qua hình thức trực tuyến.

Ngoài những điểm mới trên, đáng chú ý, Bộ GDĐT đề xuất giảm mức phí đăng ký cho thí sinh, từ 30.000 đồng/nguyện vọng còn 25.000 đồng/nguyện vọng, đồng thời đề xuất cách phân bổ nguồn kinh phí này chủ yếu về cho các sở và các trường, Bộ sẽ nhận phần ít nhất.

tuyen-sinh-dai-hoc-da-giam-nhieu-sai-sot-thuan-loi-cho-truong-va-thi-sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

Đảm bảo tuyệt đối chính xác về thông tin tuyển sinh

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn khẳng định, nguyên nhân chính để công tác tuyển sinh năm 2020 thành công có thể tóm tắt lại trong 5 từ khóa: ổn định, chủ động, thích ứng, công nghệ, hợp tác. Tất cả những giải pháp, biện pháp đều thể hiện tinh thần chung là tạo điều kiện tối đa, mang lại lợi ích tốt nhất cho thí sinh.

Những cải tiến ngày càng tốt hơn trong công tác tuyển sinh trong 5-6 năm qua và sự chủ động thích ứng, vượt qua những khó khăn do thiên tai, dịch bệnh trong năm 2020 còn là ví dụ điển hình cho chuyển đổi số.

Thứ trưởng Sơn cho rằng, bên cạnh yếu tố khách quan, đâu đó vẫn còn những sai sót. Với quy định, trách nhiệm, giải trình, công khai, các cơ sở GDĐH đã cải tiến nhiều trong những năm gần đây.

Phân tích, dự báo tình hình năm 2021, Thứ trưởng Sơn đề ra các phương hướng, giải pháp. Trong đó, trước tiên cần giữ ổn định về quy chế, về phương thức tổ chức, phối hợp giữa các đơn vị, giữa các trường với Sở, với Bộ. Đồng thời, chủ động có những phương án ứng phó với sự thay đổi, tiếp tục ứng dụng công nghệ để giảm thiểu những sai sót, tạo thuận lợi cho các trường và thí sinh.

Các trường chuẩn bị đề án tuyển sinh và phương án tư vấn cho thí sinh tốt hơn, đảm bảo sự nhất quán, chuẩn xác trong các thông tin công bố tới các bên khác nhau, tránh những sai sót gây thiệt hại cho thí sinh.

Thứ trưởng Sơn cho rằng, Bộ GDĐT sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong khâu thi cử, xét tuyển, trong khâu tổ chức thi các trường và các trường thi riêng.

Lãnh đạo Bộ đề nghị các Sở GDĐT lập kế hoạch giảng dạy, ôn thi cũng như có kế hoạch hướng dẫn các trường, các điểm tiếp nhận nguyện vọng thí sinh, để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh trong việc đăng ký trực tiếp, trực tuyến; kiểm tra kỹ hơn thông tin của thí sinh để giảm sai sót.

Các trường đại học, cao đẳng tiếp tục phát huy ưu điểm, tập trung vào về công khai minh bạch tư vấn cho thí sinh và làm tốt công tác kiểm tra, đặc biệt tăng cường thanh tra, kiểm tra nội bộ, xét tuyển công bằng, khách quan, đúng quy chế.
 

Theo Dân Trí