Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019: Điểm chuẩn dự kiến tăng nhẹ ở trường đại học "tốp đầu"

Thời điểm này, nhiều trường đại học công bố điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển năm 2019 và dự báo điểm chuẩn năm nay. Nhiều chuyên gia tuyển sinh nhận định, phổ điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2019 khá đẹp làm nguồn tuyển dồi dào cho các trường đại học, cao đẳng tuyển sinh, điểm chuẩn năm nay có thể tăng nhẹ so với năm trước.

tuyen-sinh-dh-cd-nam-2019-diem-chuan-du-kien-tang-nhe-o-truong-dai-hoc-top-dau

Thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển vào đại học bắt đầu từ ngày 22/7. Ảnh minh họa: Q.Anh

Nhiều trường công bố điểm sàn xét tuyển

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm, phổ điểm kỳ thi THPT Quốc gia 2019, hàng loạt trường đại học đã thông báo điểm nhận hồ sơ xét tuyển. Cụ thể, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội đã công bố công bố điểm chuẩn dự báo của 55 chương trình đào tạo đại học chính quy tuyển sinh năm 2019. Theo đó, nhóm ngành dự báo có điểm chuẩn cao nhất lên tới 28 điểm là Khoa học máy tính. Điểm chuẩn dự kiến của 9 nhóm ngành đào tạo, cao nhất với điểm chuẩn dự kiến từ 27 -28 điểm là Công nghệ Thông tin (Khoa học máy tính). Riêng nhóm ngành 9 có điểm chuẩn dự kiến thấp nhất từ 19 - 20 điểm.

Năm 2019, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuyển 6.680 chỉ tiêu, đồng thời, trường triển khai tuyển sinh 7 chương trình mới. PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo của trường cho biết, lý do của việc đưa ra các mức điểm này là nhà trường dự báo cho thí sinh mức điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo của trường với mục đích khuyến cáo và định hướng cho các em tham khảo và tự điều chỉnh nguyện vọng một cách tự tin. Căn cứ vào điểm dự kiến, thí sinh cần lưu ý sắp xếp các nguyện vọng yêu thích nhất lên đầu danh sách các nguyện vọng đăng ký.

Học viện Ngân hàng cho biết, Học viện mới công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, mức điểm sàn xét tuyển vào Học viện là 18 điểm, áp dụng cùng mức điểm cho các tổ hợp xét tuyển. Mức điểm này áp dụng đối với các ngành đào tạo đại học chính quy hệ đại trà, các ngành đào tạo đại học chính quy liên kết quốc tế và các ngành đào tạo đại học chính quy định hướng Nhật Bản. Năm 2019, Học viện Ngân hàng tuyển 3.730 chỉ tiêu, trong đó hơn 3.300 chỉ tiêu được tuyển dựa trên điểm thi THPT quốc gia với 4 tổ hợp môn.

Tương tự, Đại học Ngoại Thương đã công bố điểm sàn áp dụng tại cơ sở II (TP.HCM). Theo đó, thí sinh có điểm thi đạt 20,5 điểm trở lên ở tất cả khối A, A1, D1, D6, D7 được nộp hồ sơ xét tuyển vào trường. Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) có mức điểm sàn xét tuyển vào trường là 18,0 điểm. Trong số các trường công bố điểm sàn xét tuyển, nhiều trường lấy điểm khá thấp, cụ thể: Đại học Lao động và Xã hội (14,0 - 14,50 điểm); Đại học Tài chính - Marketing TPHCM (15,5 điểm); ĐH Ngân hàng TPHCM (15,5 điểm)…

Lưu ý khi chọn trường đăng ký xét tuyển

Ngày 17/7 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019, thông tin tổng kết công tác tổ chức coi thi, chấm thi và chuẩn bị tuyển sinh Đại học, Cao đẳng sư phạm, Trung cấp sư phạm hệ chính quy năm 2019. Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT thông tin, năm 2019 khối ngành kinh doanh, quản lý thu hút nguyện vọng đăng ký nhiều nhất. Chỉ tiêu của ngành này ở hệ đại học có 126.473 nhưng số nguyện vọng đăng ký lên tới 822.956. Vị trí tiếp theo thuộc về khối an ninh, quốc phòng với số nguyện vọng đăng ký lên tới 739.587, trong khi chỉ tiêu hệ đại học chỉ tuyển 105.000.

Khối ngành giáo viên có khoảng 100.000 nguyện vọng đăng ký, khối ngành sức khỏe cao hơn một chút với gần 200.000 nguyện vọng. Năm nay, rất ít thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường trung cấp. TS Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: “Năm nay, Bộ đề nghị các trường chủ động thông tin tình hình tuyển sinh, giải đáp thắc mắc để thí sinh nắm được và đăng ký xét tuyển. Các trường không nên mất công sức nghĩ ra các tổ hợp mới, các ngành mới lạ để thu hút thí sinh bởi số lượng thí sinh đăng ký thá thấp, chỉ khoảng 10% số thí sinh đăng ký”.

Tại kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, điểm thi các môn THPT Quốc gia 2019 cao hơn so với năm 2018 nên phổ điểm thi tính theo khối/tổ hợp truyền thống cũng tăng lên, từ 15,64 - 18,05 điểm, mức điểm này khá thuận lợi để các trường tuyển sinh đủ chỉ tiêu. Tuy nhiên, một số chuyên gia tuyển sinh nhận định, điểm từng khối có tăng, không đồng nghĩa với điểm chuẩn cũng tăng theo bởi căn cứ chủ yếu vào số lượng thí sinh dự thi và chỉ tiêu theo khối. Nhưng đối với các trường “tốp trên” có sự khác biệt bởi sức hút từ các thí sinh điểm cao, do đó điểm chuẩn nhóm trường này có thể tăng từ 1 - 1,5 điểm so với năm 2018.

Do đó, lãnh đạo một số trường đại học cũng đưa ra lời khuyên các thí sinh không nên vì điểm sàn thấp để nộp hồ sơ, vì một số trường “tốp đầu” cũng lấy khá thấp, đây chỉ là điểm nhận hồ sơ chứ không phải là điểm trúng tuyển. Bên cạnh đó, một số thí sinh chọn ngành theo trào lưu không đúng với năng lực, sở thích và điều kiện của bản thân dẫn đến lựa chọn sai ngành nghề. Thí sinh không nên đăng ký nhiều nguyện vọng, mà nên chọn các ngành mình yêu thích để đăng ký ở các trường mà mình có điểm gần với điểm chuẩn năm ngoái.

Theo Bộ GD&ĐT, trước ngày 21/7, Bộ sẽ công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe. Trước ngày 22/7, các trường ĐH, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và trang thông tin điện tử của trường. Từ ngày 22/7 đến 29/7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyển. Từ ngày 22/7 đến 31/7, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng bằng Phiếu xét tuyển.

Theo GiaDinh