Tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019: Thí sinh bị "trượt oan", ai chịu trách nhiệm?

Thời điểm này, tại nhiều trường đại học đã hoàn thành nhập học cho thí sinh trong đợt I tuyển sinh đại học năm 2019. Tuy nhiên, việc phát sinh một số thí sinh “trượt oan” vừa qua cho thấy trách nhiệm từ nhà trường cũng như quy định trong tuyển sinh đại học bộc lộ một số điểm bất cập.

tuyen-sinh-dh-cd-nam-2019-thi-sinh-bi-truot-oan-ai-chiu-trach-nhiem

Nâng điểm cao “chót vót” để đánh trượt thí sinh, trách nhiệm thuộc về ai? Ảnh minh họa

Nâng điểm cao "chót vót" để đánh trượt thí sinh

Kết thúc ngày 15/8 - thời hạn của thủ tục xác nhận trúng tuyển của thí sinh, nhiều trường đại học, nhất là các trường "tốp trên" cho biết, cơ bản đã tuyển đủ chỉ tiêu, tỷ lệ thí sinh đến làm thủ tục nhập học cũng khá cao, không còn nhiều chỉ tiêu ở đợt xét tuyển bổ sung. Trong khi đó, nhiều trường đại học ở nhóm giữa và cuối cũng đang lên kế hoạch để xét tuyển bổ sung ở một số ngành chưa tuyển đủ.

Câu chuyện một số thí sinh bị "trượt oan" khiến dư luận xã hội hết sức quan tâm, bởi những thí sinh này dù đủ điểm trúng tuyển, thậm chí điểm khá cao, song vẫn bị "đánh trượt". Đó là trường hợp của một thí sinh tại TP HCM đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm mầm non Trường ĐH Sài Gòn. 

Thí sinh này tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019 để lấy điểm môn Văn xét tuyển đại học và kết quả đạt được 3,25 điểm. Tổng điểm tổ hợp các môn Ngữ văn và 2 môn năng khiếu đạt là 22,75 điểm xét tuyển. Nghĩ trúng tuyển và còn thừa điểm, nhưng cho đến khi không thấy tên trong danh sách trúng tuyển, thí sinh nói trên mới hỏi nhà trường thì được biết, điểm thi không đủ điểm sàn sư phạm. Theo giải thích của ĐH Sài Gòn, ngoài điểm trúng tuyển, thí sinh phải có điểm xét theo khối thi đạt điểm sàn trở lên của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh dự thi vào ĐH Sài Gòn dù đã nắm được giải thích, song vẫn còn ấm ức cho rằng nếu được biết trước đã đăng ký sang trường khác và khả năng sẽ trúng tuyển. Không chỉ thí sinh bị trượt vì thiếu thông tin, tại kỳ tuyển sinh năm nay, câu chuyện nhà trường trường buộc nâng điểm cao để đánh trượt học sinh vì không đủ thí sinh để mở ngành đào tạo. 

Đó là trường hợp một số thí sinh đăng ký xét tuyển vào Trường ĐH Đồng Nai. Ở ngành sư phạm Vật lý, chỉ có khoảng 3 sinh viên trúng tuyển và không đủ điều kiện mở lớp. Vì thế, trường đã nâng điểm chuẩn lên 24,7 điểm để các thí sinh trúng tuyển nguyện vọng khác.

Không chỉ riêng ngành Sư phạm Vật lý, tại Trường ĐH Đồng Nai còn có thêm các ngành Sư phạm Sinh học, Sư phạm Lịch sử, Quản lý đất đai cũng không có thí sinh trúng tuyển và điểm chuẩn của những ngành này cũng rất cao so với các chuyên ngành khác. 

Dù đã "tạo điều kiện" bằng cách để thí sinh trượt, có cơ hội trúng tuyển vào nguyện vọng tiếp theo, song cũng đã có những trường hợp thí sinh vì không đỗ vào Trường ĐH Đồng Nai cũng trượt luôn cả các nguyện vọng khác. Một thí sinh có điểm xét tuyển 22,3 điểm cũng đã viết đơn xin xét tuyển gửi Bộ GD&ĐT và ĐH Sư phạm Hà Nội mong muốn được xem xét vào ngành Sư phạm Vật lý của trường theo mong muốn.

Sẽ xem xét nguyện vọng thí sinh "trượt oan"

Theo các chuyên gia tuyển sinh, việc này là không mong muốn, song lỗi không phải ở thí sinh mà là trách nhiệm của nhà trường cũng như quy trình xét tuyển đại học cũng chưa khắc phục được tình trạng này. Trong kỳ tuyển sinh năm 2017, 2018 cũng đã xảy ra ở một số trường thiếu sức hút, nhất là trường đại học tại các địa phương. Thậm chí, trước mùa tuyển sinh đại học 2019 bắt đầu, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng đã có khuyến cáo các trường đại học không được hạ thấp điểm trúng tuyển, cũng như hạn chế tình trạng nâng điểm cao để đánh trượt thí sinh do không tuyển đủ chỉ tiêu để mở ngành.

Về vấn đề này, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường CĐ, ĐH Việt Nam cho biết: "Vì không đủ chỉ tiêu mà nâng điểm chuẩn khiến thí sinh bị trượt trước hết là thiệt thòi đối với thí sinh, bởi cũng có thể xảy ra trường hợp thí sinh mất cơ hội trúng tuyển ở nguyện vọng tiếp theo, hoặc trúng tuyển vào ngành khác không mong muốn… Do đó, trường đại học cần có giải thích đối với thí sinh về lý do khách quan không mong muốn này, có thể hướng dẫn thí sinh chuyển nguyện vọng khác. Cần linh hoạt đón nhận những thí sinh này, bởi các em chỉ biết đăng ký, chứ không biết được số lượng cụ thể là bao nhiêu".

Bộ GD&ĐT quy định, các trường được tự chủ trong công tác tuyển sinh, trong công tác tuyển sinh, các trường được định hướng minh bạch thông tin cho thí sinh lựa chọn. Khi phát sinh những tình huống không mong muốn thì cần thông qua bộ phận quản lý cơ sở dữ liệu để trao đổi với thí sinh, thống nhất cách lựa chọn mà cả hai bên đều có thể chấp nhận. Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, những thí sinh bị đại học nâng điểm đánh trượt có thể xin vào cùng ngành đăng ký xét tuyển ở trường khác nếu đủ điểm trúng tuyển, nếu thí sinh có đơn đề nghị gửi Bộ và trường xin được xét tuyển.

Để kiểm soát được hiện tượng này, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, trong công tác tuyển sinh, Bộ cũng luôn khuyến cáo các trường nâng cao chất lượng đào tạo, thu hút thí sinh, đối với các trường sư phạm phải có đánh giá nhu cầu của thị trường khi mở ngành, khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực để đào tạo sát với nhu cầu thực tế. Ngoài ra, các trường cũng phải công khai thông tin tuyển sinh, chất lượng đào tạo, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm… đây là cơ sở quan trọng để thí sinh, phụ huynh cũng như xã hội đánh giá chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục đại học, từ đó thí sinh có lựa chọn đăng ký vào hay không.

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, kết thúc đợt I tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019, nếu các trường chưa đủ chỉ tiêu đã công bố ban đầu có thể xét tuyển tiếp đợt 2. Nếu đợt 2 mà vẫn không đủ chỉ tiêu, trường có thể xét tuyển đợt 3 (nhưng đa phần các trường sẽ chỉ xét đến đợt 2 là đủ chỉ tiêu). Đợt xét tuyển bổ sung bắt đầu từ ngày 28/8, các trường chủ động công bố lịch tuyển sinh bổ sung trước 10 ngày so với ngày xét tuyển. Bộ GD&ĐT quy định điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) đợt 2 không được thấp hơn đợt 1.

Theo GiaDinh