Tuyệt đối không mua dự trữ thuốc sốt rét phòng COVID-19 kẻo phải cấp cứu vì nguy kịch như người đàn ông ở Hà Nội này

Mấy ngày qua, trên mạng xã hội Facebook rộ lên thông tin về việc nhiều người đổ xô đi tìm mua thuốc trị sốt rét (hydroxychloroquine và chloroquine) để dự phòng COVID-19 khiến giá thuốc tăng vọt.

Tuy nhiên, sáng 22/3, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) xác nhận - có tiếp nhận nam bệnh nhân ngộ độc thuốc điều trị sốt rét vì uống để phòng COVID-19. 

Theo đó, bệnh nhân 44 tuổi đã bị ngộ độc vì uống khoảng 15 viên thuốc trị sốt rét để phòng COVID-19 sau khi đọc thông tin chia sẻ trên mạng. Kết quả là phải vào viện rửa ruột vì ngộ độc, tụt huyết áp, nôn, mắt nhìn lơ mơ... Bệnh nhân phải rửa ruột và sử dụng than hoạt tính mới qua được cơn nguy kịch tại Trung tâm Chống độc.

tuyet-doi-khong-mua-du-tru-thuoc-sot-ret-phong-covid-19-keo-phai-cap-cuu-vi-nguy-kich-nhu-nguoi-dan-ong-o-ha-noi-nay

Người dân tuyệt đối không mua tích trữ thuốc chloroquine. Đây là hoá chất tổng hợp, có độc tính. Sử dụng phải có chỉ định của bác sỹ. Ảnh minh họa.

Sáng nay, chia sẻ trên trang cá nhân, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Y Hà Nội và đồng nghiệp là dược sĩ Hà Quang Tuyến cảnh báo thuốc trị sốt rét có hoạt chất hydroxycloroquine/chloroquine từ trước đến nay vẫn thường được biết đến và sử dụng trong điều trị các bệnh lý sốt rét, bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh hệ thống như lupus ban đỏ... 

Tuy nhiên, mọi người tuyệt đối không được tự ý tích trữ, dự phòng bởi đây là loại thuốc phải kê đơn. Việc sử dụng thuốc như thế nào cho có hiệu quả (liều bao nhiêu, thời gian bao lâu) phải do bác sĩ quyết định. Người dân không thể tự sử dụng. Ngoài ra, thuốc sốt rét có rất nhiều tác dụng phụ đã được ghi nhận. Bệnh nhân sử dụng thuốc phải được theo dõi các chức năng gan, thận, và thị lực tại các cơ sở y tế có chuyên môn. 

Bên cạnh đó, việc người dân thu gom, tích trữ thuốc tại nhà sẽ tạo cơ hội cho các "gian thương" đầu cơ, tăng giá thuốc vô tội vạ như câu chuyện thuốc Tamiflu mới đây và khẩu trang hiện nay. 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, có tín hiệu khả quan về hiệu quả của thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý để đưa một thuốc ra áp dụng trong cộng đồng là một quy trình khắt khe cũng giống như thử nghiệm vắcxin vậy. Hiện tại Mỹ chỉ phê duyệt cho tiến hành thử nghiệm lâm sàng thuốc này chứ chưa cho sử dụng rộng rãi như một số báo đã đưa tin.

Tương tự, PGS.TS Bùi Hoàng Hải - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện ĐH Y) cho hay, thuốc sốt rét tiềm ẩn nguy cơ tử vong do tác dụng không mong muốn, đặc biệt ở người có bệnh lý tim mạch có thể gây rối loạn nhịp tim dẫn đến đột tử.

Bên cạnh đó người dùng phải hết sức thận trọng vì có thể làm nặng hơn bệnh nền sẵn có như vảy nến, porphyrine niệu, thiếu G6PD, và liều cao gây độc cho mắt (tổn thương võng mạc).

Cho đến nay Bộ Y tế chưa có khuyến cáo về việc sử dụng thuốc này cho dự phòng hay chữa bệnh COVID-19. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tuân thủ đầy đủ các khuyến cáo chính thức của Bộ Y tế, có bệnh, nghi ngờ có bệnh cần tư vấn thầy thuốc, tuyệt đối không tự ý mua thuốc có hoạt chất hydroxychloroquine và chloroquine nhằm mục đích dự phòng hoặc điều trị tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Đồng quan điểm với các bác sĩ trên, TS.BS Lê Quốc Hùng - Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) chia sẻ: Thuốc này Việt Nam sản xuất hàng loạt. Trước đây, đã có rất nhiều người đổ xô đi tìm mua Tamiflu với giá "cắt cổ" để điều trị cúm gia cầm tại nhà. Kết quả là bệnh viện thì không thiếu thuốc cho người dân còn những người đã mua thuốc thì đem vứt hết.

Bác sĩ Hùng nhắn nhủ: Xin mọi người hãy yên tâm, khi chắc chắn về tác dụng của thuốc đặc hiệu, chúng tôi sẽ là người đầu tiên dùng nó để điều trị cho cho các bạn.

Thực tế cho thấy, hai ngày nay người dân tìm mua thuốc sốt rét nhiều đột biến là có mục đích dự phòng COVID-19. Bởi trước đó, có thông tin Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) đồng ý cho sử dụng thuốc trị sốt rét có hoạt chất chloroquine và hydroxychloroquine để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp bệnh nặng tại Mỹ.

Điều này khiến giá thuốc sốt rét tiếp tục tăng cao lên tới 50.000 -100.000đ/viên trong khi giá thường ngày trước đó chỉ 5.000đ/viên.

Hiện tại, chưa có công bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hay Bộ Y tế Việt Nam về việc điều trị bằng thuốc này cho dự phòng hay chữa bệnh COVID-19.

Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo mọi người cần tuân thủ đầy đủ khuyến cáo của Bộ Y tế, có bệnh, nghi ngờ có bệnh cần tư vấn thầy thuốc, tuyệt đối không tự ý mua thuốc có hoạt chất hydroxychloroquine và chloroquine nhằm mục đích dự phòng COVID-19 hoặc điều trị kẻo "tiền mất tật mang".

Theo GiaDinh