Uống phải cà phê nhuộm bằng lõi pin: dễ gặp các vấn đề thần kinh và gây ung thư

Người tiêu dùng uống ly cà phê được nhuộm đen bằng lõi pin có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe khi có thể bị nhiễm các chất độc như mangan, chì...

Lõi pin đập nhuyễn dùng để nhuộm cà phê tại cơ sở của bà Loan. 

Theo các chuyên gia, pin là thứ không được phép dùng trong sản xuất và chế biến bất kỳ một loại thực phẩm nào. Trong pin chứa rất nhiều kim loại nặng như chì, thủy ngân, cadmium… rất độc hại đối với thận, não, hệ tiêu hóa... của con người.

Dễ gặp các triệu chứng về thần kinh

Trong lõi pin chứa kim loại nặng là mangan. Theo ThS Hoàng Trọng Phú - Giảng viên Khoa hóa Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), trong quá trình tạo ra một viên pin khô như loại pin Con ó, nhà sản xuất phải sử dụng hợp chất mangan dioxit (MngO2), màu nâu đen bao quanh lõi than chì vốn có tính dẫn điện để làm chất điện ly giải phóng nguồn điện cho lõi pin.

Việc nấu lõi pin ít nhiều sẽ làm cho lượng mangan dioxit đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến hệ thần kinh.

Người thường xuyên tiếp xúc với mangan dễ gặp các triệu chứng về thần kinh, ban đầu thường là nhức đầu, suy nhược, ngủ kém, rối loạn thăng bằng, dáng đi vụng về, ngượng ngập.

Ở giai đoạn bệnh phát triển sẽ có những triệu chứng giống hội chứng Packinson, run tay nhẹ còn làm được việc, nhưng sau đó run nặng, bệnh nặng thêm, không lao động và tự phục vụ được.

Ngoài ra, sử dụng nguồn nước bị nhiễm mangan trong thời gian dài, nhiễm độc mangan từ nước uống làm giảm khả năng ngôn ngữ, giảm trí nhớ, giảm khả năng vận động liên quan đến tay và chuyển động của mắt, nếu nhiễm độc mangan lâu ngày có thể dẫn đến triệu chứng thần kinh không bình thường như dáng đi và ngôn ngữ bất thường.

Có thể gây vô sinh, gây ung thư

Cadmium, một chất có trong lõi pin cũng rất nguy hiểm, chỉ cần một lượng 30-40g cũng đủ gây chết người. Do lượng Cadmium thải ra khỏi cơ thể con người rất chậm (0,1% trong một ngày đêm) nên dễ diễn ra quá trình ngộ độc mãn tính.

Những triệu chứng sớm nhất của nó là tổn thương ở thận và hệ thần kinh, có albumin trong nước tiểu, rối loạn chức năng các cơ quan sinh dục, sau đó thấy đau dữ dội ở xương sống lưng và xương. Điển hình là rối loạn các chức năng phổi. Cadmium cũng có thể là nguyên nhân gây ung thư.

Chì và những hiểm họa khôn lường

Ngoài Mangan, trong lõi pin còn chứa rất nhiều chì. Theo các chuyên gia, tùy theo lượng chì đưa vào cơ thể mà có thể gây ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính. Hàm lượng chì quá cao sẽ gây tổn thương gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh...

Chì nhiễm vào máu sẽ gây thiếu máu, suy dinh dưỡng. Ngoài ra, khi nhiễm độc chì còn gây di chứng mù lòa. Trong đó, trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn hơn cả khi bị nhiễm do có khả năng hấp thu và nhạy cảm với chì cao hơn.

Trước đó, vào ngày 16/4, Cảnh sát Môi trường Công an tỉnh Đắk Nông phối hợp cùng Thanh tra Sở NN&PTNT tỉnh đột nhập vào cơ sở chế biến cà phê bột của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (trú thôn 13, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’lấp). Tại đây, lực lượng phát hiện trong xưởng chế biến cà phê của bà Loan có hàng chục tấn cà phê bẩn.

Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng thu giữ 2 chậu chứa cục pin hiệu Con Ó (khoảng 35kg) đã được đập vụn, 1 xô chứa nước màu đen (khoảng 10kg) đã được hòa tan bằng pin, 12 tấn cà phê bột đã được chủ cơ sở cho nhuộm đen bằng pin chuẩn bị đóng gói cùng nhiều máy móc, vật dụng liên quan đến việc sản xuất cà phê bẩn. 

Đăng Mạnh tổng hợp

Theo PhuNuNews