Vã mồ hôi với những bát cháo thuốc ngon miệng, dễ làm trị cảm lạnh rất tốt

Cảm lạnh hay gặp trong mùa đông do nhiệt độ xuống thấp, cơ thể không thể thích nghi kịp, dễ nhiễm cảm toàn thân đau mỏi, nhức đầu, chân lạnh... Các món cháo thuốc đơn giản, rẻ tiền, dễ làm lại có tác dụng trị cảm lạnh hiệu quả.

Theo Lương y Quốc gia Phạm Anh Đào (nguyên bác sỹ Viện Y học Quân đội), mùa đông rét mướt rất dễ bị cảm lạnh, mệt mỏi, đau đầu, nghẹt mũi… không muốn ăn uống. Để tiêu trừ những triệu chứng khó chịu, lấy lại sức khỏe nhanh, hiệu quả - mà dân gian gọi là giải cảm - cần dùng ngay những món cháo thuốc thảo dược bổ dưỡng, nóng hổi, dễ tiêu hóa kèm các rau gia vị thảo dược trị cảm lạnh rất hiệu quả và tùy nhà, tùy vùng dùng cho phù hợp.

va-mo-hoi-voi-nhung-bat-chao-thuoc-ngon-mieng-de-lam-tri-cam-lanh-rat-tot

Món cháo tía tô, hành, trứng gà rất dễ ăn, giải cảm tốt. Ảnh minh họa.

Giải cảm từ tía tô

1. Cháo tía tô gạo lức: Lá tía tô 12g, gạo lức 100g.

Rửa sạch lá tía tô, cho 200ml nước sắc còn 100ml, bỏ bã lấy nước, rồi thêm khoảng 500ml nước nữa cùng gạo vào nấu cháo. Ăn nóng ngày 2 lần sáng và tối, vừa ăn vừa hít hơi nóng càng nhiều càng tốt là khỏi. Công dụng: Cháo tía tô giúp chữa ho, trị cảm phong hàn, giảm sốt, giảm các triệu chứng thở gấp.

2. Cháo tía tô, hành, trứng gà: Lá tía tô 30g, rửa sạch, thái nhỏ; gạo tẻ 50g; trứng gà 1 quả; hành tím 1 củ nhỏ, vài lát gừng tươi. Tất cả băm nhỏ.

Cháo nấu chín nhừ thì cho lòng đỏ trứng gà vào đánh tan, đổ tía tô, hành, gừng vào quấy đều. Nêm gia vị vừa ăn. Ăn nóng sẽ toát mồ hôi thì lau khô, nằm nghỉ ngơi tránh chỗ gió lùa là khỏi.

3. Cháo tía tô – hành – gừng: Lấy một nắm lá tía tô tươi, 2 củ hành và 3 lát gừng, tất cả thái nhỏ cho vào bát, đập một quả trứng gà rồi múc cháo hoa vào trộn đều ăn nóng, bệnh cảm sẽ hết.

4. Cháo lá tía tô non: Nấu cháo gạo tẻ cho ra bát, trộn lá tía tô non thái chỉ. Ăn nóng, có thể cho thêm hành tươi xắt nhỏ. Bát cháo giải cảm này rất hiệu nghiệm.

va-mo-hoi-voi-nhung-bat-chao-thuoc-ngon-mieng-de-lam-tri-cam-lanh-rat-tot

Món cháo gừng trị cảm cũng rất hiệu quả. Ảnh minh họa.

Gừng trị cảm lạnh

Gừng vị cay, tính ấm, nhiều tinh dầu diệt khuẩn, diệt nấm, rất tốt để trị các chứng viêm đường hô hấp trên, chống dị ứng, chống tiêu chảy, đầy hơi, chống ói mửa… Trong dân gian gừng hay dùng làm cháo thuốc chữa chứng cảm lạnh rét run rất tốt.

Các món cháo trị cảm với gừng dễ nấu

- Cháo gừng hành thịt gà

Thịt gà mái 100g, gia vị gừng, hành vừa đủ. Nấu cháo ăn ngày 1 lần. Ăn vài lần là khỏi.

- Cháo gừng tươi:

Gừng tươi 5 lát, hành cả rễ 6 nhánh, gạo 60g.

Tất cả rửa sạch, cho gạo vào nồi cùng với 500ml nước, bắc nồi lên bếp nấu sôi, sau đó giảm lửa nhỏ, hầm cho đến khi cháo chín nhừ. Cho thêm hành và gừng vào nồi cháo, tiếp tục nấu thêm một lúc nữa là dùng được. Ăn nóng ngày 1-2 lần. Công dụng: làm ra mồ hôi, làm ấm cơ thể, giải cảm lạnh, ho, sổ mũi.

- Cháo gừng đường mạch nha:

25g gừng tươi, 150g đường mạch nha.

Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái nhỏ để sẵn. Cho gạo và gừng tươi vào nồi, đổ nước vừa đủ vào nấu cháo chín nhừ thì cho đường mạch nha vào, nêm vừa ăn. Công dụng của món cháo này thơm ngon, trị cảm, giảm ho rất tốt.

Lưu ý cháo thuốc khi dùng gừng tươi thì những người thể tạng nóng thường bị lở miệng, táo bón, ra mồ hôi thì không nên dùng gừng; Gừng chỉ nên dùng trong thời gian ngắn, không dùng thường xuyên sẽ khiến chảy nước mắt sống.

va-mo-hoi-voi-nhung-bat-chao-thuoc-ngon-mieng-de-lam-tri-cam-lanh-rat-tot

Chào hành với rau thơm, hạt tiêu. Ảnh minh họa.

Hành trị cảm lạnh

Bị cảm lạnh mà ăn tô cháo hành giải cảm nóng hổi rất khoan khoái, nhanh khỏi.

- Cháo hành củ:

Hành 5 củ, gạo lức 50g.

Cho gạo vào nồi, đổ nước vừa đủ, nấu cháo chín thì cho hành đã thái nhỏ vào. Múc cháo nóng ra bát ăn vài lần trong ngày. Công dụng của món này là làm toát mồ hôi, giải cảm sốt, ho, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi...

- Cháo hành giải cảm

Hành lá, lá tía tô, kinh giới xắt nhuyễn mỗi thứ 1 thìa canh.

Gừng cử thái sợi 1 thìa canh.

1 lòng đỏ trứng gà, 1 nắm gạo, muối tiêu, hạt nêm

Cháo nấu chín nhừ thì nêm nếm vừa miệng. Cho lòng đỏ trứng gà vào bát cùng với gừng sợi rồi múc cháo đang sôi vào bát trứng. Rau thơm, hành lên trên cùng. Khi ăn rắc thêm hạt tiêu xay, trộn đều. Công dụng: Món này ăn nóng, vừa ăn vừa thổi sẽ như được xông hơi, vã mồ hôi, người nhẹ nhõm, giải cảm, hạ sốt, giải độc cho cơ thể. Hành lá, kinh giới, tía tô, gừng, lòng đỏ trứng gà …là những tháo dược tự nhiên trị cảm rất công hiệu. 

va-mo-hoi-voi-nhung-bat-chao-thuoc-ngon-mieng-de-lam-tri-cam-lanh-rat-tot

Món cháo bí đỏ rất ngon miệng. Ảnh minh họa.

Các cách khác

- Gạo nếp 30g, gạo tẻ 30g, nấu nhừ thành cháo, ăn nóng. Ăn xong trùm kín chăn cho ra mồ hôi trong 10-15 phút. Dùng khăn khô lau sạch mồ hôi rồi nằm nghỉ

- Cháo táo đỏ bí ngô: Chuẩn bị 01 quả bí ngô, 500g táo đỏ, đường đỏ.

Bí ngô gọt vỏ, bỏ hạt, cắt miếng; táo đỏ rửa sạch. Tất cả cho vào nồi, đồ nước ninh cháo tới chín nhừ thì nêm đường vừa ăn. Công dụng: Món cháo này trị cảm, trị thanh phế quản, giảm ho, đặc biệt hiệu quả trong trị ho cho trẻ nhỏ.

Cháo sữa đơn giản, dễ nấu

Gạo (tốt nhất là loại gạo dẻo, ngon để món cháo thêm hấp dẫn), sữa đặc.

Ngâm gạo vào nước thường trong 20 phút, vo sạch gạo rồi cho vào nồi cùng nước (đủ để nấu thành cháo); - Nấu đến khi cháo chín (cho sôi rồi để nhỏ lửa để ninh cháo, có thể thêm nước vào nấu cho cháo chín mềm); Múc cháo ra bát, thêm sữa đặc, đánh lên cho thơm, ăn nóng cơn lạnh sẽ qua nhanh, ho sẽ giảm.

 Những ngày mùa đông giá lạnh, rồi giao mùa đông - xuân rất dễ bị cảm lạnh. Người dân thay vì sử dụng các loại thuốc kháng sinh, thuốc trị cảm cúm thông thường hãy dùng những bát cháo giải cảm nóng hổi thơm ngon, bổ dưỡng... sẽ rất nhanh khỏe mạnh lại sau một giấc ngủ rất tốt.

Theo GiaDinh