Vải nhãn mít xoài...có nóng như lời đồn?

Những hoa quả như vải nhãn, mận, mít, xoài đang vào mùa chín rộ, nhưng nhiều người lại e ngại không dám ăn vì sợ nóng.

Theo Ths.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, quả chín là nguồn cung cấp vitamin và muối khoáng quan trọng trong chế độ ăn của mỗi người. Một số người thường có quan niệm rằng các loại quả chín ngọt là những loại quả nóng nên thường kiêng không ăn, hoặc không cho trẻ con ăn sợ mọc mụn nhọt, rôm sảy. “Quan niệm này hoàn toàn sai lầm vì không có loại quả chín nào là nóng”, bác sĩ Hải nhận định.

Các loại quả thường có vào mùa hè như vải, nhãn, dứa, mận, mít, xoài rất giàu acid hữu cơ, các muối khoáng Ca, Fe, P, các vitamin B1, B2, C… giúp tăng cường chức năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng.

Tuy nhiên, những loại quả này thường chứa một lượng lớn đường glucoza, tiêu thụ hoa quả nhiều đường cùng một lúc sẽ khiến cơ thể sẽ hấp thụ đường glucoza vào máu, vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan, khiến cơ thể tiết insulline tăng lên để làm hạ nồng độ đường trong máu xuống, gây phản ứng đường máu thấp gây triệu chứng người bủn rủn, bứt rứt, buồn nôn, hoa mắt chóng mặt.

Vải nhãn mít xoài...có nóng như lời đồn?

 Trẻ em không nên ăn quá 6 quả vải mỗi ngày. Ảnh minh họa

Vì chứa nhiều đường nên những người béo phì, mắc đái tháo đường thì không nên ăn nhiều các loại quả này vì hàm lượng đường cao sẽ có nguy cơ bị tăng lượng đường trong máu.

Những người có cơ địa hay bị mọc mụn nhọt, rôm sảy, thể trạng nóng, chắp lẹo mắt thì cũng không nên ăn nhiều, vì việc tăng lượng đường trong máu sẽ là môi trường lí tưởng cho các loại vi khuẩn phát triển.

Với trẻ em, hệ tiêu hóa còn yếu nên cho bé ăn một lượng vừa phải không quá 100g vải tươi (5 - 6 quả). Người lớn không nên ăn quá 10 quả một lúc. Phụ nữ mang thai hoặc mới sinh cũng được khuyến cáo là không nên ăn nhiều những loại quả chứa nhiều đường. Vì đường huyết tăng có thể gây khó sinh, tăng nguy cơ xuất huyết sau sinh và nhiễm trùng.

Trước khi ăn vải, nhãn, mít, dứa... có thể uống chút nước muối hoặc trà thảo mộc lạnh, hoặc canh bí đao, chè đậu xanh hoặc cũng có thể ăn 20-30g thịt nạc hoặc uống nước canh xương... như vậy sẽ cân bằng cơ thể. Hoặc là nên ăn vải sau khi ăn cơm, lúc này trong cơ thể đã tích trữ đủ lượng nước muối qua thức ăn nên ăn cũng không lo bị nóng.

Khi ăn vải nếu ăn cả lớp màng trắng (là lớp màng mà bóc vỏ ngoài ra chúng ta nhìn thấy bọc bên ngoài cơm vải) sẽ cân bằng được lượng đường. Lớp màng trắng đó có hơi chát, khi ăn đến cơm vải sẽ cảm thấy cơm vải càng ngọt hơn.

Theo VietQ