Vận chuyển bánh kẹo, đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất bị tịch thu

Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam vừa thu giữ lượng lớn bánh kẹo, đồ chơi trẻ em, giày vải không rõ nguồn gốc.

Tổng Cục Quản lý thị trường dẫn thông tin từ Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Nam cho biết, mới đây Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Quảng Nam tiến hành dừng phương tiện vận tải mang BKS 89C 12183 chạy theo hướng Bắc Nam.

Qua kiểm tra, điều khiển phương tiện trên là ông Phạm Văn Tuấn (thường trú tại xã Bảo Khê, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Ngoài ra trên xe còn vận chuyển 120 đôi giày vải do nước ngoài sản xuất, 1.050 kg (48 thùng) đồ chơi trẻ em do nước ngoài sản xuất, 3.403kg (110 thùng) bánh kẹo do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra lái xe không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa nói trên nên Đội Quản lý thị trường số 4 tạm giữ tất cả hàng hóa trên, chờ xử lý theo quy định pháp luật.

Cách đây ít ngày, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Quảng Nam cũng tiến hành tiêu hủy số lượng lớn hàng giả, hàng hóa quá hạn sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng tại bãi rác xã Tam Xuân (thuộc xã Tam Xuân 2, H.Núi Thành, Quảng Nam).

Theo Cục QLTT tỉnh Quảng Nam, đây là số hàng hoá vi phạm, tang vật vi phạm hành chính bị tịch thu từ giữa năm 2018 đến tháng 3/2019. Các loại hàng hóa bị tiêu hủy là hơn 1.000 đồng hồ được làm nhái nhãn hiệu Casio các loại (trị giá hơn 1,6 tỷ đồng); gần 1.200 món đồ chơi trẻ em (mang tính bạo lực); gần 2.600 bao thuốc lá nhập ngoại các loại; 135 chai rượu; hàng nghìn sản phẩm thực phẩm chức năng, bột nêm giả, đồ uống nhanh, mỹ phẩm các loại; mũ bảo hiểm, cuộn dây điện máy phát và sản phẩm dùng trong lĩnh vực y tế...

Những sản phẩm bị tiêu hủy đều bị xếp vào hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và hàng kém chất lượng không được phép lưu thông trên thị trường, hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính không rõ nguồn gốc, xuất xứ

Nhằm tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 201 9 trên địa bàn tỉnh với các chỉ tiêu phấn đấu là: 100% các vụ việc phát hiện, bắt giữ phải được xử lý kịp thời và theo quy định của pháp luật; 100% cán bộ công chức khi thi hành công vụ phải thực hiện đúng quy trình, quy định của pháp luật, không để xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến hoạt động công vụ của cán bộ, chiến sĩ, công chức.

Kết quả phát hiện, đấu tranh, bắt giữ các vụ việc buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả năm 2019: tăng ít nhất 5% so với năm 2018.

Các Sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo chủ động nắm tình hình, xây dựng Kế hoạch chuyên đề đảm bảo bám sát diễn biến tình hình thực tế, xác định rõ tuyến, địa bàn, lĩnh vực, phương thức thủ đoạn hoạt động, đối tượng trọng điểm và nhóm các mặt hàng cần tập trung kiểm tra, kiểm soát.

Chú trọng kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng, đặc biệt là nhóm hàng cấm (ma túy, động vật, thực vật hoang dã, tài liệu phản động, máy móc thiết bị đã qua sử dụng, pháo nổ…); các mặt hàng có thuế suất cao, thuế tiêu thụ đặc biệt, hàng ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế (thuốc lá điếu ngoại, rượu, xăng dầu); các mặt hàng tiêu dùng là hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống nhân dân, ảnh hưởng đến sản xuất, môi trường (thực phẩm, thuốc tân dược, thuốc đông y, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất cấm trong chế biến thực phẩm, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, các loại chất cấm trong thức ăn chăn nuôi…).

Tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường kết hợp với mục tiêu ổn định thị trường, giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Theo VietQ