Vào phòng - hỏi tên, lên bàn mổ - hỏi tên, tiêm thuốc - hỏi tên: Sao hỏi tên tôi suốt thế?

Đó là nguyên tắc trong ngành Y của chúng tôi để hạn chế tối đa nhầm lẫn. Vì vậy tha thiết mong các bạn hợp tác vì lợi ích của chính mình.

Hỏi tên là nguyên tắc trong ngành Y để tránh nhầm lẫn, vì lợi ích của bệnh nhân

Thưa các chị, các bạn và các em gái, vốn là bệnh nhân khoa sản và phụ khoa của tôi! Để tôi giải thích chút về việc vào viện bệnh nhân hay bị hỏi tên để các chị hiểu mà thông cảm cho bớt cái áp lực xuống chút, chân thành cảm tạ.

Vì đối tượng phục vụ của chúng tôi là con người, mà con người là vốn quý. Cái gì sai có thể sửa được chứ hành nghề y mà sai là phải trả giá, nhiều là mạng sống của các bạn, ít là tổn thương về tinh thần hoặc thể xác. Không ai muốn điều đó đúng không?

Tôi viết vấn đề này là do có cô bệnh nhân vào nhập viện, khi nhân viên lấy máu và hỏi tên thì cô ấy cau có không muốn trả lời.

Nhưng nhân viên y tế hỏi tên là để xem cái tên trên tờ giấy có chính xác là tên của bạn hay không, chỉ thế thôi.

Vào phòng - hỏi tên, lên bàn mổ - hỏi tên, tiêm thuốc - hỏi tên: Sao hỏi tên tôi suốt thế?

Tại sao họ phải hỏi quý danh của các chị các em khi lấy máu? Là bởi để tránh tên người nọ mà máu người kia. Trước khi phát thuốc hoặc tiêm thuốc lại hỏi nữa, rút ống thông tiểu cũng hỏi tiếp, bởi vì nhỡ đâu người khác nằm vào giường của các chị các em thì sao?

Nhỡ đâu cái người đang nằm trên giường bệnh đó lại không phải chính là bệnh nhân đang cần điều trị, thì làm thế nào?

Nếu các chị các em phải mổ thì khi bước vào phòng mổ lại được hỏi tên một lần, lên bàn mổ hỏi thêm một lần, trước khi tiêm thuốc hỏi lại lần nữa… Nói tóm lại cứ thực hiện điều gì liên quan tới bệnh nhân là lại hỏi tên một lần. Đó là nguyên tắc trong ngành Y của chúng tôi để hạn chế tối đa nhầm lẫn. Vì vậy tha thiết mong các bạn hợp tác vì lợi ích của chính mình.

Bệnh nhân rất đông, nếu không cẩn thận kỹ lưỡng như vậy thì rất dễ xảy ra sai sót vì bác sĩ cũng là người như các bạn mà thôi.

Cho nên vì lợi ích của chính mình đừng có cau có nữa nhé, trách nhiệm của nhân viên y tế thì họ phải làm chứ họ cũng không thích hỏi đi hỏi lại mãi tên của các bạn làm gì đâu.

Vấn đề nữa là trong giao tiếp vui lòng tôn trọng nhau. Khi nhân viên y tế hỏi có chủ ngữ thì mình nên trả lời có chủ ngữ, bởi nó không mất thêm ký lô ca lo nào của các bạn cả.

Nhiều khi khám cho các bạn bằng tuổi con tôi mà tôi rất thất vọng.

- Em à, bác sĩ A, B, C có nói về trường hợp của em rồi nhé, chị biết rồi.

Em trả lời:

- Hả?

Tôi nhắc lại nội dung câu nói là mình đã được biết về trường hợp bệnh của em rồi, để bệnh nhân yên tâm.

- Vậy hả?

Em vẫn chỉ nói cộc lốc như vậy.

Tôi nhìn hồ sơ. Hóa ra em là nhân viên văn phòng.

Nếu em là công nhân, điều kiện học hành ít thì tôi buồn ít, nhưng em học nhiều mà nền tảng văn hóa của em như vậy tôi buồn nhiều lắm.

Cách giao tiếp thể hiện văn hóa của con người

Các chị, các em ạ, cách giao tiếp thể hiện văn hóa của con người. Khi được người khác tôn trọng mình thì mình nên tôn trọng lại. Mình muốn người khác tôn trọng mình thì mình nên tôn trọng họ.

Vào phòng - hỏi tên, lên bàn mổ - hỏi tên, tiêm thuốc - hỏi tên: Sao hỏi tên tôi suốt thế?

(Ảnh minh họa)

Trong xã hội này không ai cao hơn ai cả, có chăng thì văn hóa người nọ cao hơn người kia mà thôi. Mà văn hóa đôi khi không phụ thuộc vào trình độ, chức tước mà phụ thuộc vào sự giáo dục, thể hiện việc bạn được giáo dục như thế nào thông qua thái độ của bạn và quan trọng nhất đó là lòng tự trọng của chính bản thân mình.

Mình càng lịch sự thì thể hiện văn hóa của mình càng cao, điều đó người ngoài sẽ nhận thấy và nhìn mình với thái độ như thế nào.

Cuộc sống giống như tấm gương vậy, mình nhìn vào gương cười thì hình trong gương sẽ cười lại, mình gầm gừ thì nó cũng sẽ gầm gừ. Nhớ nhé, cuộc đời này còn rất dài, có lẽ nên sửa dần rồi mình còn dạy con mình nữa.

Trân trọng!

Theo Ttvn