Vết bầm tím xuất hiện trên da cảnh báo bệnh gì?

Những vết bầm tím thường xuyên xuất hiện trên cơ thể không rõ nguyên nhân cũng chính là một dấu hiệu cảnh báo các căn bệnh vô cùng nguy hiểm.

Thỉnh thoảng chúng ta vẫn thường không cẩn thận va tay, chân vào đâu đó, kết quả là xuất hiện các vết bầm tím trên cơ thể. Vết bầm dạng này sẽ chuyển từ màu đỏ, sang tím, rồi vàng hoặc xanh và biến mất sau vài ngày, nhiều nhất là trong vòng 2 tuần.

Tuy nhiên, đối với một số người những vết bầm tím này có thể xuất hiện một cách vô cớ và không rõ nguyên nhân vì sao và đây cũng là dấu hiệu cảnh báo hàng loạt vấn đề về sức khỏe đang tiềm ẩn trong cơ thể bạn.

vet-bam-tim-xuat-hien-tren-da-canh-bao-benh-gi

Vết bầm tím trên da có thể là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm

Vết bầm tím thực chất là gì?

Vết bầm tím là tình trạng da đổi màu, do vỡ mạch máu nhỏ dưới da và gây rỉ máu sau một chấn thương. Máu từ các mạch tổn thương sẽ tập trung gần bề mặt da và chúng ta nhìn thấy một vết màu xanh đen. Vết này là do các tế bào hồng cầu và thành phần của máu gây đổi màu da.

Dấu hiệu cảnh báo các bệnh nguy hiểm

Mắc các bệnh về máu

Một trong những nguyên nhân khiến da bị bầm tím là do cơ thể bị gặp vấn đề liên quan đến máu như: xuất huyết dưới da, bệnh bạch cầu, hội chứng máu khó đông,… Vết bầm tím không rõ nguyên nhân cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư máu.  Do đó, khi liên tục xuất hiện các vết bầm bạn nên chủ động đi khám để được chẩn đoán đúng về tình trạng sức khỏe hiện tại của mình.

Bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có ảnh hưởng trực tiếp đến vòng tuần hoàn của máu, do đó có thể dẫn đến sự xuất hiện của các vết bầm tím trên cơ thể. Nguyên nhân là do các mạch máu, da và thần kinh bị suy yếu nên gây ra hiện tượng xuất huyết mao mạch bên trong.

Thiếu chất dinh dưỡng

Việc xuất hiện các vết bầm tím không rõ nguyên nhân có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy cơ thể đang thiếu chất nào đó. Chẳng hạn như: vitamin B12- trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất máu, vitamin K- chịu trách nhiệm đông máu và vitamin C- đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo ra mô mới, nếu cơ thể thiếu hụt vitamin C thì các mạch máu nhỏ sẽ bị phá vỡ và gây ra tình trạng bầm tím trên da.

Lão hóa da

Yếu tố tuổi tác cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thâm tím trên da. Khi có tuổi, quá trình cơ thể sản xuất collagen giảm và lớp mỡ bảo vệ da bị mất dần. Đặc biệt sau tuổi 60, cơ thể có thể xuất hiện các vết bầm tím không lý do hoặc dù chỉ ấn nhẹ lên da.

Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc như aspirin, thuốc tránh thai, steroid... có chứa tác dụng phụ gây ra những vết bầm tím trên da nếu bạn sử dụng quá mức cho phép. Do vậy, bạn nên cẩn thận hơn trong việc sử dụng những loại thuốc này và chỉ uống theo đúng đơn chỉ định từ bác sĩ.

Theo GiaDinhVietNam