Vì sao ĐBQH không đồng ý nghỉ Lễ vào ngày Thương binh - Liệt sĩ?

Chiều 29/5, thảo luận ở tổ của Quốc hội về dự thảo Bộ luật lao động, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm cần có thêm ngày nghỉ lễ nữa, nhưng không nên chọn vào ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7).

vi-sao-dbqh-khong-dong-y-nghi-le-vao-ngay-thuong-binh-liet-si

ĐB Đặng Thuần Phong phát biểu tại tổ (ảnh quochoi.vn).

Phát biểu tại tổ Bến Tre, Vĩnh Phúc, Kon Tum, Yên Bái, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Đề xuất bổ sung một ngày nghỉ Lễ vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) cần hết sức cân nhắc.

Theo ĐB Phong, về ngày Thương binh – Liệt sĩ hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công, bên cạnh đó là Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nghĩa là đã có những chính sách tốt nhất để đền ơn đáp nghĩa, chính sách cho người có công. “Nếu xem 27/7 là ngày nghỉ lễ để tri ân thì không đúng, vì đền ơn đáp nghĩa là làm cả đời chứ không phải một ngày”, ĐB Phong.

ĐB Đặng Thuần Phong nói thêm: “Nếu đặt vấn đề từ dịp từ ngày 1/5 đến ngày 1/9, khoảng thời gian này không có ngày nghỉ lễ nào, trong khi chúng ta có số ngày nghỉ ít hơn các nước trong khu vực, tôi cũng đồng ý nên có thêm ngày nghỉ lễ, nhưng nên chọn ngày khác. Ví dụ như chọn ngày 28/6 Ngày gia đình Việt Nam, cho mọi người được nghỉ để họ lo cho gia đình, chứ cho nghỉ lễ vào ngày 27/7 để đi đến ơn đáp nghĩa là không phù hợp”, ĐB Phong nói.

ĐB Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) cho biết, khi ông tiếp xúc cử tri, có nhiều người phản ánh, trong đó có những người trong cuộc như thân nhân của thương binh, liệt sỹ về việc chọn ngày nghỉ lễ 27/7. “Họ nói những câu mà tôi thấy rất chạnh lòng như ngày người ta tang thương mất mát, ngày những người đã hi sinh xương máu cho đất nước mà lại lấy ngày đó làm ngày nghỉ lễ thì không phù hợp”, ĐB Tới nói và cho biết, ông không đồng ý lấy ngày Thương binh –Liệt sĩ làm ngày nghỉ lễ.

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đặt vấn đề, trong điều kiện hiện nay liệu chúng ta có nên bố trí thêm một ngày cho ngày nghỉ. “Tôi đề nghị ngày 27/7, trong thâm tâm chúng ta là tri ân nhưng đừng nên tuyên bố trong Bộ Luật Lao động đó là 1 ngày nghỉ nếu chúng ta phân tích dưới góc độ chính trị pháp lý”, ĐB Bộ nói.

Theo ĐB Nguyễn Mai Bộ, đồng bào chúng ta rất tốt, dân tộc chúng ta rất tốt, nhưng rõ ràng hiện nay phía tham gia cách mạng, giải phóng miền Nam và phía thua trận vẫn còn. Nếu chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ  thì vô hình chung đến ngày đó lại tạo một nỗi hằn về tâm lý trong cuộc sống sinh hoạt, làng xã, đây là điều  không nên.

ĐB Võ Thị Ánh Xuân, Bí thư tỉnh ủy An Giang cho biết, bà băn khoăn vì sao chọn ngày 27/7 là ngày nghỉ lễ. Theo bà, trên thực ra, ngày nghỉ lễ của Việt Nam cũng nhiều. Hiện nay đất nước ta còn khó khăn, đòi hỏi phải chung tay góp sức làm nhiều hơn cho sự phát triển. “Nếu thêm một ngày nghỉ lễ nữa thì ý nghĩ của ngày nghỉ lễ này là gì? Tại sao chọn ngày 27/7? Tôi nghĩ, số lượng ngày nghỉ lễ hiện nay đã vừa rồi, chỉ riêng đợt Tết thôi, chúng ta đã rất sốt ruột vì thời gian nghỉ dài, ảnh hưởng hàng loạt công việc, nhất là trong quý I của năm. Nếu tính toán thêm ngày nghỉ lễ nữa thì không hợp lý”, ĐB Xuân bày tỏ.

Trong dự thảo Bộ Luật lao động (sửa đổi), Chính phủ đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7). Theo bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự thảo Luật) hiện có 3 nhóm ý kiến khác nhau với đề xuất này.

Đầu tiên là những đại biểu ủng hộ việc bổ sung thêm một ngày nghỉ trong khoảng thời gian từ 2/5 đến 1/9 và đề nghị lấy ngày Gia đình Việt Nam (ngày 28/6 dương lịch) làm ngày nghỉ lễ.

Nhóm ý kiến thứ hai tán thành đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ vào ngày Thương binh - Liệt sĩ như tờ trình của Chính phủ.

Nhóm ý kiến thứ ba đề nghị cân nhắc việc bổ sung một ngày nghỉ lễ vì chưa có đánh giá tác động chính sách.

Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và đánh giá tác động đầy đủ về vấn đề này.


Theo DanViet