Vì sao Hà Nội giãn cách thêm 15 ngày và chuẩn bị "khẩn" 30.000 giường thu dung F0 trong thời gian ngắn nhất?

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, dịch xâm nhập vào những nơi phức tạp như chợ, siêu thị, bệnh viện, khu công nghiệp và không rõ nguồn lây. Do đó, nếu dừng giãn cách xã hội sẽ khó đảm bảo những thành quả trong chống dịch thời gian qua.

Giãn cách xã hội đợt 1 là đúng, trúng, kịp thời

Chiều 6/8, chủ trì buổi họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 khi Hà Nội quyết định giãn cách xã hội thêm 15 ngày, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, sau gần 2 tuần thực hiện Chỉ thị 17, chủ trương của Hà Nội là tiếp tục giãn cách xã hội thêm 15 ngày, đến ngày 23/8.

Phân tích về quyết định này, ông Phong cho biết, sau gần 2 tuần, Chỉ thị 17 đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Có kết quả đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là của người dân, của các doanh nghiệp, các đơn vị từ Trung ương đến Thành phố đã đồng tình, ủng hộ.

Dư luận xã hội cũng như các chuyên gia đánh giá việc Thành phố thực hiện Chỉ thị 17 từ ngày 24/7 là đúng, trúng, kịp thời.

vi-sao-ha-noi-gian-cach-them-15-ngay-va-chuan-bi-khan-30-000-giuong-thu-dung-f0-trong-thoi-gian-ngan-nhat

Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì buổi họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 sau khi Hà Nội quyết định giãn cách xã hội thêm 15 ngày. Ảnh: Phạm Linh

Tuy vậy, diễn biến dịch bệnh có nguy cơ rất cao, bởi Hà Nội là trung tâm cả nước, đầu mối giao thông trọng điểm quốc gia nên thực tế Hà Nội không thể "đóng cứng", vẫn phải có giao thương, vận chuyển hàng hóa.

Hơn nữa, các tỉnh lân cận, xung quanh Hà Nội vẫn có dịch; các ca bệnh nằm rải rác ở khắp 30 quận, huyện. Trong đó nhiều quận huyện có số ca mắc lớn, như Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Thanh Trì, Đông Anh...

Đặc biệt, dịch bệnh đã xâm nhập vào những nơi rất phức tạp, như khu công nghiệp, chợ, siêu thị, bệnh viện, các khu dân cư đông người... là nhiều ca bệnh không rõ nguồn lây.

"Chính vì thế, nếu dừng việc giãn cách thì những thành quả, những kết quả đạt được trong thời gian giãn cách vừa qua khó mà đảm bảo được", ông Phong nhấn mạnh.

Hơn nữa, việc giãn cách là cần thiết để khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch. Trong giai đoạn này cũng là cần thiết để củng cố, nâng cao năng lực của ngành y tế, giữ thế chủ động một cách toàn diện, trên tất cả các mặt công tác trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Do đó, Hà Nội quyết định kéo dài thêm thời gian giãn cách xã hội, đến 6h ngày 23/8.

Xác định cuộc chiến phòng, chống dịch còn dài, nên Hà Nội cũng có nhiều giải pháp phân công lại nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị nhằm giảm tải cho các lực lượng tuyến đầu để có thể đảm bảo hoạt động trong thời gian dài, nhất là y tế, lực lượng vũ trang, công an.

Ông Phong cho biết, trong giai đoạn hiện nay, để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội, bên cạnh tiết kiệm chi thường xuyên, tiết kiệm từ giảm hội họp, đi công tác, Hà Nội quyết định tạm dừng mua sắm trang thiết bị từ nguồn chi thường xuyên, trừ các nội dung liên quan đến mua sắm trang thiết bị phòng, chống dịch.

Theo ông Phong, xuyên suốt công tác phòng, chống dịch thì Thành phố luôn xác đinh, sự đồng lòng của nhân dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mang tính quyết định thành công hay không thành công.

vi-sao-ha-noi-gian-cach-them-15-ngay-va-chuan-bi-khan-30-000-giuong-thu-dung-f0-trong-thoi-gian-ngan-nhat

Ông Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kêu gọi người dân thường xuyên khai báo trên hệ thống y tế quốc gia để từ đó, Sở sẽ chuyển thông tin để ngành Y tế tiến hành tầm soát, xác định sớm, khoanh vùng nhanh. Ảnh: Phạm Linh

Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện giãn cách xã hội, Hà Nội xác định đây là một việc mới, khó, chưa có tiền lệ, nên Thành phố đã nhanh chóng tiếp thu, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn, như việc giảm ùn tắc ở cửa ngõ, hoạt động vận chuyển hàng hóa, cấp phép cho các công trình xây dựng cấp thiết, đảm bảo an toàn... và sẽ tiếp tục điều chỉnh.

"Tinh thần là chủ động, bám sát thực tiễn, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là các quận, huyện, người đứng đầu các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống dịch", Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Người dân hãy khai báo y tế thường xuyên

Theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Liêm, thời gian qua Sở đã tuyên truyền rộng rãi cho người dân cẩn trọng và lưu ý khi chia sẻ các thông tin trên mạng xã hội, tránh chia sẻ thông tin chưa chính thống nhưng vẫn có những trường hợp đăng tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội Facebook, Zalo và đã bị xử phạt.

"Các cơ quan báo chí tuyên truyền mạnh đến người dân cần thận trọng trong chia sẻ thông tin, nhất là thông tin liên quan đến Covid", ông Liêm nhấn mạnh.

Ngoài ra, các cơ quan báo chí phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận thông tin chính thống để đưa tin chính xác, kịp thời, tránh việc đưa tin giật gân, không chính xác, tạo nên dư luận hoang mang không đáng có.

Sở Thông tin và Truyền thông đã tiếp nhận hệ thống công nghệ giúp truy vết F0, F1 và đang vận hành rất hiệu quả,

Sở cũng đề nghị người dân thường xuyên khai báo trên hệ thống y tế quốc gia. Đặc biệt là khi ho, sốt, từ đó Sở sẽ chuyển thông tin để ngành Y tế tiến hành tầm soát, xác định sớm, khoanh vùng nhanh.

Ngoài ra, người dân khi đi đến các địa điểm thì quét mã QRcode để có thể truy vết nhanh, khoanh vùng kịp thời nếu có trường hợp liên quan đến F0.

Chuẩn bị 30.000 chỗ thu dung F0 trong thời gian ngắn nhất

Ông Văn Phong cũng cho biết, Hà Nội đã đưa vào sử dụng một bệnh viện, trung tâm thu dung, điều trị những người mắc F0 thể nhẹ tại Đền Lừ, Hoàng Mai với quy mô 1.000 giường. Tới đây, sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động thêm 5.000 giường.

Thành phố Hà Nội trong thời gian ngắn nhất phải chuẩn bị 30.000 chỗ để thu dung, điều trị các ca F0 thể nhẹ.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có đề án, phân bổ thêm 2.500 giường bệnh cho Hà Nội; phối hợp với Thành phố thần tốc xây dựng bệnh viện dã chiến tại Hoàng Mai, với quy mô 500 giường.

Song song với đó, Thành phố cũng chỉ đạo các quận, huyện chủ động thêm mỗi đơn vị từ 3.000 - 5.000 giường cách ly F1.

Bên cạnh việc mua sắm trang thiết bị, bổ sung năng lực cho hệ thống y tế của Thành phố, Hà Nội cũng làm việc với các bệnh viện Trung ương, các bệnh viện tư nhân trên địa bàn để cùng phối hợp trong xét nghiệm cũng như điều trị các bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Theo GiaDinh