Vì sao kháng nghị hủy án Hồ Duy Hải bị bác bỏ ?

Cùng với việc bác bỏ 17 luận điểm kháng nghị của Viện KSND tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao còn cho rằng kháng nghị trái pháp luật, nên không có căn cứ để hủy án, điều tra lại vụ án Hồ Duy Hải.

vi-sao-khang-nghi-huy-an-ho-duy-hai-bi-bac-bo

Hội đồng thẩm phán công bố bản án giám đốc thẩm
ẢNH: AN VŨ

Chiều 8.5, sau gần 3 ngày xét xử, Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao đã công bố Quyết định giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (35 tuổi, ngụ Long An).

Theo đó, HĐTP nhận định việc tòa án 2 cấp kết án Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người là đúng tội, không oan, nên không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao hủy án, điều tra lại.

Bản án giám đốc thẩm do ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chánh án TAND tối cao, thay mặt HĐTP trình bày, lần lượt đề cập 17 vấn đề mà quyết định kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao nêu. Đây đồng thời cũng là căn cứ, lập luận để chứng minh Hồ Duy Hải không bị kết án oan.

“Có chứng cứ kết luận Hải có mặt tại hiện trường”

Kháng nghị của Viện KSND tối cao nêu cơ quan tố tụng kết luận việc Hải có mặt ở hiện trường là không có căn cứ bởi thiếu chứng cứ để chứng minh. Tuy nhiên, HĐTP cho rằng căn cứ vào lời khai của một số nhân chứng và của Hải, có việc chiếc xe máy xuất hiện ở bưu cục (Bưu điện Cầu Voi, Long An); lời khai của Hải phù hợp với lời khai của các nhân chứng về đặc điểm mái tóc của Hải (chẻ 2 mái), áo của Hải.

Lời khai của Hải cũng phù hợp với chị Ngân (người bán trái cây) về việc đưa tiền cho 1 trong 2 nạn nhân đi mua trái cây. Kết quả khám nghiệm hiện trường có 2 túi trái cây, phù hợp với lời khai của Hải và của chị Ngân.

Lời khai của Hải phù hợp với vị trí, các đồ vật có trong phòng; với những đặc điểm, màu sắc chỉ có mặt ở hiện trường mới có thể mô tả chính xác.

Có chứng cứ kết luận Hải có mặt tại hiện trường và kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao là không đúng”, HĐTP nhận định.

Kiểm điểm làm rõ các sai sót trong điều tra

Kháng nghị của Viện KSND tối cao cho rằng, các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ví dụ, khám nghiệm hiện trường nhưng không thu giữ vật chứng của vụ án. Cái thớt, chiếc ghế là vật chứng quan trọng và là vật mang dấu vết của tội phạm.

Khám nghiệm hiện trường đã ghi nhận, chụp ảnh, nhưng không thu giữ để truy nguyên là thiếu sót, vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Không giám định để xác định thời điểm chết của nạn nhân. Không trưng cầu giám định ngay dấu vết máu thu được khi khám nghiệm hiện trường mà để 4 tháng sau mới kết luận “mẫu dấu vết ghi thu ở ngoài cửa nhà sau và trong nhà vệ sinh Bưu điện Cầu Voi là máu người, không xác định được nhóm máu do đã bị phân hủy”…

HĐTP cho rằng những kiến nghị trên của Viện KSND tối cao là đúng, nhưng những sai sót này không làm thay đổi bản chất vụ án. Đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An tiến hành kiểm điểm làm rõ việc này.

Kháng nghị cho rằng Hải không thể có mặt ở Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây, nhưng HĐTP dẫn chứng về việc nhân chứng, có mặt ở bưu điện này trước thời điểm trên, khai có nhìn thấy thanh niên ngồi trên ghế salon.

Lời khai của Hải phù hợp với lời khai của nhân chứng, nên theo HĐTP, việc tòa 2 cấp kết luận Hải có mặt tại Bưu điện Cầu Voi khoảng 19 giờ 30 là có cơ sở, và kháng nghị là không có căn cứ.

Kháng nghị cho rằng Hải khai lần đầu đến Bưu điện Cầu Voi, nhưng lại mô tả được chi tiết các đồ vật có trong phòng là không hợp lý.

Tuy nhiên, HĐTP lập luận thời gian Hải có mặt tại hiện trường là 2 tiếng đồng hồ không phải là ngắn, Bưu điện Cầu Voi có diện tích nhỏ, nên việc có thể mô tả được chi tiết đồ vật có trong phòng là không mâu thuẫn.

HĐTP cũng thừa nhận lời khai của Hải có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với hiện trường. Tuy nhiên, HĐTP cho rằng các bản cung của Hải đều không bị bức cung, dùng nhục hình.

Trong nhiều bản cung, Hải khai do tâm lý sợ, muốn kéo dài thời gian sống nên bịa ra. Lời khai của Hải phù hợp với biên bản hiện trường, khi ảnh hiện trường có thớt. Hải khai không hiếp dâm nạn nhân là phù hợp, vì khám nghiệm âm đạo không có tinh trùng, nhưng khai có sờ soạng nạn nhân là phù hợp khám nghiệm.

Dao, thớt đi mua không nhằm thay thế vật chứng

Kháng nghị cho rằng 2 bản án 2 cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên xác định chiếc ghế được thu thập là công cụ phạm tội, nhưng thực tế chiếc ghế đó không liên quan vụ án.

Con dao và cái thớt thu giữ được do 2 nhân chứng cung cấp không có giá trị chứng minh về công cụ gây án của người phạm tội. HĐTP nhận định qua nghiên cứu 2 bản án, HĐXX không xác định chiếc ghế thu thập được là công cụ phạm tội. Viện KSND tối cao trích dẫn 2 bản án nêu trên để đưa vào kháng nghị là không đúng.

Tòa giám đốc thẩm lý giải về việc cơ quan điều tra mua dao và thớt trong vụ án Hồ Duy Hải - Thực hiện: Thái Sơn - Vũ Hân

Tại phiên tòa giám đốc thẩm, đại diện Viện KSND tối cao đã thừa nhận sai sót này và đề nghị đính chính kháng nghị. HĐTP cũng xác định việc mua dao, thớt là có thật, để phục vụ việc nhận dạng vật tương tự để thực nghiệm điều tra, không phải để thay thế vật chứng của vụ án, như kháng nghị của Viện KSND tối cao đã nêu.

HĐTP biểu quyết trước khi tuyên giám đốc thẩm

Trước khi công bố phán quyết giám đốc thẩm, trưa 8.5, HĐTP TAND tối cao gồm 17 vị, do Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa, đã lấy biểu quyết về từng vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, vụ án đã có những sai sót về tố tụng như đã nêu. Những sai sót đó có làm thay đổi bản chất vụ án hay không? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “không thay đổi bản chất vụ án”.

Thứ hai, bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải có đúng người, đúng tội, đúng mức án hay không? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “đúng người, đúng tội, đúng mức án”.

Thứ ba, Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17.5.2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực, thì Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSNDTC-V7 của Viện KSND tối cao có đúng pháp luật hay không? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “không đúng pháp luật”.

Thứ tư, chấp nhận kháng nghị, hủy 2 bản án phúc thẩm và sơ thẩm, trả hồ sơ điều tra bổ sung, hay không chấp nhận kháng nghị? Kết quả, 17/17 thành viên biểu quyết “không chấp nhận kháng nghị”.

Nhiều căn cứ khác trong kháng nghị của Viện KSND tối cao cũng bị HĐTP bác bỏ. Trong đó, kháng nghị cho rằng mẫu tàn tro thu được không có giá trị chứng minh vụ án.

Tuy nhiên, HĐTP nhìn nhận nếu không có lời khai của Hải về việc Hải đốt quần áo, chứng cứ vụ án tại 2 địa điểm cụ thể, thì không ai biết hiện trường nơi Hải thực hiện các hành vi đó.

Sau khi Hải khai, cơ quan điều tra mới đến và thu nhận tàn tro; và Hải khai mẩu da thu được là thắt lưng của Hải, mẩu vải sọc đen trắng là áo của Hải…

Do đó, HĐTP nhận định mẫu tàn tro này có giá trị chứng minh tội phạm. Tương tự, Hải thừa nhận đã chiếm đoạt các tài sản của nạn nhân và vẽ sơ đồ nơi tiêu thụ… phù hợp với lời khai của các nhân chứng, và theo HĐTP, chỉ có người tiêu thụ tài sản mới có thể biết các chi tiết trên, nên không nhất thiết phải điều tra lại.

Những thời khắc quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội

Phán quyết của HĐTP cho biết trong quá trình điều tra, truy tố xét xử, Hải đồng ý với các nội dung trong kết luận điều tra, đồng ý với các nội dung trong cáo trạng.

Tại phiên tòa sơ thẩm, chủ tọa phiên tòa thẩm vấn, bị cáo nhận tội. Khi luật sư, đại diện công tố hỏi, Hải lại khai không có hành vi giết các nạn nhân, không chiếm đoạt tài sản như cáo trạng truy tố, nhưng không lý giải thuyết phục.

Sau khi xét xử sơ thẩm, Hải có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Tại phiên tòa phúc thẩm, Hải có lúc nhận tội, có lúc không nhận tội. Sau xét xử phúc thẩm, Hải có đơn xin ân giảm hình phạt tử hình, không kêu oan.

Trước khi trình Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm hình phạt án tử hình, Viện KSND tối cao đã tiến hành xác minh, lấy lời khai của Hải trong trại giam. Hải nhận tội và tỏ ra ân hận về hành vi phạm tội của mình.

“Trong những thời điểm quan trọng, Hải đều thừa nhận hành vi phạm tội và mong muốn được giảm hình phạt”, HĐTP nhận định, đồng thời cho rằng không có cơ sở nào để chứng minh Hải ngoại phạm.

Bản án giám đốc thẩm nhiều lần nhấn mạnh quá trình điều tra, xét xử có một số thiếu sót, nhưng việc này không làm thay đổi bản chất vụ án. Do vậy, theo HĐTP, không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại theo kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Theo Thanh Niên

----

Xem thêm:

+Cái ch.ết bí ẩn của nhà nghiên cứu virus SARS-CoV-2 gốc Trung Quốc của ĐH Mỹ

+Chốt ngày xử phúc thẩm vụ học sinh Trường Gateway tử vong trên xe đưa đón

+3 người đàn ông được minh oan sau gần 40 năm: Án oan của cha, "án tử" của cả gia đình!

-----