Vì sao mẹ liên tục gần gũi, chăm sóc con 3 tháng tuổi mắc COVID-19 mà không bị lây?

Chúng tôi nhìn thấy đường lây truyền của loại virus này và biết rằng để hạn chế tối đa sự lây truyền, phải cắt được đường lây, TS Nguyễn Văn Lâm nói.

Tại buổi công bố khỏi bệnh và ra viện với trường hợp nhỏ tuổi nhất Việt Nam mắc COVID-19 ở Bệnh viện Nhi Trung ương sáng nay (20/2), TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Ngay khi tiếp nhận thông tin về dịch bệnh, đặc biệt khi tiếp nhận ca bệnh đặc biệt này, bản thân ông và các bác sĩ, nhân viên y tế phải xem lại những kiến thức y học virus SARS-CoV2 gây ra COVID-19.

"Chúng tôi nhìn thấy đường lây truyền của loại virus này và biết rằng để hạn chế tối đa sự lây truyền, phải cắt được đường lây. Do đó, khi người mẹ chăm sóc, tiếp xúc với bé được đeo khẩu trang, tránh giọt bắn của trẻ vào mắt, mũi, miệng, đường hô hấp…, thực hiện chế độ rửa tay sạch sẽ, đi găng tay, do đó, chúng tôi hạn chế, gần như chống được sự lan truyền virus con sang mẹ. Vì vậy, mẹ chăm sóc con và gần gũi con nhiều ngày nhưng vẫn không bị lây. Đồng thời, các nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân không bị lây nhiễm chéo do thực hành an toàn chuẩn chỉnh" – TS Lâm cho biết.

vi-sao-me-lien-tuc-gan-gui-cham-soc-con-3-thang-tuoi-mac-covid-19-ma-khong-bi-lay

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bé N.G.L (3 tháng tuổi, xác định dương tính COVID-19 hôm 11/2)

Cũng tại buổi công bố này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết dự kiến chiều mai (21/2), Bộ Y tế phối hợp ngành Y tế TP HCM, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM sẽ tổ chức lễ ra viện cho nam bệnh nhân là Việt kiều Mỹ 73 tuổi. Bệnh nhân này đã có ít nhất 3 lần âm tính với COVID-19, đủ điều kiện xuất viện. 

Với bệnh nhân còn lại (ca thứ 16 mắc COVID-19), tiến triển sức khoẻ tích cực, khả quan. 

Đến ngày hôm nay, 20/2, Việt Nam có 14/16 ca khỏi bệnh ra viện.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê đến nay trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc hiệu căn bệnh do virus corona gây ra. Phác đồ điều trị chủ yếu là triệu chứng, nhưng với tỉ lệ 15/16 ca đã âm tính (14 ca được xuất viện tính đến chiều nay) cho thấy, phác đồ điều trị của Việt Nam là hiệu quả.

Theo PGS Khuê, đây là những tín hiệu vui trong công cuộc phòng chống dịch COVID-19. Có được thành công này do Việt Nam đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp theo đúng tinh thần của Thủ tướng "chống dịch như chống giặc".

Ông Khuê cho biết, Bộ Y tế vẫn tiếp tục phân tuyến điều trị COVID-19. Với những bệnh nhân có triệu chứng không nặng, chưa diễn biến nặng thì giữ ở tuyến tỉnh điều trị. Tỉnh Thanh Hóa, Khánh Hòa đã giữ bệnh nhân điều trị tại tỉnh và họ đã thành công khi điều trị khỏi cho bệnh nhân. Do đó, chúng ta không cần tập trung bệnh nhân mắc COVID-19 về các trung tâm lớn.

vi-sao-me-lien-tuc-gan-gui-cham-soc-con-3-thang-tuoi-mac-covid-19-ma-khong-bi-lay

Bệnh nhi COVID-19 được mẹ bế lên xe về nhà sáng nay.

Với phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ và hậu cần tại chỗ), với sự chi viện của bác sĩ tuyến Trung ương sẽ giúp cơ sở tuyến tỉnh, huyện đáp ứng được điều trị cho người bệnh. Việc phân tuyến điều trị bệnh nhân COVID-19 tại các bệnh viện của Bộ Y tế như hiện nay là hợp lý, hiệu quả. 

"Người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh" - ông Khuê nói.

Tuy nhiên, theo ông Khuê, tình hình chung của thế giới, nước bạn Trung Quốc tình hình dịch còn căng thẳng. Tại Việt Nam, theo báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có rất nhiều chuyên gia, công nhân ở Trung Quốc tới đây sẽ quay lại làm việc. Trên thế giới, có những nước có điều kiện kinh tế tốt nhưng đã có bệnh nhân tử vong, các nước hàng xóm có những con tàu cập cảng có người bệnh cách ly. Việt Nam vẫn có bệnh nhân cách ly. 

"Với bối cảnh chung của Việt Nam và thế giới, chúng ta không chủ quan. Chưa kể virus corona gây COVID-19 là một virus mới, chưa thể biết hết cơ chế tiếp tục lây lan như thế nào. Vì thế, chúng tôi luôn trong tình trạng ứng trực, luôn luôn sẵn sàng", PGS.TS Lương Ngọc Khuê nói.

Theo GiaDinh