Vì sao thịt lợn nhập khẩu ngập tràn “chợ mạng”?

Mặc dù không xuất hiện nhiều ở các hệ thống bán lẻ nhưng thịt lợn nhập khẩu lại tràn ngập chợ mạng, với giá chỉ từ 90.000/kg móc hàm và khoảng 140.000 đồng/kg thịt thành phẩm…

vi-sao-thit-lon-nhap-khau-ngap-tran-cho-mang

Thịt ba chỉ nhập khẩu bắt mắt có giá 140.000 đồng/kg.

Thịt lợn nhập khẩu giá bình dân

Trong khi thịt lợn nhập khẩu khá vắng bóng hoặc chiếm một phần rất nhỏ trên kệ hàng của các "ông lớn" bán lẻ thì mặt hàng này lại được chào bán rộng rãi trên mạng xã hội.

So với mức giá thịt tươi tại siêu thị và chợ dân sinh, mức giá thịt lợn nhập khẩu khá thấp, chỉ từ 85.000 - 140.000 đồng/kg. Giá sẽ tốt hơn nếu người mua hàng với số lượng lớn.

Chị Nguyễn Thị Hường (35 tuổi, trú tại Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) biết đến thịt lợn nhập khẩu từ một tại khoản chào hàng trong nhóm cư dân trên mạng xã hội.

"Ban đầu tôi hơi e ngại vì nghĩ rằng giá trị dinh dưỡng sẽ không thể bằng thịt lợn mổ trong ngày nhưng giá cả rất hợp túi tiền, chỉ từ 140.000 đồng/kg đối với thịt ba chỉ. Khi dùng thử, tôi đã thay đổi quan điểm nhìn nhận của mình về thịt lợn nhập khẩu", chị Hường chp biết.

Theo ghi nhận của PV, mặt hàng thịt lợn nhập khẩu được bán trên "chợ mạng" có giá thấp hơn nhiều so với nguồn cung trong nước. Nickname Huong Ly - một kênh online bán thịt lợn nhập khẩu tại khu vực Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thịt lợn nhập khẩu đang được bán lẻ với mức giá từ 98.000 đồng/kg đối với nạc vai, sườn mềm 110.000 đồng/kg, ba chỉ 140.000 đồng/kg và mông, sấn là 108.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Ly - một kênh bán lẻ thịt lợn nhập khẩu ở khu vực Hà Đông cho biết: "Tôi chỉ bán mặt hàng thịt ba chỉ. Hàng nhập khẩu từ Nga, có giấy tờ kiểm định đầy đủ. Mặt hàng này được nhiều bà nội trợ lựa chọn vì giá cả hợp lý, chỉ 140.000 đồng/kg.

Hơn nữa, trong những bức hình chụp cận cảnh, khách có thể cảm nhận được mặt hàng thịt ba chỉ của tôi bán có ngon hay không.

Vì thế, khách hàng nhìn sản phẩm qua hình ảnh đều rất hài lòng. Khách hàng lần đầu tiếp cận mặt hàng này đều lăn tăn về chất lượng và để khách hàng an tâm, tôi sẵn sàng cho khách dùng thử. Nếu hàng không ngon, tôi sẵn sàng hoàn lại tiền, hoàn lại sản phẩm".

Ông Nguyễn Mạnh Thuyết (44 tuổi) - một kênh bán sỉ thịt lợn nhập khẩu trên địa bàn quận Hà Đông khẳng định, mặt hàng thịt lợn do ông phân phối được nhập khẩu từ Nga, có đầy đủ giấy tờ trước khi phân phối đến tay người tiêu dùng.

Ông Thuyết cho biết: "Giá tôi bỏ sỉ là 90.000 đồng/kg móc hàm. Tôi chắc chắn giá này thấp hơn ít nhất là 3 giá so với giá lợn móc hàm tại Hà Nội ở thời điểm này.

Sản phẩm được làm sạch sẽ, bạn chỉ việc cắt từng phần ra bán với giá riêng lẻ. Tôi bán sỉ với khối lượng ít nhất từ 3 tạ (300 kg) trở lên. Nhưng nếu có người lấy một hàm để bán thử thì tôi vẫn có thể để lại với giá 90.000 đồng/kg. Nếu mua từ 3 tạ trở lên thì tôi để giá tốt hơn".

Ông Thuyết cho biết, mặc dù văn phòng giao dịch ở La Khê (Hà Đông) đang phải đóng cửa nhưng kho hàng cấp đông được đặt tại huyện Chương Mỹ, nên khách hàng vẫn có thể nhập hàng bất kể lúc nào. Hàng hóa sẽ được xe tải vận chuyển đến tận nơi cho khách hàng.

Cần đưa thịt lợn vào danh mục bình ổn giá?

vi-sao-thit-lon-nhap-khau-ngap-tran-cho-mang

Thịt lợn nhập khẩu móc hàm được rao bán với giá 90.000 đồng/kg. Ảnh: TL

Trong bối cảnh giá thịt lợn không chịu "hạ nhiệt", ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, không nên đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa cần bình ổn giá.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, nếu đưa mặt hàng thịt lợn vào danh mục bình ổn giá để quản lý theo hình thức kê khai thì sẽ khó khăn đối với việc xác định các hộ kinh doanh bán lẻ.

Bởi mặt hàng này chủ yếu được bán tại các chợ dân sinh. Nếu thống kê ra thì trên cả nước có hàng trăn ngàn quầy thịt lợn.

Vẫn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, có nhiều nguyên nhân khiến giá thịt lợn ở mức cao, như hoạt động cung cầu, mất kiểm soát lưu thông. Nếu muốn ổn định giá thịt lợn, không còn cách nào khác là cân đối nguồn cung - cầu.

Đơn cử như tăng cường tái đàn để đảm bảo nguồn cung, tổ chức và kiểm soát khâu lưu thông theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu dùng là có thể ổn định cả về nguồn cung lẫn giá cả thịt lợn.

Tuy nhiên, trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú khẳng định, cần đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa bình ổn, được nhà nước định giá theo Điều 15 Luật Giá.

Bởi hiện nay, thịt lợn cũng giống như gạo tẻ, muối ăn, sữa, thuốc chữa bệnh… là mặt hàng thiết yếu trong các bữa cơm gia đình Việt.

Ông Phú cho hay: "Ta nên xem những bài học về bình ổn giá thịt lợn ở Trung Quốc. Trung Quốc đã chủ động dự trữ hàng trăm nghìn tấn thịt lợn lạnh, mua dự trữ ở trong cộng đồng một số lượng heo sống nhất định.

Thực tế khi có biến động về giá và ảnh hưởng của dịch bệnh, họ đã chủ động xuất kho lạnh ra để bán, góp phần bình ổn thị trường tiêu dùng.

Qua những tình hình nêu ở trên cho ta thấy, vấn đề bình ổn giá thịt lợn ở Việt Nam đã không đạt được những kết quả như mong muốn.

Nhất là thực trạng giá thịt lợn không chịu hạ nhiệt bất chấp "lệnh" của Chính phủ. Vì vậy, tôi cho rằng, giá thịt lợn nên và cần được nhà nước quản lý. Nhà nước chủ động dự trữ, nắm lực lượng hàng hóa mặt hàng thịt lợn một cách kiên quyết, mạnh mẽ và hiệu quả".

Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú cho rằng, người tiêu dùng cần thận trọng khi lựa chọn các mặt hàng thịt lợn gắn mác nhập khẩu giá rẻ. Khi chọn mua, người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc và chất lượng, giấy tờ…

Bởi trước đây, thịt nhập khẩu phân phối đến các nhà hàng được rã đông và chế biến chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, nếu thịt không được rã đông đúng cách dễ nhiễm vi sinh, giảm dinh dưỡng.

Bảo Loan

Theo GiaDinh