Vì sao thuốc Tam thất bột Phúc Hưng của Đông dược Phúc Hưng bị đình chỉ lưu hành?

Cục Quản lý dược có công văn yêu cầu đình chỉ lưu hành thuốc đông y Tam thất bột Phúc Hưng do không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có Công văn số 14424/QLD-CL gửi Sở Y tế TP Hà Nội, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM và Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng về việc xử lý thuốc Tam thất bột Phúc Hưng không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Công văn nêu rõ, kết quả kiểm nghiệm của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương về thuốc Tam thất bột Phúc Hưng, SĐK: VD-24513-16, số lô 041117, ngày sản xuất 21-11-2017, hạn dùng 21-11-2019 do Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn. Cục Quản lý Dược đã quyết định đình chỉ lưu hành trên địa bàn Hà Nội lô thuốc trên.

"Trong vòng hai ngày kể từ ngày ký công văn, Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng phối hợp với nhà phân phối thuốc phải gửi thông báo thu hồi đến các cơ sở bán buôn, bán lẻ và sử dụng thuốc Tam thất bột Phúc Hưng SĐK: VD-24513-16, số lô 041117, ngày sản xuất 21-11-2017, hạn dùng 21-11-2019 và tiến hành thu hồi lô thuốc này trên địa bàn TP Hà Nội", nội dung công văn nêu rõ.

Vì sao thuốc Tam thất bột Phúc Hưng của Đông dược Phúc Hưng bị đình chỉ lưu hành?

Công văn của Cục Quản lý dược về đình chỉ lưu hành thuốc Tam thất bột Phúc Hưng.

Cùng với đó, Công ty THNN Đông dược Phúc Hưng phải gửi báo cáo thu hồi về Cục Quản lý Dược và Sở Y tế TP Hà Nội trước ngày 14/8 bao gồm số lượng sản xuất, số lượng phân phối, ngày sản xuất, số lượng thu hồi. Các bằng chứng về việc thực hiện thu hồi tại các cơ sở bán buôn, bán lẻ, sử dụng đã mua thuốc theo quy định.

Đồng thời, Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng báo cáo tình hình sản xuất, tên và địa chỉ các cơ sở đã mua thuốc cùng số lượng cung cấp, lô thuốc 041117 về Cục Quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM.

Ông Nguyễn Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, yêu cầu Công ty TNHH Đông dược Phúc Hưng cần phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc nhà nước lấy ít nhất hai mẫu thuốc bổ sung.

Trong đó có mẫu tại cơ sở bán buôn đã cung cấp thuốc cho Công ty Dược phẩm Sài Thành (nơi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương lấy mẫu kiểm nghiệm) để gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoặc Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM kiểm tra chỉ tiêu chất lượng.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM ưu tiên tiến hành kiểm tra chất lượng đối với chỉ tiêu độ nhiễm khuẩn trong mẫu thuốc Tam thất bột Phúc Hưng được lấy bổ sung và thông báo kết quả kiểm tra chất lượng về Cục Quản lý Dược để xử lý tiếp theo.

Vì sao thuốc Tam thất bột Phúc Hưng của Đông dược Phúc Hưng bị đình chỉ lưu hành?

Một sản phẩm thuốc đông y Tam thất bột Phúc Hưng. Ảnh: Internet 

Tam Thất Bột Phúc Hưng là sản phẩm được chỉ định dùng bồi bổ cơ thể, nâng cao sức đề kháng, cầm máu, hành ứ, tiêu ứ, giảm đau, làm sạch máu hôi đối với người sau đẻ, cầm máu trong trường hợp chảy máu cam, lỵ ra máu, nôn ra máu, giảm đau trong trường hợp bị đòn tổn thương làm máu tụ dưới da, huyết dịch tích đọng thành khối. Hạn chế phát triển các khối u trong trường hợp bị ung thư, tiêu viêm trong các trường hợp bị viêm dạ dày, đại tràng.

Trước đó, Cục Quản lý Dược cũng có công văn số 14114/QLD- CL gửi Sở Y tế Đà Nẵng, Sở Y tế Lâm Đồng, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng về việc xử lý thuốc Kim tiền thảo không đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Công văn cho biết, căn cứ vào kết quả kiểm nghiệm của Trung tâm kiểm nghiệm TP Đà Nẵng do Sở Y tế Đà Nẵng gửi đến Cục Quản lý Dược liên quan đến thuốc viên bao phim Kim tiền thảo SĐK: VD-23471-15, số lô 020117, hạn dùng 04/02/20 do Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng sản xuất không đạt chất lượng về chỉ tiêu chất chiết được trong Ethyl acetat, Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc báo cáo tình hình sản xuất, tên và địa chỉ các cơ sở đã mua thuốc cùng số lượng cung cấp, lô thuốc 020117 về Cục Quản lý Dược, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, công ty cổ phần Dược Lâm Đồng cũng phải phối hợp với cơ quan kiểm tra chất lượng, cơ quan kiểm nghiệm thuốc Nhà nước lấy ít nhất 3 mẫu thuốc bổ sung, trong đó có một mẫu lưu tại công ty và 2 mẫu tại các cơ sở bán buôn khác để gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoặc Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh kiểm tra chỉ tiêu chất lượng.

Theo VietQ