VIDEO: Phi công người Anh mỉm cười, bắt tay bác sĩ BV Chợ Rẫy

Theo bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, thực hiện được đầy đủ các y lệnh của nhân viên y tế.

Bệnh nhân 91 đã có thể mỉm cười, bắt tay bác sĩ

Tối 2/6, BSCK II Trần Thanh Linh - Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết, sau buổi hội chẩn cùng Tiểu ban điều trị phòng chống dịch COVID -19 của Bộ Y tế hôm 29/5 và áp dụng các phương án điều trị theo tinh thần hội chẩn, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân 91 đã có nhiều cải thiện. 

Hiện tại, về mặt tri giác, bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, có thể tiếp xúc, thực hiện được đầy đủ các y lệnh của nhân viên y tế. 

Bệnh nhân cũng có thể mỉm cười, lắc đầu hoặc bắt tay với nhân viên y tế. Sức cơ tay và chân của người bệnh cũng đã cải thiện, như sức cơ của chi trên từ 1/5 lên 3/5, sức cơ của chân cũng đã cải thiện từ 1/5 lên 2/5. Phản xạ ho sặc cũng đã tốt hơn. Chức năng hô hấp của bệnh nhân cũng cải thiện dần, oxy máu cũng đã ổn định. 

Về mức độ nhiễm trùng, các thông số về nhiễm trùng như bạch cầu, CRP, Procalcitonin đã dần dần trở về mức gần bình thường. 

Về chức năng thận của bệnh nhân, sau một tuần đã không cần phải lọc máu nữa và các chỉ số gần như ở mức bình thường. 

Về chức năng gan cũng cải thiệt rất tốt và gần như trở lại bình thường. Các kết quả cấy gần nhất về vi trùng Burkhoderia Cepacia dù vẫn còn có vi trùng ở trong đàm nhưng số lượng vi trùng cũng giảm. 

video-phi-cong-nguoi-anh-mim-cuoi-bat-tay-bac-si-bv-cho-ray

Bệnh nhân 91 đã có thể mỉm cười, lắc đầu hoặc bắt tay với nhân viên y tế.

Theo bác sĩ Trần Thanh Linh, trong hai ngày qua, các thông số của ECMO của bệnh nhân được giảm dần và đến chiều ngày 1/6 đã cai các thông số ECMO. 

Tuy nhiên, dù oxy máu bệnh nhân cải thiện khá tốt, đạt tiêu chuẩn của việc cai ECMO nhưng nồng độ khí CO2 trong máu vẫn còn cao. 

Do vậy, để đánh giá bệnh nhân có cai được ECMO hay không thì cần phải tiến hành từng bước nên có thể trong thời gian tới, nếu diễn tiến của bệnh nhân gặp nhiều thuận lợi thì cũng cần ít nhất vài ngày nữa mới có thể tiến hành cai ECMO. 

Ở thời điểm hiện tại, việc cai ECMO chỉ được tiến hành từng bước, từng bước và tập luyện dần để có thể sớm thực hiện cho bệnh nhân.

Về hình ảnh tổn thương phổi, X-quang phổi của bệnh nhân ngày 25/5 là xơ hết cả hai bên phổi, tất cả đông đặc, đặc biệt là tình trạng yếu liệt của cơ hoành, nên bệnh nhân gần như lệ thuộc hoàn toàn vào ECMO.

Nhưng kết quả trên X-quang phổi của ngày 2/6 cho thấy hình ảnh của xơ phổi cũng như tổn thương đông đặc phổi ở bên trái đã khá hơn rất nhiều, hơn ½ của phổi bên trái đã cải thiện gần như hoàn toàn. 

Tình trạng yếu liệt cơ hoành so với trước đó cũng đã cải thiện hơn, không còn đẩy cơ hoành lên cao nữa. Đặc biệt, phổi phải cũng bắt đầu có cải thiện về mặt chức năng hô hấp. 

Do đó, đây cũng là thời điểm thích hợp để có thể từng bước giảm dần các thông số của ECMO và tiến đến cai ECMO cho bệnh nhân.

video-phi-cong-nguoi-anh-mim-cuoi-bat-tay-bac-si-bv-cho-ray

Phi công nhiễm COVID-19 được bác sĩ hỗ trợ uống nước.

Trong những ngày tới, việc đánh giá bệnh nhân có thể cai ECMO sớm nhất sẽ được ưu tiên hàng đầu nhằm hạn chế những nguy cơ cũng như các biến chứng do phải duy trì việc sử dụng ECMO kéo dài. 

Bệnh nhân cũng sẽ tiếp tục được sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm trùng của vi khuẩn Burkholderia Cepacia và phòng ngừa những nguy cơ có thể nhiễm khuẩn mới. Song song đó, bệnh nhân sẽ tiếp tục được tập vật lý trị liệu tích cực để sớm phục hồi cải thiện về sức cơ cũng như chức năng hô hấp, dinh dưỡng cũng phải đảm bảo đầy đủ. 

Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng phải cân bằng đầy đủ rối loạn nước điện giải để tránh nguy cơ tổn thương thận có thể tái phát trở lại.

Vẫn theo bác sĩ Trần Thanh Linh, dù mục tiêu đầu tiên là phải làm sao cai được ECMO cho bệnh nhân nhưng với trường hợp tổn thương phổi đặc thù nhiễm virus SARS-CoV-2 này, tổn thương xơ phổi đặc biệt là giai đoạn này xơ hóa phổi thường nặng.

Do đó, dù có thể cai được ECMO nhưng bệnh nhân vẫn có thể phải phụ thuộc rất lâu với việc thở máy. Sau đó, việc cai máy thở cũng là vấn đề khó khăn, có thể cần thời gian 1 tháng hoặc dài hơn nữa. 

Vì vậy, dù bệnh nhân có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn nặng và cần rất nhiều thời gian để tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân 91 phát hiện mắc COVID-19 hôm 18/3, sốt cao liên tục từ khi nhập viện Nhiệt đới TP HCM.

Tới sáng 6/4, do tình trạng suy hô hấp nặng, bệnh nhân được đặt ECMO (tim phổi nhân tạo). Bệnh nhân có yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng, các bác sĩ đã phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về điều trị cho bệnh nhân này.

Bệnh nhân cũng có chỉ định ghép phổi. Đây là bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch duy nhất hiện nay ở nước ta.

Kim Vân

Theo GiaDinh

----

Xem thêm:

+Người phụ nữ đi đường mòn từ Trung Quốc vào Việt Nam nghi nhiễm COVID-19 đã có kết quả xét nghiệm lần 2

+Em bé 1 tuổi xét nghiệm 4 lần mới phát hiện mắc COVID-19, ca thứ 328 ở Việt Nam

+Em bé bị bắt cóc dương tính với COVID-19, cả nhà kẻ bắt cóc phải cách ly

------