Việt Nam ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu cho hơn 750 ca thành công



Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc năm 2019.

Hội nghị lần thứ 5 này được Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức trong hai ngày 23-24/4.

TS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho hay, tại Việt Nam, các nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc tạo máu, tế bào gốc trung mô cũng như các sản phẩm từ tế bào gốc đã có những bước tiến vượt bậc, được đánh giá cao.

viet-nam-ghep-te-bao-goc-dieu-tri-benh-mau-cho-hon-750-ca-thanh-cong

Kỹ thuật viên đang lấy mẫu tế bào gốc được lưu trữ ở nhiệt độ âm 196 độ C tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Ảnh: TL

Việc thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị triệt để nhất để giúp cho bệnh nhân bệnh máu ác tính cũng như lành tính, di truyền có thể khỏi bệnh và có cuộc sống bình thường” – TS Khánh cho biết.

Hiện cả nước có 9 trung tâm thực hiện ghép tế bào gốc tạo máu. Đến nay, đã thực hiện được hơn 750 ca ghép tế bào gốc điều trị bệnh máu thành công.

Riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, năm 2006, ca ghép tế bào gốc tự thân đầu tiên cho bệnh nhân đa u tủy xương đã được Viện thực hiện thành công.

Đến tháng 5/2008, Viện tiếp tục thành công với ca ghép tế bào gốc đồng loại đầu tiên, đánh dấu một kỷ nguyên mới: Đưa ghép tế bào gốc trở thành một phương pháp điều trị đầy triển vọng đem lại cơ hội khỏi bệnh cho các bệnh nhân mắc bệnh lý huyết học tại Viện.

Tháng 12/2014, Viện tiến hành ca ghép đồng loại không cùng huyết thống đầu tiên sử dụng mẫu máu dây rốn của Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng

Đến nay, Viện đã thực hiện được 356 ca ghép tế bào gốc và gần 4.000 mẫu máu dây rốn cộng đồng.

Mỗi ngày, Ngân hàng Tế bào gốc của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tiếp nhận và xử lý được khoảng 4 - 6 mẫu máu dây rốn. Các mẫu máu dây rốn sẽ được đánh giá, sàng lọc để chọn được những đơn vị tốt nhất, liều tế bào cao nhất để lưu trữ phục vụ cho tìm kiếm và ghép.

Trên thế giới, từ những năm 50 của thế kỷ trước, việc nghiên cứu, ứng dụng tế bào gốc trong y học đã được coi là một bước đi đột phá, tạo ra cơ hội phát triển mới cho nền y học.

Trong quá trình phát triển đó, công nghệ tiến bộ này đã được ứng dụng rộng rãi, có thể chữa trị được một số bệnh mà trước đây chưa làm được như: Ghép tế bào gốc chữa các bệnh máu (ác tính, lành tính, di truyền), hỗ trợ trong điều trị ung thư và các bệnh lý khác như: Cơ xương khớp, Thần kinh, Hô hấp, Tim mạch….

Hội nghị khoa học về Tế bào gốc toàn quốc được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Năm 2019, với sự tham gia của đại biểu trong và ngoài nước, Hội nghị sẽ cập nhật nhiều tiến bộ mới về kỹ thuật ghép như: Kỹ thuật ghép nửa hoà hợp; Kỹ thuật ghép từ nguồn tế bào gốc dây rốn cộng đồng và ghép nửa hoà hợp…

Theo GiaDinh