Vợ có được quyền nuôi cả hai con khi ly hôn hay không?

Việc nuôi con sau khi ly hôn được quy định rõ trong luật Hôn nhân và gia đình, Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Công ty Luật An Ninh tư vấn cụ thể.

Vợ có được quyền nuôi cả hai con khi ly hôn hay không?

Hỏi:

Tôi và chồng kết hôn từ năm 2009 và có 2 cháu. Năm nay, cháu lớn 8 tuổi, cháu bé 2 tuổi. Do nhiều khúc mắc không thể giải quyết, tình cảm hai vợ chồng không còn nên tôi muốn ly hôn. Tôi làm may tại nhà còn chồng thì làm lái xe nên thường xuyên vắng nhà, gia đình chồng lại ở xa. Luật sư cho tôi hỏi, nếu ly hôn thì tôi có được quyền nuôi cả hai cháu không?

Thanh Hà (TP. Đà Nẵng)

Vợ có được quyền nuôi cả hai con khi ly hôn hay không?

Việc nuôi con sau ly hôn được quy định rõ trong luật Hôn nhân và gia đình (Ảnh minh họa)

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục con sau khi ly hôn thì:

“2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của các con”.

Vợ có được quyền nuôi cả hai con khi ly hôn hay không?

Luật sư Lê Thị Hồng Vân - Công ty Luật An Ninh (Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)

Như vây, theo quy định của pháp luật thì khi ly hôn, quyền nuôi con sẽ được ưu tiên thực hiện theo thỏa thuận của cha mẹ. Trường hợp cha mẹ không thể thỏa thuận được thì sẽ do Tòa án quyết định người trực tiếp nuôi con.

Trường hợp quyền nuôi con do Tòa án chỉ định, con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi. Như trường hợp của bạn, cháu thứ hai năm nay 2 tuổi. Nếu ly hôn thì Tòa án sẽ trao quyền nuôi cháu cho mẹ, trừ trường hợp ngưởi mẹ không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Còn đối với cháu lớn, năm nay cháu đã 8 tuổi. Theo quy định trên thì khi chỉ định người nuôi con, Tòa án sẽ xem cét đến nguyện vọng của cháu là muốn ở với bố hay ở với mẹ.

Ngoài việc tuân theo các quy định trên thì Tòa án cũng phải xem xét đến các yếu tố khác để đưa ra quyết định:

- Điều kiện về vật chất bao gồm: Ăn, ở, sinh hoạt, điều kiện học tập mà mỗi bên dành cho con. Yếu tố đó dựa trên thu nhập, tài sản, chỗ ở của cha, mẹ.

- Các yếu tố về tinh thần bao gồm: thời gian chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục con, tình cảm dành cho con, điều kiện cho con vui chơi, giải trí, trình độ học vấn của cha, mẹ.

Như vậy, nếu muốn dành quyền nuôi các con, bạn phải chứng minh cho Tòa án thấy khả năng và điều kiện tốt nhất mà bạn sẽ dành cho các con như: tình hình sức khỏe, điều kiện về chỗ ở, việc làm, thu nhập hàng tháng, điều kiện chăm sóc, giáo dục các con.

Theo GiaDinhVietNam