Vụ 39 người chết trong thùng container ở Anh: Toàn bộ là người Việt

Các nạn nhân ngụ ở các tỉnh, thành: Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Dự kiến sáng nay (8-11) có danh tính cụ thể và sau đó sẽ đưa thi thể về sân bay Nội Bài

Tối 7-11, Bộ Công an thông báo sau thời gian tích cực phối hợp, kiểm tra nhận dạng, đến 20 giờ ngày 7-11, bộ và cơ quan thực thi pháp luật của Anh xác định 39 nạn nhân thiệt mạng trong container ở hạt Essex, London - Anh, ngày 23-10 đều là người Việt Nam.

Không còn hy vọng

39 công dân này có hộ khẩu thường trú tại Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Công tác khám nghiệm tử thi với 39 nạn nhân (31 nam, 8 nữ) đang được tiến hành nhằm xác định nguyên nhân tử vong.

Bộ Ngoại giao cũng phát đi thông báo tương tự vào tối cùng ngày. Bộ này cho biết đoàn công tác liên ngành của Việt Nam sang Vương quốc Anh từ ngày 3-11 đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Anh để đẩy nhanh quá trình xác minh danh tính nạn nhân và giải quyết sớm nhất các công việc hậu sự.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết có thể ngày 8-11 sẽ có danh tính 39 nạn nhân. "Hai bên (Việt Nam và Anh - PV) cũng đang đàm phán về phương án đưa thi thể các nạn nhân về nước" - ông Bùi Thanh Sơn nói.

Thông tin 39 nạn nhân đều là người Việt cũng đã đến với các gia đình có người thân mất liên lạc khi sang Anh. Hy vọng mỏng manh về sự sống sót hầu như đã tắt. Anh H., ngụ xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, có em trai là C.T.D, mất liên lạc khi trên đường sang Anh, đau xót: "Trước đó, gia đình tôi cũng nhận được điện thoại từ cảnh sát Anh thông báo em tôi nghi là một trong những nạn nhân gặp nạn ở Anh. Tôi nghĩ chắc điều xấu nhất đã xảy ra với em tôi rồi. Hôm nay, nghe tin này thì gia đình chẳng còn hy vọng nào nữa".

Tối 7-11, người thân, làng xóm cũng tập trung rất đông tại nhà ông N.Đ.G (ngụ xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), có con là N.Đ.L, mất liên lạc nhiều ngày nay tại Anh, để chia sẻ, động viên. "Giờ tôi không muốn nói gì cả, mọi việc chúng tôi đã xác định rồi, hiện nguyện vọng của gia đình là mong đưa thi thể cháu về nước" - ông G. nghẹn ngào.

Tối cùng ngày, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết đến nay, tỉnh này chỉ mới nhận được thông tin có người ở địa phương bị nạn tại Anh nhưng chưa biết cụ thể nhân thân.

Ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế, cũng cho biết đang chờ thông báo chính thức từ các cơ quan trung ương. Theo ông Phú, ngày 28-10, gia đình ông N.B.T. (ngụ tổ 19, phường Vỹ Dạ, TP Huế) đến Sở Ngoại vụ tỉnh Thừa Thiên – Huế trình báo việc mất liên lạc với con trai là anh N.B.V.H. (SN 1986) từ ngày 23-10. Anh H. đi xuất khẩu lao động tại Hungary từ năm 2018. Gia đình ông T. đang chờ thông tin từ cơ quan chức năng.

vu-39-nguoi-chet-trong-thung-container-o-anh-toan-bo-la-nguoi-viet

Nhiều gia đình ở Nghệ An đang nóng lòng chờ đợi thông tin về người thân mất tích tại Anh Ảnh: ĐỨC NGỌC

Lập phương án hỗ trợ các gia đình nạn nhân

Sáng 7-11, tại cuộc giao ban báo chí định kỳ, đại tá Lê Xuân Hoài, Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, thông tin: Theo thống kê ban đầu, 24 gia đình ở địa phương trình báo có người thân mất liên lạc. Tuy nhiên, sau đó có 3 gia đình rút đơn vì đã liên lạc được với người thân.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, còn 21 gia đình, gồm: Huyện Diễn Châu 7 người, Yên Thành 7 người, TP Vinh 3 người, Nghi Lộc 2 người, Hưng Nguyên và thị xã Cửa Lò mỗi địa phương 1 người.

Về việc tiếp nhận các thi thể nạn nhân ở Anh khi có danh tính cụ thể, đại tá Hoài thông tin: "Khi có thông báo chính thức, chúng tôi sẽ phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Công an có phương án nhận thi thể các nạn nhân từ sân bay Nội Bài (Hà Nội) để đưa về bàn giao cho gia đình mai táng".

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động vào chiều 7-11, ông Hoàng Danh Truyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, nói: "Chúng tôi đã thành lập 3 tổ công tác sẵn sàng hỗ trợ gia đình các nạn nhân đưa thi thể người thân về khi đã xác định được danh tính".

Còn tại tỉnh Hà Tĩnh, theo ông Bùi Huy Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc, trên địa bàn huyện có 8 gia đình trình báo người thân mất liên lạc khi sang Anh. Chính quyền đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ tối đa gia đình các nạn nhân sau khi xác định danh tính. "Nếu trong trường hợp thi thể đưa về sân bay Nội Bài, huyện sẽ cùng các gia đình ra Hà Nội đưa thi thể các nạn nhân về quê". 

Thủ tướng có thư chia buồn

Tối 7-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có thư chia buồn với các gia đình có người thân tử vong ở Anh.

Trong thư, Thủ tướng viết: Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến những bậc ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, con cháu, người thân của các nạn nhân đã thiệt mạng tại nước Anh xa xôi. Đây không chỉ là nỗi đau thương vô hạn của gia đình người thiệt mạng mà cũng là nỗi đau chung của cả cộng đồng, của từng trái tim người Việt Nam và nhân dân thế giới.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các cơ quan, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Anh để khẩn trương xác định danh tính nạn nhân, thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết, sớm đưa các nạn nhân trở về.

Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành vi mua bán người, đưa người ra nước ngoài bất hợp pháp và kêu gọi các quốc gia trong khu vực và thế giới tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, kiên quyết phòng, chống tận gốc loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này; đồng thời sớm hoàn tất điều tra, truy tố, xét xử để nghiêm trị những kẻ phạm tội.

Chính phủ Việt Nam trân trọng cảm ơn những người dân Anh, kiều bào ở Anh và các nước trên giới đã quan tâm, chia sẻ, bày tỏ lòng tiếc thương đối với các nạn nhân trong vụ việc này.

"Với lòng tiếc thương vô hạn, tôi xin chia sẻ mất mát to lớn này với gia đình các nạn nhân và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, người dân địa phương và cả nước chia sẻ, động viên, hỗ trợ để các gia đình nạn nhân sớm vượt qua nỗi đau thương không gì bù đắp được" - Thủ tướng bày tỏ ở cuối thư.

T.Dũng

Rất đáng thương, đừng lên án họ!

Tối qua, từ Anh quốc, trao đổi với Báo Người Lao Động, PGS-TS Nguyễn Đức An ( nhà nghiên cứu và giảng dạy về vai trò báo chí trong các vấn đề toàn cầu ở Đại học Bournemouth) bình luận:

"Thông tin 39 người chết trong thùng xe container khi nhập cảnh Anh quốc bị phát hiện hôm 23-10 nay được Cảnh sát Anh và Công an Việt Nam xác định đều là người Việt khiến cộng đồng người Việt Nam chúng tôi ở Anh bàng hoàng thêm, dù không quá bất ngờ.

Đối với 39 gia đình nạn nhân, thông tin này làm tắt nốt những hy vọng mong manh về người thân của họ. Tôi nghĩ là họ đau đớn lắm. Ngay cả những người Việt ở Anh mà tôi biết cũng sốc đến mức không ngủ nổi.

Di cư để mưu sinh là quyền chính đáng của con người. Dù đi bằng hình thức nào, khi gặp phải thảm kịch đến mức phải bỏ mạng trên đất khách thì họ cũng đều là nạn nhân, rất đáng thương. Đừng lên án họ!

Cá nhân tôi là nhà nghiên cứu, đã cảnh báo nhiều về nạn di cư bất hợp pháp và buôn lậu lao động. Theo tìm hiểu của tôi, số người Việt sang Anh kiểu như thế chưa bị phát hiện trong thực tế nhiều hơn bởi có hàng ngàn xe tải vào Anh mỗi ngày. Bi kịch Essex này một lần nữa nhắc nhở người Việt về tư tưởng vọng ngoại, đừng ảo mộng nữa!".

"Vì sao người Việt nhập cảnh Anh bất hợp pháp thường được tuyển vào trồng cần sa, trong khi Cảnh sát Anh có thể truy quét được những địa chỉ đó mà họ không sợ?". Trả lời câu hỏi này, PGS-TS Nguyễn Đức An giải thích: "Luật ở anh cấm trồng và buôn bán, sử dụng cần sa; do đó mặt hàng này rất đắt, người trồng vì thế được trả tiền công cao. Những điểm trồng lén thường rất tinh vi, trồng trên mái nhà hay dưới hầm, cảnh sát không dễ phát hiện. Từ thực tế này, ở Anh đang có đề nghị nới lỏng điều luật về cần sa, nên xem nó là một thứ dược liệu được phép lưu hành, để qua đó góp phần chống lại nạn nhập cảnh và lao động bất hợp pháp".

P.V ghi

ĐỨC NGỌC - NGUYỄN HƯỞNG - DƯƠNG NGỌC - QUANG NHẬT

Theo NLĐ