Vụ đề xuất "siêu dự án" du lịch tâm linh ở Chùa Hương: Hàng loạt chuyên gia đưa ra cảnh báo

Sau khi báo chí thông tin về việc doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất làm dự án Khu du lịch tâm linh Hương Sơn rộng 1.000 ha ở chùa Hương (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) với nhiều hạng mục hoành tráng, hàng loạt chuyên gia, nhà quản lý đã đưa ra những cảnh báo đáng lưu ý.

Như báo Gia đình và Xã hội đã đưa tin, ngày 25/7/2018 vừa qua, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có công văn số 212/CV-DNXT gửi Thành ủy và UBND TP. Hà Nội xin phép đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn với mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng.

vu-de-xuat-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-o-chua-huong-hang-loat-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao

Hội Chùa Hương ở Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội

Tại công văn này, Doanh nghiệp Xuân Trường đề xuất: "Chùa Tam Chúc nằm sát với Chùa Hương Hà Nội, chính vì vậy doanh nghiệp muốn xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội ở giữa chùa Tam Chúc và chùa Hương, với diện tích 1.000ha bao gồm núi đá, cỏ cây và đầm lầy. Doanh nghiệp khẳng định rằng nếu thành phố Hà Nội đồng ý chúng tôi sẽ đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng gồm các hạng mục chính:

1. Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy khoảng 20km (giống Tràng An).

2. Khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo trong khu vực.

3. Xây dựng một tháp đá mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao 100m để thờ Xá Lợi Phật (tâm điểm là tháp đá đỏ Granit).

4. Xây dựng hệ thống dịch vụ, khách sạn, nhà hàng.

Tuy nhiên, sau khi thông tin trên được báo chí đăng tải, nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về "siêu dự án" này.

vu-de-xuat-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-o-chua-huong-hang-loat-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao
 
vu-de-xuat-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-o-chua-huong-hang-loat-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao

Công văn của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường xin phép đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn

TS Phan Đăng Long (nguyên Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội): "Đừng để có một “chùa Bái Đính ở ngay chùa Hương"

"Chùa Hương là cả một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam, gồm hàng chục ngôi chùa thờ Phật, vài ngôi đền thờ thần, các ngôi đình thờ tín ngưỡng nông nghiệp đã tồn tại từ rất lâu đời. Chính nhờ đặc điểm đặc trưng vốn có nên hàng năm, người dân hành hương về đây rất đông. Đây chính là lý do khiến nhiều doanh nghiệp muốn được vào đầu tư, khai thác để kiếm lợi. 

Vì thế, quá trình quy hoạch, xây dựng, các cơ quan quản lý phải rất thận trọng, cân nhắc, tránh những tác động mạnh gây phá vỡ cấu trúc cảnh quan, làm ảnh hưởng tới hình ảnh linh thiêng vốn có của nơi này. Người dân hành hương tới đây không chỉ vì Chùa Hương là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng trong nước và ngoài nước mà đây còn là di tích, danh thắng quốc gia đặc biệt. Sự đặc biệt của Chùa Hương là nhờ có thiên nhiên cảnh quan, có núi non, di tích, có vẻ đẹp của dòng suối Yến, có nhiều động đá... mà một khi bị mất đi sẽ không thể lấy lại được.

vu-de-xuat-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-o-chua-huong-hang-loat-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao

Cổng chính của Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao đang trong quá trình khởi công

Với đề xuất tại Chùa Hương, tôi lo lắng sẽ có một dự án thương mại lấp sau danh nghĩa du lịch tâm linh mọc lên và rất có thể sẽ lại có những công trình bê tông hóa, sắt thép hóa khô cứng, bí bách, lạnh lẽo.

Nếu những người xem xét đánh giá đề xuất trên lại không có đủ trình độ chuyên môn, thiếu hiểu biết về văn hóa tín ngưỡng mà phê duyệt dự án một cách vội vàng, thiếu cẩn trọng thì rất có thể sẽ có thêm một công trình lai căng, mất hẳn tính bản sắc truyền thống. Rất đáng lo ngại!".

vu-de-xuat-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-o-chua-huong-hang-loat-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao

Khu vực giáp ranh giữa khu du lịch là địa phận Hà Nội. Hiện Xuân Trường đang cho xây cổng chắn.

Ông Nguyễn Trọng Tuệ, Chủ tịch Câu lạc bộ Phong thủy Thăng Long - Hà Nội: "Không phải xây dựng mà bảo tồn tự nhiên mới là tốt"

"Suối Yến quan trọng nhất là yếu tố cảnh quan thiên nhiên, văn hóa, lịch sử - một nét văn hóa đã ăn sâu vào trong tiềm thức người dân. Người ta có quan niệm rằng, cứ đi Chùa Hương là phải đến Bến Đục, phải đi đò dọc, phải đi qua Suối Yến. Nếu nạo vét, khơi thông để đi đường khác thì không còn ý nghĩa gì nữa.

Về phong thủy, trong cuốn sách từ thời Lê “An Nam Cửu Long Kinh”, địa mạch Quốc gia ta có phân ra ba đại chi. Khu vực phía bắc từ Tam Điệp, Ninh Bình ngược về phía bắc. Theo đó, địa mạch từ Lào Cai đổ về và chia ra làm ba chi. Trung chi chính là Thăng Long, Hà Nội; tả chi đổ ra hướng các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh; hữu chi là đổ về Ninh Bình, Tam Điệp, gọi là trấn sơn nam, là Thanh Long. Mỗi chi lại có thêm ba nhánh, tổng hợp lại gọi là Cửu Long Kinh, là chín nhánh long mạch. Trong đó, Chùa Hương nằm ở hữu chi. Mạch Chùa Hương là cả một đại mạch lớn. Phía dưới là kinh đô Hoa Lư, Ninh Bình, chính là Tràng An.

Thông thường theo đại cục thì có trung tâm cho đến tả thanh long, hữu bạch hổ. Tôi cho rằng nếu tác động vào mạch Chùa Hương thì có nghĩa là tác động lên Bạch Hổ, khi động thì đương nhiên giữa là Thăng Long, Hà Nội sẽ động. Giống như khi dùng sắt chọc vào chân, tay sẽ tác động đến thần kinh là đau. Trong phong thủy có quy định, Thanh Long là cát thần, chủ về văn, nam, trưởng. Còn Bạch Hổ là chủ về hung thần, võ, nữ, thứ. Nếu tác động vào suối Yến, có nghĩa là hung thần bị kích động, sẽ sinh biến loạn. Tất cả những gì tác động không tốt vào khu vực Chùa Hương thì đều ảnh hưởng hết vào trung tâm.

vu-de-xuat-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-o-chua-huong-hang-loat-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao

Đồ họa khu vực dự án được đề xuất

Hơn nữa trong thế đất Chùa Hương, có động Hương tích thế núi ôm lấy động, suối Yến chảy từ trong dãy núi ra và có rất nhiều chi lưu đổ dồn về. Như vậy động Hương Tích là đại huyệt phong thủy “phong thủy bảo địa”. Nếu doanh nghiệp nạo vét mà tác động vào suối Yến bằng bất kể hình thức nào thì sẽ làm cho khí mạch của huyệt bị thay đổi và suy giảm đi. Hệ lụy dẫn đến là ảnh hưởng tới địa mạch quốc gia. 

Địa mạch từ Hương Tích, Hoa Lư, Tràng An thuộc về hữu chi của thành Thăng Long (Hà Nội). Suy ra chính là địa mạch quốc gia cần được bảo vệ, tránh tác động.

Ngoài vấn đề tác động vào suối Yến thì còn có sự tác động tổng hợp. Thứ nhất là tác động đến văn hóa, lịch sử; thứ hai tác động đến cảnh quan, thiên nhiên; thứ ba là tác động đến phong thủy, tâm linh…, mà chỗ đó là đất Phật cả nước hướng về. Bởi vậy không phải xây mới đền đài là tốt mà phải bảo tồn thiên nhiên mới tốt.

vu-de-xuat-sieu-du-an-du-lich-tam-linh-o-chua-huong-hang-loat-chuyen-gia-dua-ra-canh-bao

Du khách đi đò trên suối Yến

Trong tâm thức của người dân, đi chùa Hương là một truyền thống. Chùa Hương không phải có quy mô lớn, tại sao thu hút được khách như thế? Chính là vì cảnh quan, tâm linh, nét văn hóa, trong đó có văn hóa truyền thống mà đặc trưng là du xuân, trẩy hội. Trẩy hội Chùa Hương là phải theo quy trình từ bến Đục đến suối Yên, đi đò dọc… Nếu Doanh nghiệp Xuân Trường đục thông rồi rẽ nhánh ra một hướng khác dẫn đến cạn nước thì sẽ tác động đên một giá trị văn hóa đã tồn tại bao đời".

PGS.TS Lê Quý Đức (Viện Văn hóa và Phát triển): "Phải tôn trọng tính nguyên trạng của di sản"

"Chùa Hương là một di sản văn hóa lâu đời của người Việt, gắn liền với đời sống tâm linh của nhiều thế hệ nên việc can thiệp vào di sản phải hết sức cân nhắc, bắt buộc phải đảm bảo yếu tố hàng đầu là tôn trọng nguyên trạng của di sản. Phải đặt ra là đầu tư chục ngàn tỷ vào đây thì đã cần thiết hay chưa? Dù là tiền của tư nhân nhưng phát triển di sản phải đảm bảo hài hòa, theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước".

Doanh nghiệp xin đầu tư 15.000 tỷ xây khu du lịch tâm linh Hương Sơn, nhiều chuyên gia và người dân lo lắng

GiadinhNet - Vừa qua, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường đã có công văn gửi Thành ủy và UBND TP. Hà Nội xin phép đầu tư xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn với mức đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông tin này đã dấy lên nhiều sự lo ngại từ du khách thập phương và các chuyên gia văn hóa.

Theo GiaDinh