Vụ dôi dư 600 giáo viên: Con hiệu trưởng không đi dạy vẫn có danh sách nhận lương

Trong khi các giáo viên hợp đồng bị bớt xén tiền lương thì con hiệu trưởng không đi dạy nhưng vẫn có trong danh sách nhận lương đầy đủ.

Liên quan đến vấn đề dôi dư 600 giáo viên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk, ngoài việc bị tố nhận tiền chạy việc, bớt xén tiền lương, mới đây các giáo viên hợp đồng còn phản ánh ông Huỳnh Bê, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn) còn trả lương cho con trai là ông Huỳnh Trọng Quý, khi ông này đã nghỉ dạy.

vu-doi-du-600-giao-vien-con-hieu-truong-khong-di-day-van-co-danh-sach-nhan-luong

Dù đã xin nghỉ dạy nhưng tháng 1-2018, ông Quý vẫn có trong danh sách nhận lương

Theo đó, ông Quý đã có đơn xin nghỉ dạy tạm thời từ tháng 11-2017. Thế nhưng, từ tháng 11-2017 đến tháng 2-2018, ông Quý vẫn có tên trong danh sách nhận lương của trường.

Cụ thể, theo bảng lương tháng 11 và tháng 12-2017, ông Quý vẫn được kho bạc và nhà trường chi trả hơn 3,6 triệu đồng/tháng. Còn từ tháng 1 đến tháng 2-2018, mỗi tháng ông Quý được nhận mức lương hơn 2,4 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản bảo hiểm theo quy định.

Ngoài ra, tại danh sách biên chế, quỹ tiền lương năm 2018 của Trường THCS Ngô Mây do Phòng Nội vụ Krông Pắk ký duyệt, tổng số tiền lương trong năm 2018 của ông Quý là 32,67 triệu đồng.

Ông Dương Đăng Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây, xác nhận vào tháng 11-2017, ông Quý đã có đơn xin nghỉ tạm thời và đến nay vẫn chưa đi dạy lại. Tuy nhiên, việc lương thưởng là thẩm quyền, trách nhiệm của hiệu trưởng Huỳnh Bê và kế toán trường, ông không nắm rõ.

Còn ông Nguyễn Viết Bình, Kế toán của Trường THCS Ngô Mây, cho rằng giai đoạn này ông bị bệnh, phải nhập viện mổ. Khi ông về thì hiệu trưởng bảo lập bảng lương nên ông lập chứ không biết.

vu-doi-du-600-giao-vien-con-hieu-truong-khong-di-day-van-co-danh-sach-nhan-luong

Trường THCS Ngô Mây, nơi hiệu trưởng bị tố cáo nhận tiền chạy việc, bớt xén lương giáo viên

Liên quan đến vụ việc, ông Cao Văn Tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Krông Pắk, cho biết sau khi các đơn vị gửi danh sách chi trả lương của nhân viên lên, phía kho bạc sẽ lập danh sách và gửi qua Phòng Nội vụ huyện thẩm định, phê duyệt.

Sau khi được duyệt, kho bạc sẽ chuyển tiền lương qua ngân hàng và ngân hàng sẽ thanh toán cho các đơn vị. Như vậy, việc giáo viên nghỉ dạy hay bị chấm dứt hợp đồng thì nhà trường phải báo cáo, gạch tên khỏi danh sách. Nếu không gạch tên, không thông báo thì kho bạc cũng không biết và vẫn chi trả lương theo danh sách.

Bài và ảnh: Cao Nguyên

Theo Người lao động

------------------

Xem thêm:

Bị tố nhận tiền chạy việc, hiệu trưởng nhận vay nợ

Theo đơn tố cáo của người cha giáo viên hợp đồng thì vị hiệu trưởng đã nhận tổng cộng 120 triệu đồng để chạy việc, tuy nhiên vị hiệu trưởng lại viết giấy nói vay nợ.

Sáng 14-3, thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, cho biết liên quan đến vụ việc dôi dư hàng trăm giáo viên tại huyện Krông Pắk, hiện Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với một số đảng viên.

Sau khi có kết luận, nếu Ủy ban kiểm tra chuyển hồ sơ hoặc có dấu hiệu hình sự thì Công an tỉnh sẽ vào cuộc điều tra. Bên cạnh đó, nếu các giáo viên có đơn tố cáo trực tiếp thì Công an tỉnh sẽ điều tra ngay.

Hiện nay đơn vị chưa nhận được tố cáo nào. "Tuy nhiên, trước thông tin một số giáo viên phản ánh trên báo chí nói phải bỏ tiền chạy việc, Công an tỉnh cũng đã giao các phòng nghiệp vụ lập kế hoạch xác minh thông tin, làm rõ vấn đề này" – thiếu tướng Trần Kỳ Rơi cho biết thêm.

bi-to-nhan-tien-chay-viec-hieu-truong-nhan-vay-no

Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk hoang mang trước thông tin mất việc

Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Văn Minh (ngụ xã Ea K’Mút, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk), vừa gửi đơn lên cơ quan công an, Phòng GD-ĐT huyện Krông Pắk tố cáo ông Huỳnh Bê (Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắk) lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đơn tố cáo, năm 2016 ông Minh gặp ông Huỳnh Bê để xin cho con vào dạy tại trường. Tại đây, ông Huỳnh Bê nói phải chi 140 triệu đồng để lo ký hợp đồng và vào biên chế.

Tin lời, ông Minh đã ba lần đưa tổng cộng số tiền 120 triệu đồng cho vị hiểu trưởng. Từ đó, đến năm 2017 con gái ông Minh được nhận vào trường dạy hợp đồng, không được vào biên chế và lương khoảng 1 triệu đồng/tháng. Sau nhiều lần đòi tiền không được, ông Minh đã làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng.

Mặc dù trong đơn tố cáo, ông Minh khẳng định số tiền 120 triệu đồng là số tiền chạy việc. Tuy nhiên, trong giấy biên nhận của ông Huỳnh Bê thể hiện ông chỉ vay nợ và hứa sẽ trả lại đầy đủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng 14-3 về vấn đề này, đại tá Nguyễn Duy Trường, Trưởng Công an huyện Ea Kar, cho biết ngày 8-3, trực ban Công an huyện có tiếp nhận đơn của ông Minh.

Tuy nhiên, ông Minh còn cung cấp một số giấy vay tiền, giấy nhận nợ, khất nợ mà không có giấy tờ nhận tiền chạy việc nên công an huyện hướng dẫn ông Minh khởi kiện ra tòa để đòi tiền.

Cao Nguyên

Theo Người lao động