Vùng nách hoại tử nặng vì tin lời mật ngọt "chỉ một liều đánh bay mùi ám ảnh"

Các bác sĩ Bệnh viên Da liễu Trung ương từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân với đôi nách bị hoại tử nặng do sử dụng các thuốc trôi nổi.

Một trong những nỗi ám ảnh của nhiều người khi trời mùa hè nóng nực là ra mồ hôi nách, mồ hôi có mùi. Thậm chí, nếu gặp tình trạng này ở mức nặng, "chủ nhân" sẽ bị ảnh hưởng tâm lý, làm cản trở, hạn chế giao tiếp, sinh hoạt và chất lượng cuộc sống.

Tăng tiết mồ hôi vùng nách cũng làm áo trở nên ẩm ướt, ngả màu và phải được thay đổi nhiều lần trong ngày. Các nếp da ẩm ướt dễ bị nấm, viêm da kích ứng và nhiễm trùng.

Điều này dễ khiến nhiều người tìm mọi cách để đẩy lùi chứng bệnh khó nói, tế nhị này. Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Quang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Da liễu Trung ương), chưa có một nghiên cứu nào khẳng định bệnh hôi nách có thể xử lý một cách triệt để. Trên thực tế điều trị cũng vậy.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin vào những lời quảng cáo "mật ngọt" như: Chỉ một lần, chữa hôi nách dứt điểm; Đánh bay "viêm cánh" chỉ sau vài phút; Giá rẻ bất ngờ, hiệu quả triệt để...

Thậm chí, nhiều người tin dùng thuốc trị bệnh này trôi nổi, truyền miệng..., bay mùi đâu chưa thấy, chỉ biết hoạ ập đến. Thực tế, các bác sĩ Bệnh viên Da liễu Trung ương từng điều trị cho rất nhiều bệnh nhân với đôi nách bị hoại tử nặng do sử dụng các thuốc trôi nổi.

vung-nach-hoai-tu-nang-vi-tin-loi-mat-ngot-chi-mot-lieu-danh-bay-mui-am-anh

Ảnh minh hoạ

BS Quang khẳng định dùng loại thuốc uống trôi nổi để chữa hôi nách rất nguy hiểm, không ai biết loại thuốc đó chứa thành phần gì. Nhiều hóa chất khi đi vào cơ thể có thể gây nên tình trạng sốc phản vệ, ngộ độc gan, ngộ độc các cơ quan nội tạng, thậm chí tử vong nếu bệnh diễn tiến nặng.

Những loại thuốc bôi không rõ nguồn gốc cũng nguy hiểm tương tự, dễ gây phản ứng viêm loét, hoại tử vùng da hoặc đau rát, khó chịu cho người bệnh.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh hôi nách, trong đó nguyên nhân chủ yếu là do cơ địa người mắc. Bệnh này thường gặp ở những người béo phì, những người hoạt động thể chất nhiều, những người có cảm xúc quá mẫn cảm. Ngoài ra, yếu tố khí hậu, môi trường cũng tạo tác động không nhỏ gây nên bệnh.

Vì nguyên nhân chủ yếu do cơ địa, hôi nách không phải là bệnh có thể lây, do đó, nếu cho rằng dùng chung quần áo, khăn tắm, đồ đạc... có thể bị lây bệnh hôi nách, theo BS Quang là không đúng. Tuy nhiên vị bác sĩ này cũng khuyến cáo những đồ dùng sinh hoạt cá nhân hàng ngày trên đây không nên dùng chung.

Nhiều người đã áp dụng những phương pháp dân gian như dùng chanh, phèn chua để mong chữa được bệnh. Theo BS Quang, các biện pháp này chỉ giúp cải thiện mùi trong thời gian ngắn (tương tự như dùng lăn, xịt khử mùi), được xếp vào mục "chăm sóc" chứ không mang ý nghĩa "điều trị".

TS Nguyễn Hữu Quang cho biết, dù hôi nách khó điều trị triệt để, tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể cải thiện một cách đáng kể nếu sử dụng đúng phương pháp.

Trước hết, người bệnh cần thường xuyên vệ sinh cơ thể sạch sẽ, sử dụng các dược mỹ phẩm như lăn nách, xịt nách để ngăn mùi. Biện pháp này giúp cải thiện mùi trong một thời điểm nhất định.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt cũng có thể ảnh hưởng đến mùi cơ thể. Việc giảm cân có thể giảm được nguy cơ tăng tiết mồ hôi. Sau khi vận động, tập luyện thể thao nên tắm ngay để ngăn vi khuẩn sinh sôi phát triển gây mùi cơ thể.

Để khắc phục tình trạng hôi nách một cách hiệu quả hơn, người bệnh nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn.

Ai không nên can thiệp điều trị hôi nách?

TS Nguyễn Hữu Quang lưu ý, trẻ em dưới 18 tuổi chỉ nên sử dụng các biện pháp chăm sóc cá nhân chứ chưa nên điều trị can thiệp bởi các cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn toàn, có thể khiến việc điều trị không đạt kết quả như kỳ vọng.

Phụ nữ cũng nên tránh điều trị bệnh hôi nách trong giai đoạn mang thai hoặc cho con bú bởi đó là thời điểm hormone thay đổi, dễ tăng tiết mồ hôi khiến việc điều trị khó hiệu quả.

Theo GiaDinh