WHO cảnh báo- người tiêm vaccine Covid-19 vẫn nên đeo khẩu trang vì biến thể nguy hiểm

WHO vừa đưa ra khuyến cáo, mặc dù hiện nay nhiều người đã tiêm vaccine Covid-19 nhưng không nên chủ quan mà vẫn cần đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp y tế cộng đồng.

Trong bối cảnh biến chủng Delta lây lan nhanh và mạnh, Tiến sĩ Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, các biện pháp y tế cộng đồng vẫn "cực kỳ quan trọng", thậm chí với những người đã được tiêm vaccine Covid-19.

Simao nói mọi người nên đeo khẩu trang, thực hành giãn cách cộng đồng, sống trong không gian thoáng gió, thường xuyên rửa tay và tránh tụ tập đông người.

"Điều này cực kỳ quan trọng dù bạn đã được tiêm chủng, nhất là khi lây nhiễm cộng đồng vẫn xảy ra. Đó là tình trạng đang diễn ra tại Mỹ Latinh nói chung", bà nói. "Mức độ lây nhiễm cộng đồng ở mức cao, bởi vậy mọi người không nên tự cho rằng mình đã an toàn sau khi tiêm hai mũi vaccine. Họ vẫn cần tự bảo vệ mình".

who-canh-bao-nguoi-tiem-vaccine-covid-19-van-nen-deo-khau-trang-vi-bien-the-nguy-hiem

WHO khuyến cáo, dù đã tiêm vaccine 2 mũi nhưng vẫn nên đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ảnh: Reuters.

Bất chấp khuyến cáo từ WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ chưa thay đổi khuyến cáo đối với những người đã được tiêm chủng. Theo hướng dẫn cập nhật của CDC Mỹ trước đó, những người tiêm đủ hai mũi vaccine có thể thực hiện hầu hết các hoạt động mà "không cần đeo khẩu trang hoặc giữ khoảng cách", trừ các trường hợp đặc biệt.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, Delta "dễ lây truyền nhất" trong số các biến chủng nCoV được xác định tới nay. Biến chủng Delta, hay B.1.617.2, được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ.

"Khi một số quốc gia nới lỏng các biện pháp y tế và xã hội, chúng tôi chứng kiến tình trạng lây lan gia tăng khắp thế giới", Tedros nói, đề cập tới Delta, biến chủng đã xuất hiện tại ít nhất 85 quốc gia. "Nhiều ca nhiễm hơn dẫn đến số người nhập viện nhiều hơn, gây thêm gánh nặng cho nhân viên và hệ thống y tế, làm tăng nguy cơ tử vong".

Tedros nói ca nhiễm biến chủng Delta gia tăng do tình trạng phân phối vaccine Covid-19 không công bằng tại các nước nghèo, cảnh báo tình trạng tương tự từng diễn ra trong khủng hoảng AIDS và đại dịch cúm lợn năm 2009.

Trong cuộc họp báo của WHO, trưởng nhóm kỹ thuật phụ trách Covid-19 Maria Van Kerkhove nhận định số ca nhiễm biến chủng Delta tại châu Âu là ví dụ cho thấy tình trạng y tế của thế giới đang "mong manh" tới mức nào.

"Có rất nhiều sự kiện khiến số ca nhiễm tăng đột biến ở một số nước châu Âu", Van Kerkhove nói và liệt kê các hoạt động "mang tính xúc tác" cho lây nhiễm gồm các sự kiện thể thao, tôn giáo, thậm chí là tiệc nướng tại nhà. Van Kerkhove kêu gọi mọi người đoàn kết để giảm tốc độ lây nhiễm.

"Biến chủng Delta sẽ tiếp tục đột biến. Các biện pháp xã hội và y tế công cộng của chúng ta có hiệu quả, vaccine của chúng ta có tác dụng, việc chẩn đoán và điều trị mang lại kết quả. Chủng virus này sẽ đột biến vào lúc nào đó, còn các biện pháp đối phó thì không", Van Kerkhove cho biết.

Van Kerkhove cho biết thêm, Delta là một trong 4 biến chủng mà WHO quan ngại, cùng với 7 biến chủng đang được quan tâm. WHO cũng theo dõi một số cảnh báo khác về các thể đột biến của nCoV. 

Cũng do biến chủng này mà hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã phải tái phong tỏa như Bangladesh, Australia, Nga và Israel tái áp đặt lệnh phong tỏa hoặc hạn chế để ngăn biến chủng Delta lây lan, Anh trì hoãn kế hoạch mở cửa trở lại. Mức độ lây lan toàn cầu nhanh chóng của biến chủng Delta đặt các nước trước hai lựa chọn, hoặc tiếp tục phong tỏa, hoặc chấp nhận "sống chung với lũ".

Từ London tới New York hay Hong Kong, biến chủng Delta đang trở thành mối nguy hiểm đe dọa kế hoạch quay lại trạng thái bình thường của thế giới.

Tại châu Âu và Bắc Mỹ, tốc độ lây lan nhanh chóng của Delta, biến chủng được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, đe dọa triển vọng về một mùa hè bình thường, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao giúp thúc đẩy việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cũng như nối lại hoạt động du lịch.

Tại châu Á - Thái Bình Dương, Delta đang tạo nên làn sóng lây nhiễm mới ở các nước vốn đã chật vật đối phó đại dịch, đồng thời củng cố sự thận trọng của các nền kinh tế áp dụng chiến lược "dập dịch" dựa vào biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt. 

Chiến lược này giúp kiểm soát tốt Covid-19, hạn chế số ca tử vong, nhưng cũng tác động lớn đến kinh tế và hoạt động đi lại của người dân, trong lúc những khu vực khác trên thế giới đang hướng tới cuộc sống hậu đại dịch.

Theo VietQ