Xăng dầu tăng giá, người tiêu dùng lo lắng trăm bề

Khi vừa kịp "làm quen" với mức thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, thì nay không ít người tiêu dùng lại thêm phần lo lắng khi giá xăng dầu tăng liên tiếp.

Lo lắng, bất lực là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng khi giá xăng dầu chính thức được điều chỉnh mức giá bán mới.

Anh Nguyễn Việt An (30 tuổi, quê ở Vĩnh Phúc) là nhân viên tại một quán cà phê trên địa bàn quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.

Trong năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mức lương nhân viên của anh Việt An đã bị cắt giảm ít nhất 25% tổng thu nhập, chỉ còn khoảng 4 triệu đồng. Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua, mức thưởng Tết của anh An cũng chỉ dừng lại ở mức 2 triệu đồng. Trong khi đó, mức thưởng Tết ở những năm trước đó luôn giữ ngưỡng từ 3-4 triệu đồng.

xang-dau-tang-gia-nguoi-tieu-dung-lo-lang-tram-be

Xăng dầu tăng giá, tiểu thương thêm phần lo lắng với chi phí vận chuyển, nhiên liệu tiêu hao.

Với mức thu nhập trên, anh An phải "căn cơ" chi tiết mới có thể đủ để trang trải cho cuộc sống tại Thủ đô.

Thế nhưng, khi vừa phải "làm quen" với mức thu nhập giảm, thì anh An lại phải lo lắng trăm bề vì giá xăng dầu tăng.

Anh An cho biết: "Theo lẽ thường tình, xăng dầu tăng giá luôn "kéo" theo các ngành hàng, dịch vụ khác tăng giá như giá cước vận tải, xe taxi, thực phẩm, rau củ quả… Không những vậy, sau giá xăng, giá gas chắc chắn sẽ có biến động, mà giá gas đã lên, tôi sợ một suất cơm rang, một bát phở cũng nhỉnh theo".

Theo anh An, trước kia, ở thời điểm Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, giá xăng ở ngưỡng 14.000 – 18.000 đồng/lít, anh An chỉ mất khoảng 55.000 – 70.000 đồng là bơm được đầy bình xăng nhưng bây giờ, chi 90.000 đồng để mua xăng vẫn không được đầy bình.

Anh Nguyễn Huy Thanh cũng rơi tình cảnh tương tự. Vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, hai năm qua, thu nhập của anh Thanh giảm từ tiền lương đến thưởng Tết. Thế nhưng, mọi chi phí khác chưa hề có khái niệm giảm, từ thực phẩm, đến đất đai, vàng và bây giờ là xăng.

xang-dau-tang-gia-nguoi-tieu-dung-lo-lang-tram-be

Theo bà Oanh, sau Tết Nguyên đán, một số hàng phở đã tăng giá 5.000 đồng/suất.

Bà Lương Thị Oanh (49 tuổi, ở Hoàn Kiếm) cho biết, trong 2 kỳ điều hành gần đây, giá xăng chỉ tăng mỗi lần điều chỉnh là gần 1.000 đồng/lít và thực tế, một số hàng phở ở Hà Nội đã tăng giá, đơn cử như phở Thìn ở số 13 phố Lò Đúc (Hà Nội) đã tăng đến 90.000 đồng/bát.

"Một suất phở Thìn tăng 90.000 đồng/suất là cao gấp 3 lần mức giá bán bình quân một bát phở ở Hà Nội. Không chỉ phở Thìn mà sau Tết Nguyên đán, một số hàng phở đã tăng giá 5.000 đồng/suất", bà Oanh cho hay.

Cũng theo bà Oanh, xăng tăng thì tất cả mọi thứ đều tăng nhưng mọi thứ không tăng theo tỷ lệ với xăng dầu. Xăng tăng 1.000/lít thì phở phải tăng 5.000/suất. Bởi lẽ, phở đang mức giá 25.000 – 35.000/suất, tùy vùng miền, nếu tăng thêm 1.500 đồng, hay 2.500 đồng thì tiền lẻ đâu mà trả lại cho khách. Chưa kể, khách hàng luôn có lòng tự trọng, khách sẽ không để người bán hàng chạy ngược chạy xuôi đổi tiền 500 đồng để trả lại, trong khi đó có rất nhiều khách hàng đang chờ được phục vụ.

Với quan điểm này, bà Oanh cho rằng, xăng dầu tăng giá "kéo" theo chi phí các ngành, hàng khác cũng tăng là hệ lụy bất tương xứng mà khách hàng phải bấm bụng chịu.

Theo GiaDinh