Xăng 'dởm', xăng kém chất lượng hại tới động cơ ra sao?

Việc sử dụng các loại xăng bị pha chế không đúng cách, xăng kém chất lượng có nguy cơ làm hỏng động cơ xe, thậm chí gây cháy nổ.

Những chiêu trò ‘phù phép’ xăng kém chất lượng

Theo thông tin từ Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, hiện nay nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu không đảm bảo chất lượng, có kết quả giám định chỉ số Octan (RON) trong pha chế xăng thấp. Cơ quan này còn phát hiện những thủ đoạn pha chế tinh vi, pha vào những hợp chất dung môi không thể dùng cho động cơ, gây hại với môi trường, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng và quyền lợi của người tiêu dùng.

Trước đó, vào năm 2018, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 (BCĐ 389) cũng phát hiện tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, TP HCM, Lâm Đồng, Cần Thơ... nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu kém chất lượng. Kết quả giám định chỉ số Octan trong xăng pha chế có vụ dưới 70% chỉ số theo quy chuẩn kỹ thuật.

Thủ đoạn của những cửa hàng này là pha chế 25 - 30% dung môi vào xăng quy chuẩn để tạo ra nhiều xăng hơn. Hợp đồng mua bán chất dung môi khi kiểm tra phát hiện chất dung môi được ghi trong hợp đồng là Solmix, không được phép dùng cho động cơ đốt trong hoặc pha chế xăng...

Gần đây nhất, từ ngày 28/5 đến 2/6/2019, Ban chuyên án do Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an làm Trưởng ban chỉ đạo, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông làm Phó ban chỉ đạo, đã tiến hành bắt quả tang các đối tượng đang thực hiện hành vi pha trộn dung môi với chất kích RON, bột màu thành xăng giả; tổ chức khám xét tại 6 địa điểm cũng là nơi các đối tượng đang tổ chức pha trộn và cất giấu chất dung môi, chất để pha trộn thành xăng giả thuộc địa bàn TP.HCM, TP.Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Đến nay, cơ quan công an đã tạm giữ hơn 3,2 triệu lít dung dịch các loại trong đó có trên 2,1 triệu lít hỗn hợp đã pha chế thành xăng giả; 432.474 lít dung môi chưa pha; 3 tàu thủy, 6 xe ôtô (xe bồn), 5 máy bơm, 50kg tạo màu và nhiều vật dụng liên quan…

Đại tá Lê Vinh Quy, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đắk Nông khẳng định, dung môi được sử dụng để pha chế là thành phẩm trong quá trình chưng cất dầu mỏ. Đây là loại hợp chất thường được sử dụng trong công nghiệp, pha trộn sơn, tẩy rửa, sản xuất gỗ, thuộc da… Các đối tượng sử dụng dung môi, pha với xăng, chất tạo màu và một số “hương liệu” để phù phép thành xăng giả.

Cụ thể, các đối tượng mua dung môi này về pha trộn với xăng A95 với tỉ lệ 30-50% và cùng một chất tạo màu vàng để sản xuất xăng A95 giả. Cách thứ 2 là dùng dung môi trộn với tỉ lệ xăng nền A95 (tỉ lệ nhỏ) và chất kích RON, chất tạo màu xanh để tạo hợp chất xăng A95 giả.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu, các hành vi pha trộn phụ gia, tạp chất vào xăng, dầu không chỉ gây tổn hại tới môi trường, phá hoại động cơ - là tài sản của người tiêu dùng mà còn có nguy cơ gây ra những tai nạn cháy nổ thương tâm cho người sử dụng.

Hành vi pha tạp chất vào xăng dầu đã có từ lâu và việc kiểm soát hành vi này rất khó. Thông thường, việc pha chế phụ gia vào xăng dầu là cần thiết, nhưng nếu không kiểm soát được số lượng thì sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng xăng dầu. Các chuyên gia cũng cho biết thêm, có 3 loại phụ gia có thể pha vào xăng là ethanol, acetone và methanol, đều là phụ gia chứa hợp chất gốc oxy.

xang-dom-xang-kem-chat-luong-hai-toi-dong-co-ra-sao

 

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất Công ty TNHH Trạm xăng dầu Đông Hòa (Bình Dương), phát hiện hơn 10.000 lít xăng Ron 95 - III không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ảnh: Đội Quản lý thị trường số 7

Xăng ‘dởm’ làm hại động cơ thế nào?

Động cơ xe máy, xe ô tô ngày nay đòi hỏi xăng phải có trị số octan cao. Trị số octan là một đại lượng đặc trưng định lượng quy ước về chất lượng nhiên liệu cho động cơ đốt trong dựa trên khả năng kích nổ của nó.

Nếu xăng có trị số cao, động cơ sẽ chạy đảm bảo đúng năng lực, không ảnh hưởng đến máy. Trong trường hợp đổ xăng cho xe với trị số octan thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến động cơ xe. Bởi khi xăng có trị số octan thấp sẽ gây nên kích nổ động cơ, cháy các chi tiết dẫn đến hỏng máy, pittong...

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên Phó chủ tịch Hội Ô tô và thiết bị động lực TP.HCM cho rằng, nếu xăng đúng chuẩn theo quy định, khi đốt cháy sẽ bốc hơi hoàn toàn, không để lại chất gì.

Với nhiều trường hợp xe bị chết máy, sau khi lấy xăng ra đốt vẫn còn lớp cặn giống như nhựa dẻo chứng tỏ chứa một số chất hữu cơ nào đó, đương nhiên loại xăng này không phù hợp với tiêu chuẩn xăng theo quy định. Xe chạy xăng có nhiều tạp chất sẽ dẫn tới sự cố máy ngừng đột ngột giữa đường, có khi về đậu một đêm sáng ra không đề máy được do lớp keo dẻo bám chặt ở đầu piston, xú páp.

Ông Ninh cũng cho rằng xăng là hợp chất hữu cơ, có thể hòa tan nhiều loại hữu cơ khác nên bằng mắt thường khó mà phát hiện trong xăng có chứa chất lạ. Việc xăng pha thêm phụ gia, tạp chất nhằm làm gia tăng khối lượng trên thị trường thời gian qua không phải là hiếm như xăng pha aceton, methanol... thời điểm 2005-2006 gây thiệt hại rất nhiều cho người dân.

Cùng quan điểm, KS Lê Văn Tạch nhận định, việc sử dụng xăng “bẩn” (sản xuất bằng cách pha xăng thật với các chất dung môi, mà chủ yếu là methanol) cũng có thể dẫn tới tình trạng cháy, chập điện, dẫn tới xe đang chạy có thể bốc cháy.

“Xăng bẩn chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới động cơ xe, đặc biệt là động cơ ô tô. Việc sử dụng xăng bẩn sẽ làm giảm công suất xe bởi khi chưa đến điểm nổ, nhiên liệu đã gây kích nổ, đồng thời gây nóng máy khi sử dụng”, kỹ sư Lê Văn Tạch cho hay.

Đặc biệt, trong quá trình sử dụng xăng bẩn sẽ làm động cơ nóng lên, lâu ngày sẽ khiến vỏ dây điện, vỏ nhựa xung quanh động cơ bị cứng lên, khi di chuyển sẽ bị đứt, gây hở điện, dẫn tới tình trạng cháy chập điện, phát hỏa.

Theo ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục TCĐLCL), nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, trong thời gian qua, Cục đã phối hợp với các ngành chức năng địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn các tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ các với Sở Công thương, Khoa học và Công nghệ, Cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với lực lượng công an kiểm soát chặt việc vận chuyển xăng, dầu lưu thông trên các tuyến đường; kiểm tra đột xuất các cở sở kinh doanh xăng, dầu… để kịp thời phát hiện, thu giữ xăng kém chất lượng, đồng thời xử lý nghiêm chủ cơ sở kinh doanh xăng gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo VietQ