Xôn xao vụ hút mỡ bụng xong mới biết đã có bầu: Bác sĩ thẩm mỹ nói gì?

Sau 4 tuần hút mỡ bụng, một phụ nữ 28 tuổi phát hiện mình mang thai hơn 8 tuần. Chị càng lo lắng hơn khi bác sĩ sản nói việc giữ thai là khó.

Tốn trăm triệu hút mỡ rồi phát hiện đã mang thai

Mới đây, thông tin một khách hàng sau 4 tuần thực hiện hút mỡ bụng thì phát hiện đã mang thai hơn 8 tuần khiến nhiều người quan tâm.

Nữ khách hàng là chị N.A (28 tuổi, Hà Nội). Chị N.A vào TP HCM thực hiện hút mỡ tại Bệnh viện thẩm mỹ Emcas. Đây là bệnh viện chị được chuyển đến, sau khi chị đăng ký phẫu thuật thẩm mỹ với Thẩm mỹ viện S (quận 1, TP HCM).

Trước khi hút mỡ, chị N.A được khám sức khoẻ, lấy máu xét nghiệm tại bệnh viện Emcas. Các bác sĩ kết luận chị đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật hút mỡ bụng. Ngày 28/9, chị N.A được tiến hành hút mỡ bụng tại đây. Tổng chi phí khoảng hơn 140 triệu đồng trả cho thẩm mỹ viện S.

xon-xao-vu-hut-mo-bung-xong-moi-biet-da-co-bau-bac-si-tham-my-noi-gi

Kết quả siêu âm phát hiện có thai 8 tuần 2 ngày tuổi của chị N.A

Tuy nhiên, 4 tuần sau ca hút mỡ, chị N.A phát hiện có thai, kết quả này được 2 cơ sở y tế khác nhau xác nhận.

Chị A và người nhà vô cùng bức xúc chuyện vì sao chị có thai mà các cơ sở (Thẩm mỹ viện Emcas và thẩm mỹ viện S) khi chị thực hiện hút mỡ bụng không biết. Chị N.A cũng lo lắng khi bác sĩ sản khoa tư vấn về khả năng chị khó giữ được thai nhi, nhất là khi thai phát triển đến tháng thứ 4, vùng bụng lớn thêm trong khi bụng đã bị hút mỡ và cắt bỏ lớp da, bụng không còn độ đàn hồi.

Hút mỡ là loại bỏ mỡ thừa, không thể hút sạch

TS Phạm Cao Kiêm, nguyên Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, từ những thông tin trên đây, việc khó giữ thai của trường hợp này là quan điểm của bác sĩ sản, việc này còn tuỳ từng cơ địa, tuỳ từng người.

"Da người bao giờ cũng có sự đàn hồi, căng ra khi thai lớn lên. Mỡ chỉ là lớp đệm ở dưới da, không bao giờ hút hết được, vẫn phải còn một phần mỡ sau khi hút mỡ bụng" - TS Kiêm chia sẻ và cho biết thêm hiện chưa có nghiên cứu khoa học về việc ảnh hưởng của hút mỡ bụng tới phụ nữ mang thai cũng như sự phát triển của thai nhi.

Trước khi hút mỡ bụng, theo BS Kiêm, bệnh nhân phải xét nghiệm máu. Tuy nhiên, BS Kiêm thừa nhận, việc kiểm tra bệnh nhân có thai hay không không phải cơ sở y tế nào cũng chú trọng.

xon-xao-vu-hut-mo-bung-xong-moi-biet-da-co-bau-bac-si-tham-my-noi-gi

Bệnh viện Emcas nơi chị N.A thực hiện hút mỡ bụng

"Điều này phụ thuộc phần lớn vào khách hàng, còn siêu âm có thể không phát hiện ra nếu thai quá ít ngày, ít tuần. Bệnh nhân nếu biết có thai sẽ không hút mỡ bụng", BS Kiêm nói.

Theo TS Kiêm, giảm béo bằng phương pháp xâm lấn như phẫu thuật cắt bỏ vùng mỡ thừa, hút mỡ (hoặc kết hợp cả hai phương pháp) cho phép giảm lượng mỡ rất lớn. Tuy nhiên, không phải khách hàng muốn hút bao nhiêu mỡ cũng được.

Chuyên gia này cho hay theo nguyên tắc, lượng mỡ được tính toán hút ra phù hợp, sau đó sẽ được truyền bù lượng dịch, chống sốc tương ứng với lượng mỡ hút theo quy định. Lượng hút phụ thuộc cân nặng, vùng lấy da, cân đối của cơ thể… tính toán trên từng bệnh nhân.

Mỡ vốn là nơi dự trữ năng lượng, nếu hút quá nhiều sẽ gây ra rối loạn chuyển hóa. Quá trình hút mỡ có thể gây tổn thương mạch máu, khi hút mỡ sẽ có lẫn máu, ngoài ra khi bơm lượng dịch làm tan mỡ thì dịch của tế bào cũng sẽ vào đó và bị hút ra. Do đó hút nhiều mỡ đồng nghĩa với việc cơ thể sẽ mất nhiều dịch, thiếu máu, các chỉ số sinh hóa thay đổi, khối lượng tuần hoàn giảm, nguy hiểm cho tính mạng.

Các chuyên gia cho hay, các bác sĩ chỉ khuyên mỗi người trong một lần hút chỉ nên ở mức tối đa là 8 – 10% trọng lượng cơ thể. Mỗi lần chỉ nên làm một vùng cơ thể chứ không nên vừa hút mỡ bụng, vừa hút mỡ đùi, bắp tay…

Ai nên và không nên hút mỡ bụng?

Theo TS Nguyễn Huy Cảnh, Bệnh viện 108, hút mỡ không phải là phương pháp dành cho tất cả mọi người.

Những người trên 18 tuổi, không mắc bệnh máu khó đông, bụng nhiều mỡ thừa, những người có sức khoẻ bình thường, không mắc các bệnh mãn tính về phổi, gan thận, tim mạch; không bị các bệnh về chuyển hoá như tiểu đường, bệnh gút, bệnh về tăng huyết áp hoặc có biểu hiện rối loạn tâm thần… thì đều có thể thực hiện được hút mỡ bụng.

Phương pháp hút mỡ bụng chống chỉ định với những người thừa cân, lượng mỡ toàn thân quá nhiều; Người bị tiểu đường, tim mạch, máu khó đông; Người có cơ địa da bị rạn nứt quá nhiều, khi thực hiện hút mỡ càng khiến da biến dạng chảy xệ hơn; Phụ nữ sau sinh 12 tháng mới được hút mỡ bụng.

Các chuyên gia cũng lưu ý, Sau hút mỡ bụng hoàn toàn có thể tái phát việc béo bụng, lớp mỡ tăng độ dày. Mức độ tái phát phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống và vận động.

Biến chứng đáng sợ của hút mỡ?

TS Kiêm cho hay tai biến do hút mỡ tạo hình thành bụng có thể gặp như hoại tử da, tụ dịch, tụ máu, tắc mạch phổi...

Nguy cơ đáng sợ nhất của hút mỡ là gây tắc mạch phổi. Theo các bác sĩ, tắc mạch phổi rất khó xử trí, có khoảng 0,5-1% số trường hợp có thể gây tắc mạch phổi, tỷ lệ tử vong cao. TS Cảnh cảnh báo, cơ hội cứu sống bệnh nhân tắc mạch phổi khi hút mỡ ở phòng khám ngoài bệnh viện là rất thấp.

Theo quy định của Bộ Y tế, hút mỡ phải được thực hiện ở bệnh viện đạt chuẩn y tế về vô khuẩn, vô trùng, có các phương tiện hỗ trợ hồi sức cấp cứu khi xảy ra tai biến. Bệnh nhân phải được phải kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi bác sĩ quyết định có hút mỡ được hay không.

Các bác sĩ sản khoa cho hay việc định lượng beta HCG cho phép chẩn đoán có thai sớm ngay cả khi thai phụ chưa có dấu hiệu trễ kinh. Bằng cách đo lường chính xác nồng độ beta HCG với độ nhạy cao, có thể xác định đã thụ thai ngay từ ngày thứ 8, 9 sau khi rụng trứng, tức ngày thứ 22, 23 của chu kỳ kinh nguyệt (áp dụng với phụ nữ có chu kỳ kinh đều khoảng 28 ngày).

Sau đó, nồng độ beta hCG tăng lên rất nhanh, tăng gấp đôi chỉ sau 1,4 đến 2 ngày khi hợp tử bắt đầu làm tổ.

Theo GiaDinh