Xử lý thế nào khi cho trẻ uống nhầm thuốc tây?

Hiện tượng ngộ độc thuốc do uống nhầm thuốc tây ở trẻ em rất phổ biến. Xử lý thế nào khi phát hiện uống nhầm thuốc tây rất quan trọng vì không đúng cách lại nguy hiểm tính mạng.

Nhiều bé đã phải nhập viện cấp cứu do sự bất cẩn thiếu chú ý của cha mẹ vì uống nhầm thuốc tây. Như trường hợp bé gái 6 tuổi bị 

ngộ độc thuốc điều trị tâm thần phân liệt Haloperridol.

Bệnh nhi này nhập viện trong tình trạng lừ đừ, gọi hỏi không biết, cổ cứng, cứng 2 tay, toàn thân tím tái... Các bác sĩ lập tức rửa dạ dày và thực hiện các biện pháp chống độc đặc biệt. Sau khi được điều trị tích cực, may mắn cháu đã qua khỏi.

Theo gia đình, lọ Haloperridol được dùng để điều trị cho ông nội bé thường được người nhà để ở tủ thuốc. Trước mỗi lần muốn dụ bé uống thuốc khi ốm, cha mẹ đều “dụ” cháu thuốc là kẹo. Rất có khả năng do tưởng nhầm là kẹo, bé đã lấy ăn.

BV Nhi đồng 1 TP HCM cũng từng tiếp nhận bé T.T.T.N. (8 tuổi, ngụ TP HCM) bị ngộ độc thuốc. Bé N. nhập viện trong tình trạng hôn mê. Các bác sỹ chẩn đoán bé bị ngộ độc thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần. Sau gần 2 ngày điều trị tích cực bằng rửa dạ dày thải độc chất, uống than hoạt tính hấp thu các độc chất còn lại... sức khỏe bé đã cải thiện, tỉnh táo.

Theo người nhà, do bố mẹ bất cẩn để thuốc trong tầm tay của bé nên cháu tưởng thuốc là kẹo nên lấy ăn rồi lăn ra ngủ mê man, lay gọi không dậy. Trước khi đến BV nhi đồng I, cháu đã được sơ cứu tại bệnh viện địa phương.

Trẻ có thể gặp nguy hiểm khi uống nhầm thuốc tây. Ảnh minh họa

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng Khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, việc ngộ độc do uống nhầm thuốc tây là hiện tượng phổ biến bởi có nhiều loại thuốc có những màu sắc bắt mắt khiến chúng tưởng nhầm là kẹo. Ngoài ra cũng hay gặp trường hợp trẻ uống nhầm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ…

Nguyên nhân trẻ bị ngộ độc thuốc chủ yếu do sự thiếu kiến thức và vô ý của người lớn. Nếu uống với hàm lượng thuốc rất cao có thể dẫn đến ngộ độc thuốc, dị ứng thuốc hay có những tác dụng phụ của thuốc như chóng mặt, buồn nôn, đau bụng… thậm chí nếu không được cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng.

Vậy xử lý thế nào khi phát hiện uống nhầm thuốc tây?

Việc đầu tiên khi bắt gặp người uống nhầm thuốc là cần phải bình tĩnh, tránh hoảng loạn để xử lý được chính xác. Cần tìm hiểu xem người bệnh đã uống nhầm loại gì, với lượng bao nhiêu vì mỗi loại thuốc, hóa chất sẽ có những biểu hiện lâm sàng và cách xử trí khác nhau.

Bất kể là ăn hay uống nhầm loại thuốc tây nào, việc cần làm là ngăn chặn việc hấp thụ thuốc bằng cách móc họng gây nôn để nôn một phần số thuốc đã uống vào ra ngoài. Đồng thời cho trẻ uống nhiều nước ấm nhằm làm sạch dạ dày, giải độc ra khỏi cơ thể, giảm bớt sự hấp tác hại của thuốc hay hóa chất. Trong trường hợp bé hôn mê, co giật thì không nên gây nôn.

Việc sơ cứu ban đầu này rất quan trọng vì quãng đường từ nhà đến bệnh viện phải mất một thời gian, nếu để lâu sẽ càng gây tác hại. Bởi vậy, sau sơ cứu ban đầu cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện ngay để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc. Mang theo vỏ loại thuốc hoặc chai hóa chất mà người bệnh đã uống nhầm để các bác sĩ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.

Để tránh trường hợp trẻ uống nhầm thuốc tây, cha mẹ cần để thuốc trên cao và ngoài tầm với của trẻ. Hãy cất thuốc trong tủ thuốc và khóa một cách cẩn thận. Không bao giờ được để thuốc trên bàn nhất là khi bạn vừa uống xong thuốc. Đóng nắp an toàn với bất kỳ một loại thuốc nào mà bạn vừa sử dụng. Bất cứ loại thuốc nào bạn không sử dụng hoặc đã hết hạn cần vứt bỏ không nên để cho trẻ chơi.

Theo Hà My (GĐXH)